Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn - nhà Toán học "tự học thành tài"
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn được biết đến là một nhà giáo dục mẫu mực, một nhà Toán học tài năng. Ông để lại nhiều thành quả khoa học và là một tấm gương sáng "tự học thành tài".
Tài năng của một người giàu nghị lực Nguyễn Cảnh Toàn
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là người có nghị lực, với trí thông minh thiên bẩm. Ông trở thành một gương mặt khoa học nổi bật trong ngành Toán học nói riêng và giới khoa học Việt Nam nói chung khi tuổi đời còn rất trẻ.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926, ở huyện Đô Lương, Nghệ An. Cha là một nhà nho, dù lận đận trên con đường khoa cử nhưng vẫn dồn tâm sức chăm lo việc học của các con.
Cha của Nguyễn Cảnh Toàn đã quyết đưa con trai ra ngoài thị trấn Đô Lương để học. Cả huyện Đô Lương lúc ấy chỉ có một trường tiểu học Pháp - Việt với 6 lớp học, không đầy 200 học sinh.
Vào năm 1935, Nguyễn Cảnh Toàn 9 tuổi được cha đưa tới thi xếp lớp ở đây. Tư chất thông minh nên ông thi được kết quả xuất sắc, không phải học lớp 1, lớp 2, mà được vào học thẳng lớp 3 của trường.
3 năm sau đó, Nguyễn Cảnh Toàn tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Năm 1942, ông thi đậu vào trường Quốc học Huế. Chỉ 2 năm sau đó, Nguyễn Cảnh Toàn tốt nghiệp Tú tài Toán học tại đây. Sau 1 năm học Toán học đại cương, năm 1947, ông về Khu 4 và giảng dạy ở trường Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, ông đã soạn sách giáo khoa Toán học dành cho lớp 5 và lớp 9. Mặc dù còn thô sơ nhưng đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về tài liệu giảng dạy lúc đó.
Năm 1951, ông được cử sang Khu học xá ở Nam Ninh, Trung Quốc và tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo ở đó. Ông đã ghi tên mình vào lịch sử giáo dục Việt Nam từ sau năm 1945.
Lần lượt năm 1958 và năm 1963, Nguyễn Cảnh Toàn bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, rồi Tiến sĩ toán học ở Liên Xô – học vị cao nhất đối với những người làm khoa học. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ những công trình ấy không có người hướng dẫn mà hoàn toàn do tác giả tự nghiên cứu, mầy mò mà ra.
Nói về điều này, Giáo sư Lê Quang Long, một người đồng nghiệp thân thiết của Nguyễn Cảnh Toàn chia sẻ: "Nguyễn Cảnh Toàn là Tú tài Pháp thuộc, rồi vươn lên dần, tự làm, không ai hướng dẫn cả, rồi sang làm phó tiến sĩ, tiến sĩ ở Nga, sau trở thành nhà bác học lỗi lạc về giáo dục, giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Viện sĩ Viện Hàn lâm Toán học nước ngoài. Chính tấm gương của anh Toàn và sự động viên của anh Toàn đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi theo con đường mà anh đã đi: tự học, tự làm".
Về sau này, quan điểm giáo dục tự học của Nguyễn Cảnh Toàn được đề cập với mật độ dày đặc trên các bài báo, bài viết, bài nghiên cứu, được nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên noi theo. Ông luôn "tự học, tự nghiên cứu", "tự học suốt đời", "phải học mọi người, học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi nội dung và học mọi cách".
Nguyễn Cảnh Toàn - người tiên phong cho việc đào tạo Phó tiến sĩ ở Việt Nam
Không chỉ như vậy, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là người tiên phong, mở đường cho việc đào tạo Phó tiến sĩ ở Việt Nam từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Tháng 4/1970, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn khi đó là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội xin phép các Bộ liên quan cho phép tổ chức bảo vệ Phó tiến sĩ trong nước. Những nghiên cứu sinh đầu tiên là Phan Cự Nhân, Phan Nguyên Hồng và Lê Quang Long.
Sau này, Giáo sư Lê Quang Long chia sẻ: "Lúc bảo vệ luận án Phó tiến sĩ trong nước thì anh Toàn là người động viên tôi làm, trong lúc đó những người bảo vệ trong nước đầu tiên đều không có người hướng dẫn, không có trang bị, không có sách vở, hoàn toàn do anh Toàn chủ trương và khuyến khích. Chúng tôi khi nghĩ đến anh Toàn là nghĩ tới người đã tạo điều kiện cho mình vươn lên".
Nguyễn Cảnh Toàn - nhà sư phạm mẫu mực
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn còn là sư phạm mẫu mực, dùng "phương pháp sư phạm" và "khoa học sư phạm" để khơi gợi cho học sinh tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học, qua đó mà rèn luyện tư duy ngày càng thêm sắc sảo.
Theo ông, một đứa trẻ học tiếng Anh, gặp một từ nó không hiểu, nó hỏi bố từ đó nghĩa là gì, bố trả lời ngay. Như thế là không nên, là làm hộ đứa trẻ, mà người bố nên đưa cho con cuốn từ điển để con tự tra cứu nghĩa và tìm hiểu.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã từng kể câu chuyện "cột mốc và những con số" của ông khi còn nhỏ mà tới bây giờ bạn bè ông vẫn nhớ. Hằng ngày, ông đi học đến trường thì một cột cây số lại đập vào mắt. Trên cột ghi "Phủ Diễn" và dưới hai chữ này là số 38. Ông hiểu ngay, từ đây đến Phủ Diễn là 38 cây số. Nhưng trên hai chữ đó còn một số khác, ông không biết số đó chỉ cái gì. Nó như thách thức ông hằng ngày. Khi ông hỏi các bạn, chẳng ai quan tâm. Ông chợt nảy ra một ý nghĩ ta đi xa thêm một chút đến cột sau, xem số đó thay đổi ra sao. Ở đó ghi Phủ Diễn 37 và số kia cũng bớt đi 1. Ông lục vốn hiểu biết địa lí, cuối cùng tự biết được đó là khoảng cách đến biên giới Việt - Trung theo quốc lộ 1.
Sau này, đi dạy học, ông cũng thấy ra rằng dạy cho học sinh được một kiến thức cũng quý và đôi khi cũng khó, nhưng dạy làm sao cho họ có tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học thì quý hơn nhiều và khó hơn nhiều, nhưng người thầy cứ cố gắng nhẫn nại thế nào cũng thành công".
Chính cuộc đời miệt mài tự hỏi, tự học của mình, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn vượt qua được thách thức trong lịch sử toán học khi đưa ra kết luận khác hẳn với quan niệm truyền thống "Xa vô tận là tuyệt đối" trong không gian Ơclit hay phi Ơclit. Ông cho rằng "Xa vô tận chỉ là tương đối".
Sau này, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn viết hàng chục bài báo khoa học, sách về vấn đề: hình học xạ ảnh và hình học siêu phi Ơclit. Tiêu biểu như Hình học cao cấp, Nhà xuất bản Giáo dục, 1979; Không gian Véctơ" Nhà xuất bản Giáo dục, 1976; Ultra non euclidean geometry (Hình học siêu phi Ơclit), Nhà xuất bản Giáo dục, 1999…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google