Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền bị lừa trên mạng

Hồng Ngọc
18:28 - 17/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, khi bị lừa đảo cần trình báo với cơ quan công an, tuyệt đối không để "sập bẫy" những đối tượng hứa hẹn giúp lấy lại tiền để tránh bị lừa đảo và thiệt hại thêm tài sản.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền bị lừa trên mạng- Ảnh 1.

Thủ đoạn lừa đảo hứa giúp lấy lại tiền bị lừa trên mạng. Ảnh: Công an Thành phố Hồ Chí Minh

Chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo "giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền". 

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng lập ra Fanpage và hội nhóm trên mạng xã hội Facebook để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia. Chúng sẽ tự xưng là luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó.  

Sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Nhóm này cũng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.  

Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin đã hỏi được từ nạn nhân trước đó.

Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 2-5 triệu đồng vào "hệ thống" với lý do "cần xác minh thông tin ngân hàng". Nếu làm theo yêu cầu này, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy và bị chiếm đoạt tài sản.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, khi bị lừa đảo cần trình báo với cơ quan công an, tuyệt đối không để "sập bẫy" những đối tượng hứa hẹn giúp lấy lại tiền để tránh bị lừa đảo và thiệt hại thêm tài sản. 

Nếu đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân cần làm gì?

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu đã bị lừa đảo, người dân cần dừng ngay việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Đồng thời thu thập và lưu lại bằng chứng và làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.

Người dân nên cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra; theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)

Nếu thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ do vi phạm dữ liệu, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính. Đồng thời tạo một mật khẩu mới mạnh hơn và đảm bảo rằng chưa từng sử dụng mật khẩu đó trước đây. Nếu đã sử dụng mật khẩu bị rò rỉ ở bất kỳ nơi nào khác, hãy thay đổi mật khẩu ở đó.

Người dân cần cảnh giác với liên lạc đáng ngờ, chặn hoặc không trả lời người lạ và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào và theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng.

Nếu đã bị kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính hoặc điện thoại, người dân cần cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus. Xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu các thiết bị. Đối với điện thoại đã bị xâm nhập, hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, thay đổi mật khẩu hoặc mã pin, chặn các cuộc gọi lừa đảo và xem xét thay đổi số điện thoại.

Ngoài ra, người dân có thể nhờ chuyên gia công nghệ thông tin kiểm tra trực tiếp thiết bị của mình.