Cần nguồn tư liệu lịch sử chính xác phục vụ giảng dạy

Nguyễn Năng Lực
11:19 - 01/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sự kiện lịch sử trưa ngày 30/4/1975 - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từng được đưa vào hàng triệu bản ghi lịch sử 48 năm qua. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong ngày tháng lịch sử đó cần được thống nhất để phục vụ giáo dục truyền thống.

Về những sự kiện tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn buổi trưa ngày 30/4/1975, có 5 sự kiện được xác nhận từ đầu: 

1/ Xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

2/ Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 cắm cờ. 

3/ Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 chỉ huy dẫn giải ông Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh.

4/ Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 thảo lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc.

5/ Chính uỷ Bùi Văn Tùng thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn. 

Những việc này từng ghi vào các cuốn sách lịch sử và liệt kê trong các sự kiện lịch sử khi nhắc đến sự kiện ngày 30/4/1975 - ghi dấu thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Hai ông Bùi Quang Thận và Phạm Xuân Thệ sau đó đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Cần các ngữ liệu lịch sử chính xác phục vụ giảng dạy  - Ảnh 1.

Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính Dinh Độc Lập - đánh dấu giờ phút sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Francoise Demulder

Cho đến năm 1995, từ bức ảnh của Nhà báo Pháp Francoise Demulder, lịch sử ghi nhận lại rằng, xe tăng 390 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, không phải xe tăng 843 như đã ghi trước đó. 

Từ năm 1985, các cơ quan truyền thông trong nước bắt đầu đưa thông tin theo lời kể của nguyên Đại úy Phạm Xuân Thệ, có nhiều chi tiết lịch sử khác với thông tin ban đầu.

30 năm sau, ngày 19/10/2005, Viện Lịch sử quân sự tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học trao đổi thông tin "Một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975". 

Có 3 nội dung chính trong kết luận của cuộc tọa đàm: 

1/ Đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy bắt Dương Văn Minh và Nội các Chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, áp giải đến Đài Phát thanh. Trung tá Bùi Văn Tùng không có mặt tại sự kiện này.

2/ Đại uý Phạm Xuân Thệ cùng một số bộ đội Trung đoàn 66 soạn văn bản đầu hàng, sau đó Trung tá Chính uỷ Bùi Văn Tùng đến cùng soạn tiếp cho Dương Văn Minh đọc. 

3/ Chính uỷ Bùi Văn Tùng tuyên bố tiếp nhận đầu hàng.

Kết luận của Tọa đàm được đưa vào Thông báo cuộc Giao ban báo chí toàn quốc ngày 17/01/2006 do lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, từ đó được coi là thông tin chính thống.

Bức ảnh quý chụp Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 và nhà báo Borries Gallasch tại sân Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Tháng 4/2010, cuốn sách "Thành phố Hồ Chí Minh - giờ khắc số 0 - những phóng sự kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" (Ho-Tschi-Minh-Stadt, NXB Rowohlt Rororo Reinbeck xuất bản ở Hamburg tháng 9/1975, chỉ sau sự kiện ngày 30/4 hơn 4 tháng), tác giả là nhà báo Borries Gallasch - phóng viên tờ Der Spiegel (Tấm gương - Cộng hòa Liên bang Đức) đến được với công chúng Việt Nam. 

Tác giả là một trong hai nhà báo nước ngoài có mặt trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và là nhà báo phương Tây duy nhất có mặt tại Đài Phát thanh. 

Cần các ngữ liệu lịch sử chính xác phục vụ giảng dạy  - Ảnh 2.

Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 và tác giả cuốn sách - nhà báo Borries Gallasch tại sân Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Borries Gallasch viết trong cuốn sách này: "Sự hoang mang (tại Dinh Độc Lập) chỉ chấm dứt khi người chỉ huy của Quân giải phóng, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện... 

Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một (Đài Phát thanh Sài Gòn). Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu (Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn) quạt mặt mình bằng một quyển sách. 

Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh... Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào. 

Trong lúc đấy, mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài. Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò... 

Mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng... Nga... Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: Ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. 

Lần đầu tiên, ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh...". Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: Không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn". 

Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của Chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong... ".

"Mảnh giấy màu xanh" được nhắc tới trong cuốn sách này đã được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2. Sau đó, mảnh giấy màu xanh có những dòng chữ ông Bùi Văn Tùng viết được công bố với truyền thông. Sự kiện được bạch hoá rõ ràng về người đã thảo lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh thời khắc đó. 

Cần các ngữ liệu lịch sử chính xác phục vụ giảng dạy  - Ảnh 3.

Cuốn sách "Lịch sử Nam bộ kháng chiến".

"Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" xuất bản năm 2011 là bộ chính sử, một công trình khoa học cấp Nhà nước, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trương. Bộ sách do Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, nhà báo, nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng làm Chủ biên. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết Lời giới thiệu. Tham gia soạn bộ chính sử đồ sộ này có rất nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều chính khách danh tiếng.

Trang 970 bộ chính sử này đã ghi: "Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đã phát trên Đài Phát thanh là bản viết tay của Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, được chỉnh sửa vài lần và đã được Dương Văn Minh đọc để ghi vào băng".

Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định: "Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh". 

Kết luận này trùng khớp với Kết luận của cuộc Tọa đàm ngày 19/10/2005 do Viện Lịch sử quân sự tổ chức. 

Như vậy, cho đến nay, việc ai là người soạn thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn chưa thống nhất trong các tài liệu lịch sử vẫn lưu hành. Nhiều tài liệu giảng dạy, sách lịch sử vẫn còn dẫn chứng khác nhau dẫn tới việc khi cần nguồn tư liệu chính xác thì người nghiên cứu, người học không biết phải theo nguồn nào. 

Điều này cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ nhân dân và học sinh các cấp trong nhà trường. Khi tái bản, biên soạn lại các bộ sử sách, tổ chức toạ đàm về sự kiện lịch sử, ôn lại truyền thống cũng cần thống nhất thông tin chính xác phục vụ người học.