“Đại hội” khoe thành tích của con trên mạng xã hội nói lên điều gì?

Phạm Thuý Hằng
18:21 - 28/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Mỗi mùa tổng kết năm học, lại nổ ra tranh luận không hồi kết giữa các bậc phụ huynh lại về việc có nên khoe giấy khen của con trên mạng xã hội?

“Đại hội” khoe thành tích của con trên mạng xã hội nói lên điều gì?- Ảnh 1.
“Đại hội” khoe thành tích của con trên mạng xã hội nói lên điều gì?- Ảnh 2.

Câu hỏi “Có nên khoe điểm và giấy khen của con lên mạng xã hội?” nhận về nhiều ý kiến. Việc bắt con chụp ảnh cùng với giấy khen để khoe mạng xã hội chính thức được cộng đồng mạng coi là hành vi bất nhẫn. 

Nhà nhà khoe giấy khen, người người khoe thành tích

Một số phụ huynh coi việc chia sẻ giấy khen của con trên mạng xã hội như một cách lưu giữ kỷ niệm và ghi nhận những nỗ lực, thành tích của con. Các bậc cha mẹ cho rằng, đây là cách để bày tỏ niềm tự hào về con mình và cũng là cách để khích lệ, động viên con tiếp tục cố gắng trong học tập. 

Bên cạnh đó, việc này còn giúp các bậc phụ huynh có thể chia sẻ niềm vui với bạn bè, người thân.

Phụ huynh Đỗ Thu Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) quan niệm: “Một năm chỉ được khoe một lần. Đăng để lưu lại thành tích cho con, sau này nhìn lại con sẽ biết được con đã cố gắng cả một năm học như thế nào”.

Đồng ý kiến với chị Thủy, anh Lê Quang Đạt, phụ huynh học sinh quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng: “Ngày hôm nay, mình lướt Facebook, đọc được không ít bài đăng chia sẻ giấy khen của các con. Mình cũng không có ý định khoe mà nghĩ đây là thành quả của cả năm học của con, có gì đâu mà không dám khoe”.

“Nhiều quan điểm nói không nên khoe thành tích, phụ huynh mắc bệnh thành tích, nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận sự cố gắng của các con. Với mình, được năm nào hay năm đó. 

Hồi bé, mình được giấy khen về phấn khởi khoe cả nhà, vui vẻ mấy ngày luôn, giờ các con cũng sẽ như vậy, và bố mẹ chỉ lan tỏa niềm vui đó với mọi người mà thôi.”, chị Nguyễn Kim Thoa, phụ huynh quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ.

Trên mạng xã hội, một tài khoản có phân tích: “Người ta nuôi gà, trồng lúa. Tới mùa bội thu còn muốn chụp ảnh khoe làng khoe xóm. Phấn khởi, vui mừng. Nói gì là nuôi con, lo cho con ăn học mà cuối năm con đạt kết quả cao thì đáng tự hào là đúng rồi”.

“Đại hội” khoe thành tích của con trên mạng xã hội nói lên điều gì?- Ảnh 3.

Tràn lan bài đăng khoe thành tích của con trên mạng xã hội, phụ huynh coi đó là niềm vui của người lớn với nhau để lại không ít hệ luỵ cho trẻ nhỏ.

Khi khoe thành tích của con - lợi ít hại nhiều

Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại lo ngại rằng việc này có thể gây áp lực và ảnh hưởng tâm lý đến trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc khoe giấy khen có thể tạo ra sự so sánh không cần thiết giữa các trẻ em, khiến những em không nhận được giấy khen cảm thấy tự ti, buồn bã.

Chị Nguyễn Quỳnh Anh, phụ huynh học sinh huyện Thanh Trì (Hà Nội) nêu ý kiến: “Nếu đạt được giấy khen thì con vẫn phải cố gắng hơn; còn không được thì con còn phải cố gắng hơn nữa. Vì kiến thức học được là của con, tư duy của con, năng lực cũng của con nó sẽ theo con suốt cuộc đời. Còn giấy khen chỉ là thứ tạm thời, là công cụ đánh dấu những thành quả của con. Những năm qua con mình đã từng có giấy khen nhưng thay vì đóng khung treo đầy tường hay đăng lên mạng xã hội, mình lại chọn cách cho vào tủ giữ gìn cho mới”.

Hơn nữa, việc này cũng có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các trẻ em, tạo ra sự ganh đua, đố kỵ không lành mạnh. “Nhà trường đăng trên trang thông tin nhằm biểu dương thành tích, còn cha mẹ đăng giống như mình đang khoe khoang thành tích của con. Nhiều bậc phụ huynh còn cho con em mình xem và so sánh với con của các bậc phụ huynh khác. Như vậy, việc đăng giấy khen có thể tạo áp lực cho con ở năm học sau và rất dễ xảy ra chuyện so sánh với ‘con nhà người ta’”, anh Lê Việt Hoàng, phụ huynh học sinh quận Hoàng Mai nêu quan điểm.

“Đại hội” khoe thành tích của con trên mạng xã hội nói lên điều gì?- Ảnh 4.

Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà lưu ý các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi đưa giấy khen, bảng điểm của con lên mạng xã hội.

Cha mẹ có quyền tự hào về con nhưng không thiếu cách để khen thưởng, khích lệ các con

Đó là quan điểm của Thạc , Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà về việc chia sẻ giấy khen của con lên mạng xã hội. Điều quan trọng là cha mẹ giúp con nhận ra được năng lực thực sự của bản thân.

“Đăng bài của con lên mạng không có gì là sai nhưng nếu dễ dẫn đến việc con của chúng ta chủ quan, lơ là hoặc bố mẹ cũng có thể đã thỏa mãn với điều đó, chuyện gì sẽ xảy ra? Khi bố mẹ thỏa mãn rồi chỉ cần quan tâm đến việc bản thân hạnh phúc với điểm số nhưng lại quên đi việc giúp con phát triển con người, cố gắng phấn đấu hơn nữa. Đó cũng là điều mà các bậc phụ huynh phải ngẫm lại”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ.

Các chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo rằng, việc khoe giấy khen quá nhiều có thể làm cho trẻ em cảm thấy áp lực phải luôn đạt thành tích cao để làm hài lòng cha mẹ và được khen ngợi.

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ quan điểm, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ một cách vô tư, không kiểm soát lên mạng xã hội, các diễn đàn... Điều này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em.

Trên góc độ an toàn thông tin, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, cho rằng, việc cha mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội là một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.

Việc đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi của học sinh, địa chỉ trường học… của trẻ lên các trang mạng xã hội sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm mạng. Kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền hoặc xâm hại trẻ em.

Đến thời điểm hiện tại, việc có nên khoe giấy khen của con trên mạng xã hội hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều phía. Các bậc phụ huynh cần suy nghĩ thấu đáo và đặt lợi ích, tâm lý của con mình lên hàng đầu trước khi quyết định chia sẻ những thành tích học tập của con trên mạng xã hội.

Từ 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/7/2017. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em…

Bình luận của bạn

Bình luận