Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông sắp diễn ra tại thành phố Huế
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, Đại lễ cầu siêu là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời do tai nạn giao thông.
Đại lễ cầu siêu: Chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 do Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra 30-31/8 tới đây (tức ngày 27-28/7 năm Giáp Thìn) tại Chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ban tổ chức sẽ lập 63 bài vị tương ứng 63 tỉnh thành để cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông. 63 vị chủ bái mặc trang phục truyền thống sẽ hầu bên bài vị suốt 2 ngày diễn ra đại lễ.
Ban tổ chức cũng sẽ trao quà, động viên gia đình của các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Các phần quà sẽ được ưu tiên cho người có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong trong tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, cả nước đã có 14.242 vụ tai nạn giao thông làm 6.204 người chết và hơn 10 ngàn người bị thương. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 30 người chết do tai nạn giao thông, cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông, hàng trăm người đau xé lòng vì mất đi người thân yêu.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, thực hiện Nghị quyết A/64/L.44 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hàng năm Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.”
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại”, Đại lễ cầu siêu là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời do tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.
Ông Lê Kim Thành nhấn mạnh, Đại lễ cầu siêu cũng là lời kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông.
Theo Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ cầu siêu không chỉ với mục đích cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân không may bị tử vong do tai nạn giao thông được siêu thoát mà còn nhắc nhở các phật tử và mọi người dân tự quý lấy bản thân mình và cùng chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu an toàn giao thông.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong tháng Vu Lan, sự kiện Đại lễ cầu siêu cũng muốn lan tỏa thông điệp "Ý thức với sinh mạng của chính mình là báo hiếu với tổ tiên".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google