Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc xác minh vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng
Liên quan đến thông tin một cơ sở mái ấm Hoa Hồng bạo hành trẻ em báo chí phản ánh, ngày 4/9, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xác minh.
Xác minh thông tin Mái ấm Hoa Hồng bạo hành trẻ em
Mới đây, Báo Thanh niên đã phản ánh việc Mái ấm Hoa Hồng bạo hành trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này như "địa ngục trần gian", khi từ đêm đến sáng hôm sau, mỗi ngày, bảo mẫu tên T. (sinh năm 1977) liên tục hành hạ trẻ em tại đây, gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo thông tin đăng tải trên báo chí, đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà G.T.S.H làm chủ, mở cửa từ 8 giờ - 20 giờ hàng ngày, được nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện.
Mái ấm Hoa Hồng nằm tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi được chia thành 3 nhóm: trẻ sơ sinh (lớn nhất khoảng 8 tháng tuổi), trẻ từ 1-2 tuổi và trên 2 tuổi. Khi kiểm tra, cơ quan chức ninh xác minh cơ sở hiện có 86 trẻ, trong đó phòng 101 có 15 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, phòng 202 có 37 trẻ từ 1 tuổi đến khoảng 3 tuổi. 31 trẻ đang đi học bên ngoài mầm non Sóc Bông, 3 trẻ đang nằm bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm.
Theo ghi nhận của Báo Tuổi Trẻ, khoảng 9 giờ 20 phút ngày 4/9, lực lượng chức năng đã có mặt phía trước mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký. Bên trong mái ấm trên, lực lượng chức năng thuộc nhiều đơn vị đang làm việc.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây (quận 12) cho biết hiện tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, các ban ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân phường, công an phường đang kiểm tra cơ sở mái ấm trên.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, mái ấm trên có giấy phép hoạt động và được kiểm tra thường xuyên theo quy trình. Hiện cơ quan chức năng đang làm việc tại mái ấm, chưa có thông tin về kết quả làm việc.
Công an quận 12 đã mời chủ cơ sở và người đánh trẻ về cơ quan làm việc. Quận 12 đề xuất đưa tất cả 86 trẻ về cơ sở bảo trợ xã hội công lập ngay hôm nay, vì nếu để lại sàng lọc, xác minh tìm gia đình người thân thì trẻ ở lại cơ sở không có người chăm sóc lo ăn uống.
Sau khi đưa các cháu vào cơ sở bảo trợ công lập sẽ tiến hành sàng lọc, xác minh gia đình, thân nhân sau.
Hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 có quy định cụ thể rằng: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành, và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính hành vi bạo lực trẻ em
Căn cứ vào Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Xử lý hình sự hành vi bạo lực trẻ em
Dựa vào tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ em thì người thực hiện hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
- Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Điều 123. Tội giết người;
- Điều 128. Tội vô ý làm chết người;
- Điều 140. Tội hành hạ người khác.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google