Công an Hà Nội khuyến cáo người dân 5 kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân 5 biện pháp phòng chống cháy nổ và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Từ ngày 28/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) và Công an 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì đã và đang khẩn trương, tích cực tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình nhà trọ, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Dự kiến đợt tổng kiểm tra sẽ hoàn thành xong trước ngày 14/6/2024.
Quá trình kiểm tra, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, thoát nạn, thoát hiểm, xử lý tình huống chữa cháy ban đầu cho từng người dân đang sinh sống và làm việc tại các nhà trọ.
5 biện pháp phòng tránh và kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ
Công dân và Khuyến học giới thiệu 5 biện pháp được Công an Thành phố Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Đặc biệt đối với cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao, nhất là các khu nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh…
1. Người trọ không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng hoặc gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện...; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện...
2. Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người thuê trọ cần tắt các thiết bị điện không cần thiết; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng hạn chế và để ở khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn và đổ vỡ; quản lý chặt chẽ quá trình sạc điện đối với xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.
3. Mỗi phòng trọ cần trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực), đèn chiếu sáng sự cố, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra.
4. Nếu có thể, mỗi hộ gia đình trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, mặt nạ phòng độc, thang dây để tăng cường giải pháp an toàn tại nơi ở.
5. Khi xảy ra cháy, người dân hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114, hoặc Công an gần nhất, sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google