Sự tích Lễ hội Hoa đăng linh thiêng trên sông Thạch Hãn

Nguyễn Năng Lực
15:59 - 20/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tập quán thả hoa trên sông Thạch Hãn đã trở thành Lễ hội có tính tâm linh, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh trong trận chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đã gần 40 năm nay, cứ đến dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, nhân dân tỉnh Quảng Trị và nhiều cựu chiến binh cả nước lại về bên bờ sông Thạch Hãn. Họ thành kính thả những vòng hoa thơm tinh khiết xuống sông, con sông mang cái tên đầy ý nghĩa: "Nước mắt của đá". Tập quán thả hoa trên sông Thạch Hãn đã trở thành Lễ hội có tính tâm linh, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh trong trận chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Sự tích Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn - Ảnh 1.

Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Báo Nhân Dân

Thành cổ - Khúc tráng ca bất tử

Mặt trận Quảng Trị nói chung và trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ nói riêng đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một khúc tráng ca bất tử.

Do ý nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ đối với cục diện chiến trường miền Nam, với quyết tâm chiến lược giữ bằng được Thành cổ, bộ đội ta đã hết lớp này đến lớp khác, thay nhau chiến đấu, đánh bật nhiều cuộc tấn công tái chiếm của địch.

Chính quyền Mỹ-ngụy coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là "con đê ngăn chặn" cộng sản vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Ngày 1/5/1972, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Để tái chiếm Thành cổ, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã huy động 4 sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ Sư đoàn Dù và Sư đoàn Lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược của địch.

Lực lượng địch tham gia chiến dịch tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ, đánh vào Thành cổ chỉ có diện tích chưa đầy 3km vuông.

"Mỗi mét vuông đất Quảng Trị là một mét máu... Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót" (Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972).

Sự tích Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn - Ảnh 2.

Hàng vạn đèn hoa đăng được thả trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Báo Nhân Dân

Những người lính Thành cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu, có biết bao chiến sỹ quân giải phóng đã ngã xuống, nhiều người trong số họ thân xác đã vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ, vào đáy sông...

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Sau này, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình. Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.

50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy ở Quảng Trị được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Tấm lòng người cựu chiến binh Thành cổ

Có một người cựu chiến binh đã sống, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mang trên mình 14 vết thương, đến nay vẫn đau đáu nỗi niềm tiếc thương đồng đội. Chiều ngày 27/7/1987, ông ngồi lặng lẽ bên bờ sông Thạch Hãn, nhìn những con đò hối hả ngược dòng, mái chèo quẫy tung sóng, chạnh lòng nghĩ đến những người đồng đội còn nằm dưới đáy sông, ông bỗng bật ra những câu thơ:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Bái thơ đã đi vào lòng người, được hầu hết cựu chiến binh cả nước thuộc lòng, được đưa vào Bảo tàng Thành cổ, được phổ nhạc và khắc vào bia đá dựng trên hai bờ Bắc – Nam Thạch Hãn.

Tác giả bài thơ là cựu chiến binh Lê Bá Dương

Sự tích Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Lê Bá Dương tri ân đồng đội trên sông Thạch Hãn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cũng trong dịp này, đã xảy ra câu chuyện như huyền thoại.

Trong dịp trở về Quảng Trị dự hội nghị về Thành cổ, Lê Bá Dương đã một mình lặng lẽ ra sông. Ông dốc tiền túi mua hết hoa trong chợ, thuê theo giờ chiếc thuyền của một bà mẹ chở ra giữa sông. Lê Bá Dương vừa khóc vừa thả từng cánh hoa xuống sông cho đồng đội…

Hết hoa, thuyền quay mũi vào bờ. Người cựu chiến binh mắt còn đỏ hoe lập cập lấy ví thanh toán tiền đò thì bà mẹ lái đò bất ngờ quỳ sụp xuống lạy và khóc: "Mi làm rứa, răng mệ lấy tiền mi…". Rồi hai mẹ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền. 

Thì ra hôm đó tại hội trường, trong lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mọi người bàn nhau đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì hoa không còn, hỏi thì mấy chị bán hoa nói có anh bộ đội nào đó đã mua hoa rồi vừa đi vừa khóc ra phía bờ sông, mấy người bạn đoán ngay là Lê Bá Dương liền vội lao ra sông.

Sự tích Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn - Ảnh 4.

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Bảo tàng Quảng Trị

Sau chuyện này, những người bạn Lê Bá Dương ở Triệu Hải cứ đến dịp 27/7 năm nào cũng mua hương hoa ra thả. Lâu dần thành tập quán chung của người dân ở hai bên bờ Thạch Hãn và bây giờ là tập quán của mỗi người dân Quảng Trị. Những cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ tại Quảng Trị sau đó đã nâng nghĩa cử này trở thành một lễ hội.

Lễ hội thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn, nét văn hóa tâm linh, độc đáo của mảnh đất Thành cổ Quảng Trị đã được Tỉnh công nhận chính thức là một lễ hội cách mạng mang nét đặc trưng riêng của thị xã, một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", với tâm nguyện cầu cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất thị xã Quảng Trị siêu thoát.
Nguồn: Tổng hợp