Công ty VETC - “Ông trời con” trong thu phí tự động-Bài 2: Với VETC, dối trá và trịch thượng là chuyện nhỏ?

Tuệ My
18:33 - 19/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dám "ép" Nhà nước thì việc chiếm đoạt tiền của người dân, coi thường báo chí đối với Công ty VETC chỉ là chuyện nhỏ!

Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC (có trụ sở tại tòa nhà TASCO BUILDING HH2, 2 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam. Trên trang web của VETC cho thấy lãnh đạo công ty này gồm: Chủ tịch là ông Nguyễn Danh Hiếu, Phó Chủ tịch là bà Trần Hải Yến, Phó Tổng giám đốc  là các ông Hồ Trọng Vinh, Trần Ngọc Kiên… Cũng tại trang web của mình, VETC tuyên bố rất mĩ miều  cứ như VETC là người gánh trên vai sứ mệnh cứu ngành giao thông Việt Nam: Tiếp thu ý kiến góp ý, minh bạch, hướng đến mục tiêu thu phí ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần tăng tốc cho sự phát triển chung của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung; VETC sẽ góp sức tiết kiệm chi phí, thời gian cho chủ phương tiện, tăng tuổi thọ xe, giảm ùn tắc  giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông… Và, VETC luôn hợp tác, tôn trọng đạo đức…vv và vv.

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có vốn góp không nhỏ của Công ty Cổ phần Tasco. Trên trang web của Tasco dù giới thiệu Công ty VETC là …"đối tác", nhưng  mọi người đều hiểu VETC cũng là một công ty con của Tasco. Tasco có nguồn gốc là Công ty Cầu Hà Nam Ninh (doanh nghiệp nhà nước), qua nhiều lần đổi tên, cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ chóng mặt, hiện nay kinh doanh trên 4 lĩnh vực gồm hạ tầng giao thông (BOT,BT…), bất động sản, đầu tư y tế, đầu tư năng lượng tái tạo. Cũng trên trang web của Tasco cho biết Chủ tịch Tasco là ông Vũ Đình Độ, từng là Chủ tịch Công ty Nhựa Đồng Nai và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Triết lý kinh doanh của Tasco cũng được tuyên bố rất mĩ miều: "Sự thỏa mãn của khách hàng và cổ đông là sự thành công của chúng ta"!

Tasco là một doanh nghiệp nổi danh qua hoạt động đầu tư kinh doanh BOT tại Việt Nam. Cổ phiếu của Tasco từ chỗ tụt dốc chạm đáy (báo cáo lỗ sau thời gian dài giãn cách vì COVID-19) đột nhiên vọt lên với giá cao gấp nhiều lần (đây là sự việc mà các cơ quan chức năng sẽ phải phân tích, đánh giá, giám sát một cách minh mạch) đủ thấy bài toán lợi nhuận khôn ngoan của nhà đầu tư này. Nên hiểu rằng xây dựng BOT, BT rồi thành lập, góp cổ phần lớn vào Công ty VETC đón chính sách của Nhà nước để kiếm lợi nhuận, là chiến lược kinh doanh rất "thông minh" của Tasco. Có thể hiểu là  đây là thủ thuật dàn quân kiếm lợi nhuận từ khâu đầy đến khâu cuối. Tất nhiên, pháp luật không cấm cái sự thông minh – khôn  ngoan đó. Vấn đề là VETC (nơi  mà Tasco có số vốn lớn - có thể hiểu là sân sau của Tasco) phải làm ăn tử tế, phải đúng như cam kết là kinh doanh có… đạo đức!

So sánh với thái độ trịch thượng, coi thường người dân và báo chí của Công ty VETC (chúng tôi đã nêu rõ ở bài 1), có thể khẳng định rằng những câu từ mĩ miều, những cái gọi là triết lý kinh doanh, những lời hứa hẹn với khách hàng của Công ty VETC chỉ là dối trá! Sự dối trá và trịch thượng đó càng nguy hiểm hơn khi mà VETC lợi dụng chủ trương của Nhà nước về thu phí không dừng để kiếm lợi.

Công ty VETC - “Ông trời con” trong thu phí tự động-Bài 2: Với VETC, dối trá và trịch thượng là chuyện nhỏ? - Ảnh 1.

Bài toán lợi ích của nhà đầu tư là theo đuổi và lựa chọn trúng các lĩnh vực đầu tư siêu lợi nhuận. Khi Nhà nước chủ trương  phải áp dụng phương thức thu phí không dừng thì dường như đây cũng là những lĩnh vực mà họ dễ dàng tạo sức ép lên các cơ quan quản lý nhà nước dựa trên chủ trương phát triển kinh tế số  của Chính phủ.

