Giữ lịch sự bằng việc không khoe con trên mạng xã hội
Cảm xúc của các bậc phụ huynh thường vui mừng tột độ khi con mình đỗ tuyển sinh vào lớp 10 theo đúng nguyện vọng. Niềm vui thường khó giấu trở thành sự khoe khoang quá đà trên mạng xã hội, kém lịch sự, kém duyên khi mà chính con mình không thích việc đó, bao gia đình có con em trượt trúng tuyển như xát muối vào nỗi buồn.
Khoe con trên mạng, hợm hĩnh cho ai?
Cảm xúc của những bậc phụ huynh khi có con trúng tuyển vào lớp 10, nhất là những trường chuyên, trường năng khiếu, những trường trọng điểm thường dễ dàng bộc lộ với mọi người xung quanh vì vui mừng quá. Vì thế, những ngày này, trên zalo, facebook tràn ngập những dòng trạng thái đầy kiêu hãnh của một số phụ huynh thông tin con mình vừa có con trúng tuyển sinh 10.
Việc khoe khoang không những khiến cộng đồng mạng xã hội khó chịu vì sự hợm hĩnh quá đà, thiếu tiết chế cảm xúc, còn khiến chính những học sinh đỗ rồi cảm thấy ngượng ngịu. Chúng ái ngại cho bạn bè mình - có những bạn đã trượt, rơi vào phiền muộn, tuyệt vọng.
Bên cạnh niềm vui của mình thì các em sẽ có rất nhiều bạn bè, cha mẹ của bạn mình đang gặm nhấm nỗi buồn khi không có niềm vui trọn vẹn khi biết điểm thi tuyển sinh 10.
10 gia đình vui, ít nhất cũng có 2 gia đình đang âm thầm sầu muộn
Theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10 vừa diễn ra ở các địa phương cũng như những năm vừa qua, chúng ta dễ dàng nhìn thấy đây là kỳ thi áp lực và căng thẳng nhất của học sinh phổ thông vì bất kể trường nào tổ chức thi cũng đều có những thí sinh sẽ rớt. Thậm chí, thí sinh rớt rất nhiều.
Theo chủ trương phân luồng hiện nay, đa phần các địa phương chỉ tuyển 70-80% vào các trường trung học phổ thông công lập. Cá biệt như Hà Nội năm nay chỉ tuyển được 55,7% trong tổng số 129.210 học sinh hoàn thành chương trình lớp 9. Vì thế, Không chỉ Hà Nội có mấy chục nghìn thí sinh không thể trúng tuyển mà nhiều địa phương khác cũng có hàng nghìn thí sinh không có cơ hội vào lớp 10 công lập.
Việc không đậu vào lớp 10 công lập có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do các em bị điểm liệt; có thể do sử dụng điện thoại trong phòng thi, có thể do không tham dự đủ các môn thi; có thể do điểm thấp vì học lực không tốt…
Thậm chí, có những em điểm cao vẫn rớt như thường nếu các em thi vào các trường chuyên bởi năm nay ở Hà Nội có những lớp chuyên thí sinh phải "chọi" đến 31 bạn thì mới có cơ hội trúng tuyển. Các trường chuyên ở các tỉnh khác cũng có nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1 cho dù điểm thi mỗi môn lên đến hơn 8,0 điểm (tính hệ số 1).
Vì thế, học dở nên rớt đã đành nhưng nhiều em học giỏi cũng chưa chắc đã đậu nếu không lượng kĩ sức mình. Nhưng, một khi đã rớt thì dù là lý do gì cũng là rớt mà đã đậu thì dù trường nào cũng là đậu và tất nhiên trạng thái vui buồn sẽ hoàn toàn khác nhau. Thí sinh, phụ huynh có con đậu sẽ có được niềm vui trọn vẹn; thí sinh, phụ huynh có con thi rớt bao giờ cũng có những nỗi buồn riêng.
