Cộng đồng quốc tế đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người

10:30 - 12/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là "sự công nhận" cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về Việt Nam

Sáng 12/10, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ông Veeramalla Anjaiah - nhà báo cao cấp của tờ Jakarta Post đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Indonesia - đã đánh giá rất cao những thành tựu về đối ngoại của Việt Nam sau 35 năm Đổi mới. Ông Veeramalla Anjaiah khẳng định rằng Việt Nam là đất nước hòa bình và ổn định, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước. Ông nhấn mạnh: "Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam cũng luôn tham gia các nỗ lực bảo vệ quyền con người ở Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác".


Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với việc bảo vệ quyền con người của Việt Nam - Ảnh 5.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Không chỉ 9 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã bỏ phiếu tán thành Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Anjaiah cho biết trên thực tế, người dân Việt Nam được hưởng nhiều quyền tự do và quyền con người. Theo ông Anjaiah, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết vì lợi ích của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việt Nam đã đạt được những thành công và tiến bộ đáng kể trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc với tổng cộng 72,76 điểm. 

 Ông Anjaiah đánh giá cao tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm xuống còn 2,23% vào năm 2021 từ mức 40,5% vào năm 2012. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Việt Nam đã thành công khi đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - Ảnh 6.

Ông Shahriar Alam, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bangladesh. Ảnh: VOV

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bangladesh, ông Shahriar Alam trong trao đổi phóng viên TTXVN đã chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam bởi kết quả này đạt được thể hiện chính nguyện vọng của nhân dân VIệt Nam. Bangladesh và Việt Nam có quan hệ song phương rất thân thiết, và nếu nhìn từ góc độ đa phương, cả Việt Nam và Bangladesh đều từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; hai nước đã tiến tới những đồng thuận rất gần trong thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như ứng phó với biến đổi khí hậu hay di cư.

Thứ trưởng Shahriar Alam khẳng định nhân dân hai nước đã trao quyền cho chúng ta đại diện cho tiếng nói của mình ở diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới là Liên hợp quốc, do vậy ông cho rằng Việt Nam và Bangladesh sẽ tiến tục hợp tác hơn nữa để đóng góp nhiều hơn tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thời gian tới.

Trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều thay đổi như hiện nay, thách thức thậm chí sẽ còn lớn hơn nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước khi hai nước tham gia Hội đồng Nhân quyền. Trong bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Shahriar Alam khẳng định hai nước phải nhanh chóng thích ứng, phải hiểu nhau hơn, không chỉ là sự hiểu biết giữa Việt Nam và Bangladesh, mà là sự hiểu biết lẫn nhau giữa tất cả các nước, các khu vực.

Theo ông Shahriar Alam, nhân quyền là lĩnh vực rất rộng lớn, có liên quan mật thiết tới sự phát triển kinh tế. Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm chung về văn hóa, cùng trải qua nhiều năm chiến tranh tàn khốc để có được độc lập tự do, nên hai nước ở vị trí có thể nói với cả thế giới về tầm quan trọng của hòa bình, rằng hòa bình là giá trị trung tâm, là nguyện vọng chung của nhân dân và là nền tảng để đất nước đưa ra các quyết định.

Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - Ảnh 7.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Philip Fernandez và ông Steve Rutchinski, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam khẳng định những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

Ông Fernandez nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Cụ thể, vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 2,75% trên tổng dân số gần 100 triệu người. Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo các quyền của người dân như được chăm sóc y tế miễn phí, tiêm vaccine phòng bệnh, có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn....

Còn ông Steve Rutchinski, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam cho rằng trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia những sứ mệnh nhân đạo trong thành phần phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhờ đó, Việt Nam đã có được vị thế trên thế giới với tư cách là một quốc gia được coi trọng.

Theo ông Rutchinski, việc Việt Nam hai lần được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự tin cậy và tín nhiệm của các nước. Điều đó cho thấy vai trò của Việt Nam với tư cách là lực lượng vì hòa bình, ổn định trên trường quốc tế, cũng như thể hiện sự coi trọng của các nước đối với Việt Nam. Ông Rutchinski nêu rõ cộng đồng quốc tế cần tiếng nói chính đáng của Việt Nam. Các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam – Canada cũng cảm ơn Việt Nam vì những đóng góp cho sự nghiệp hòa bình chung.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào cơ quan này. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.

Các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (một nước rút ứng cử vào phút chót). Việt Nam được các thành viên của ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Nhóm châu Á - Thái Bình Dương được cho là có sự cạnh tranh lớn nhất khi có tới 6 ứng cử viên trong khi chỉ được bầu 4 ghế và các nước trúng cử bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Kyrgyzstan và Maldives.

Nguồn: TTXVN, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, VOV
Bình luận của bạn

Bình luận