Xuất hiện trên kênh truyền thông của Chính phủ, đại diện  Công ty VETC từng tiết lộ họ sẽ phát triển kênh thanh toán điện tử kết nối với tài khoản giao thông thay vì tiền của khách hàng sẽ phải chuyển từ các ngân hàng sang khâu trung gian rồi mới vào thẻ ETC như hiện nay. Như vậy, cùng với phát triển dịch vụ ETC, Công ty VETC đã có chiến lược cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mang lại lợi nhuận, còn thực chất là họ không hề tính đến quyền lợi của khách hàng khi mà việc vận hành ETC lỗi chồng lỗi không được giải quyết.

Đầu năm 2022, Tasco tập trung cho việc đầu tư giao thông và thu phí không dừng. Ở lĩnh vực này, Tasco và các công ty  đầu tư BOT, thu phí không dừng dễ dàng tạo ra sức ép với chủ trương của Chính phủ. Chẳng hạn Công ty con  của Tasco là VETC liên tục đổ lỗi cho hệ thống, việc chậm trễ đầu tư hạ tầng do COVID-19, lỗi kỹ thuật do khách hàng không chịu dán thẻ, do hệ thống quá tải vì khách hàng đăng ký quá đông… vv và vv.

"Ép" được Nhà nước thì việc chiếm đoạt tiền của dân khi nạp vào tài khoản ETC mà xe của dân không thể đi qua trạm thu phí không dừng, ép dân phải nạp tiền thêm vào tài khoản khác, và tỏ thái độ trịch thượng, coi thường người dân, coi thường cả cơ quan báo chí - đối với VETC chỉ là chuyện nhỏ!  

Và vì thế, cũng không ngạc nhiên khi họ tận thu phí qua việc dán thẻ, chiếm đoạt tiền của người dân, và  rồi ép khách hàng khi đi đăng kiểm ô tô thì buộc phải dán thẻ ETC. Họ  dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm thừa nhận, hiện nay chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đi đăng kiểm. Để thực hiện được việc này, cần xem xét nghiên cứu đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến của các đơn vị sau đó, Cục Đăng kiểm mới tổng hợp và đánh giá mới có thể trình Bộ Giao thông Vận tải.

Đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện. Trong khi đó, việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều tài xế không có nhu cầu đi cao tốc hay các công trình BOT giao thông thì không thể buộc họ phải dán thẻ ETC.

Công ty VETC - “Ông trời con” trong thu phí tự động-Bài 2: Với VETC, dối trá và trịch thượng là chuyện nhỏ? - Ảnh 2.

Hiện hệ thống đường bộ mới có 10 tuyến cao tốc thu phí tự động không dừng. Chưa kể, hệ thống thu phí tại các trạm thu phí ETC mới đưa vào hoạt động, chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thu phí điện tử không dừng. Các lái xe nếu chưa dán thẻ ETC đi vào làn thu phí không dừng sẽ đối mặt với mức phạt từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, nhân viên công ty thì chộp giật, dán thẻ bất chấp xe đã dán thẻ của đơn vị khác, bỏ  mặc khách hàng loay hoay với lỗi tài khoản giao thông, lùi xe, barie phang vào kính lái… Đến đây, việc cam kết hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà quản lý không được bảo đảm như VETC đã hứa, là hoàn toàn không có thật; và đương nhiên lợi ích nghiêng về ai thì đã rõ.

Vì sao đơn vị kinh doanh dịch vụ lại có thể dựa hơi cơ quan quản lý để đề ra các quy định chưa được thẩm định tính pháp lý? Hơn thế nữa, việc này đã diễn ra lâu nay trong hoạt động đăng kiểm xe. Chính VETC thừa nhận lỗi kỹ thuật hệ thống một phần do các thẻ E-tag đã dán trên phương tiện nhưng hệ thống không nhận diện. Những thẻ này dán khi chủ xe đi đăng kiểm xe mà họ không hề hay biết. Đến khi chủ động dán thẻ ETC theo lựa chọn của mình thì chủ xe mới vỡ lẽ thông tin xe của mình đã được số điện thoại nào đó đăng ký ETC. Họ muốn hủy đăng ký lại phải ra trạm. Nhiều người tiếp tục sử dụng tài khoản giao thông do bên dịch vụ tự đăng ký một cách mù mờ, không có tư vấn, giải thích.

Hưởng lợi từ chính sách là cách làm khôn ngoan của nhà đầu tư. Thế nhưng, chiếm thế độc quyền đầu tư công nghệ, chiến lược ép khách hàng, thậm chí  ngang nhiên chiếm đoạt tiền của người dân, cạnh tranh không lành mạnh  như bóc thẻ ePass, dán thẻ E-tag, thu tiền trước với dịch vụ yếu kém, Công ty VETC đã thực thi một phương thức kinh doanh bất chấp, coi thường người dân, ngược lại với những tuyên bố  mỹ miều về đạo đức và giá trị cốt lõi của họ./

https://www.baogiaothong.vn/vetc-tiep-tuc-bi-khach-hang-to-chiem-doat-tien-d563231.html

https://laodong.vn/xa-hoi/vetc-phot-lo-phan-anh-nap-tien-roi-van-khong-qua-duoc-lan-etc-1082496.ldo