Nỗi buồn ấy thường giấu kín, ít giãi bày nhưng niềm vui thì nhiều khi khó giữ kín được, một số phụ huynh tung cả bảng điểm phòng thi rồi đánh dấu điểm con mình, hoặc chụp điểm số con mình rồi sử dụng vào lời có cánh dành cho con em mình vừa đỗ. Có những phụ huynh tung ảnh điểm số lên trang cá nhân rồi: "để đây không nói gì"… để thiên hạ bình phẩm, suýt xoa, tấm tắc khen con mình hay, con mình giỏi rồi bình thản "thả tim" tận hưởng niềm hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc đưa bảng điểm, danh sách trúng tuyển của con lên trang mạng xã hội không phải bao giờ cũng khiến cho con mình vui cùng cha mẹ, thậm chí của những em cảm thấy khó chịu vì hành động của phụ huynh và người thân của mình.
Bởi vì, tuổi 15 của các em rất nhạy cảm và không muốn khoe khoang trước mọi người. Hơn nữa, trong số nhiều bạn bè thân thiết của các em, nhiều bạn không có được niềm vui trọn vẹn mà mạng xã hội thì kết nối và nhiều khi liên kết với rất nhiều người khác nhau.
Hãy giữ cho con một khoảng bình yên nhất có thể
Chị Vũ Thùy Linh, hiện đang sinh sống tại thành phố Long Xuyên (An Giang)- người vừa có con trúng tuyển vào trường trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu chia sẻ rằng chị cũng thấy ái ngại trước tình trạng khoe con trên mạng xã hội hiện nay của một số phụ huynh.
Nhiều người không chỉ khoe con về điểm số, thành tích qua mỗi năm học mà con đậu tuyển sinh 10 cũng đưa lên mạng xã hội kèm những lời hợm hĩnh. Gia đình chị có nhưng quy tắc ngầm trong việc đồng hành cùng con trong học tập. Từ khi con lên lớp 6 vợ chồng chị không tạo áp lực học tập cho con mà chủ yếu là tạo cho con niềm vui và ý thức tự lập trong học hành. Chị coi việc con đỗ trúng tuyển vào lớp 10 là dấu mốc rất bình thường trong con đường học tập. Rồi đây, sẽ còn rất nhiều đỉnh cao học vấn cần chinh phục, con có thể tự hào về thành tích của riêng mình, không cần các bậc phụ huynh phải hơn thua với nhau.
Chị cũng chưa bao giờ khoe điểm, khoe thành tích học tập của con mình lên trang cá nhân và con chị cũng bày tỏ thẳng thắn về việc không hề muốn điều này. Ngày biết con đủ điểm vào trường chuyên, gia đình chỉ báo tin cho ông bà nội ngoại ở quê để chia vui. Tuyệt nhiên, không biểu lộ niềm vui trước mọi người về chuyện gia đình.
Chị chia sẻ thêm, con mình đã lớn rồi, hãy để cho con một khoảng không gian riêng, để con tự quyết định về hình ảnh riêng tư cá nhân của mình. Khoe con - dù chẳng ai ngăn cấm nhưng không phải lời khoe khoang nào cũng làm cho bạn bè, đồng nghiệp mình muốn nghe. Hơn nữa, phụ huynh của bạn con mình có con không may bị rớt nguyện vọng 1, thậm chí không đậu nguyện vọng nào sẽ cảm thấy chạnh lòng.
Thực tế cho thấy, kỳ thì tuyển sinh 10 năm nay cũng như những năm vừa qua khá áp lực. Tất nhiên, áp lực chính được đặt lên các em học sinh lớp 9. Cha mẹ nào chẳng muốn con mình thi đậu, cha mẹ nào lại không muốn con mình học giỏi, bằng bạn bè trang lứa.
Nhưng, thi cử còn có rất nhiều rủi ro khác nhau bởi mỗi thí sinh có những lựa chọn cho riêng mình. Có những em học rất giỏi nhưng thi vào các lớp chuyên Anh, chuyên Toán thì tỉ lệ chọi cao chót vót mà mỗi lớp chỉ lấy 35 thí sinh thì chuyện thí sinh dự thi rớt cũng là điều rất bình thường.
Vì thế, sự khiêm nhường, thái độ đúng mực của cha mẹ trước việc học tập sẽ lan tỏa sang con em mình, phụ huynh sẽ giáo dục cho con được đức tính tốt cho tương lai sau này. Hơn nữa, khiêm tốn trong ứng xử càng khiến cho mỗi con người giữ trọn được sự bình an trong tâm hồn và tránh được những lời thị phi từ xung quanh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google