Cổ phiếu ngân hàng tràn ngập sắc xanh hậu công bố báo cáo tài chính quý II
Sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với kết quả kinh doanh khả quan, loạt cổ phiếu ngân hàng đồng loạt xanh, thậm chí có mã tăng kịch trần.
BacABank báo lãi trước thuế 448 tỉ đồng sau nửa năm
Trong 6 tháng đầu năm, BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 448 tỉ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng quý II, lợi nhuận trước thuế là 202 tỉ đồng, giảm 1,8% so với quý II/2021.
Động lực tăng trưởng chính của BacABank chủ yếu đến từ việc ngân hàng giảm bớt trích lập dự phòng.
Trong 2 quý đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.098 tỉ đồng, nhỉnh hơn một chút so với mức 1.095 tỉ đồng trong cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 0,9% lên 1.038 tỉ, lãi từ hoạt động dịch vụ đi ngang ở mức 36 tỉ.
Chi phí hoạt động nửa đầu năm 2022 của BacABank là 609 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng giảm mạnh 28% xuống còn 41 tỉ.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 124.204 tỉ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,6% lên 89.365 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% đạt 97.168 tỉ.
Nợ xấu của BacABank ở mức 652 tỉ đồng vào cuối quý II/2022, giảm 3 tỉ so với cuối năm 2021. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó giảm từ 0,77% xuống 0,73%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu BAB của BacABank mở đầu phiên sáng 20/7 với sắc xanh cùng mức tăng 2,4%.
Lợi nhuận PGBank tăng 40%
PGBank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 245 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính có kết quả khả quan.
Thu nhập lãi thuần của PGBank trong 6 tháng đạt 543 tỉ đồng, tăng tới 76,5% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 65% lên 28 tỉ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 21 tỉ, tăng 95%.
Các hoạt động kinh doanh khác có kết quả kém khả quan hơn nhưng ảnh hưởng không đáng kể do tỉ trọng đóng góp trong tổng thu nhập của ngân hàng rất thấp. Trong đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 46% so với cùng kỳ, chỉ đạt 29 tỉ; lãi từ hoạt động kinh doanh khác giảm 56% xuống 79 tỉ đồng.
Chi phí hoạt động của PGBank trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 313 tỉ, tăng 4% so với cùng kỳ. Ngân hàng tăng cường trích lập khi đẩy chi phí dự phòng rủi ro lên 143 tỉ, tăng 50%.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 39.637 tỉ đồng, giảm 2,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng sụt giảm 4,5% xuống 26.272 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,4% xuống 27.679 tỉ.
Nợ xấu nội bảng của PGBank cuối quý II là 700 tỉ đồng, tăng 6 tỉ so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 2,67%.
Ngày 19/7, PG Bank đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Hiện, tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB của PGBank, tương đương 40% cổ phần của PG Bank.
Đầu phiên giao dịch sáng 20/7, PGB tăng kịch trần 15% với khối lượng dư mua hàng trăm nghìn đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này với tổng tỉ suất sinh lời lên tới gần 30%.
VIB đạt lợi nhuận hơn 5.000 tỉ đồng sau 6 tháng
Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Quốc Tế (VIB), tổng thu nhập hoạt động sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 8.700 tỉ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỉ, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, tiếp tục trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với ROE 30%.
Hết 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của VIB đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của ngân hàng giảm về mức 34%, thể hiện hiệu quả quản trị chi phí của nhà băng.
Chi phí dự phòng trong 6 tháng ở mức 750 tỉ đồng, tỷ lệ chi phí tín dụng trên dư nợ tín dụng được quản trị ở mức 0,7%. Mức tỉ lệ chi phí tín dụng này được ngân hàng duy trì trong suốt hơn 5 năm qua, thấp hơn so với trung bình ngành 1,2% - 1,5%.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của VIB đạt gần 350.000 tỉ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2021 và tăng 26% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trên 224.000 tỉ đồng, tăng trưởng 9,7%, với 90% danh mục tín dụng là cho vay bán lẻ và 93% khoản vay bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Nguồn vốn huy động bao gồm tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế IFC, ADB đạt 265.000 tỉ, tăng 11,8% so với cuối năm 2021.
Ngày 18/7, theo công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), VIB chính thức vào VN30-Index.
Sau đợt tăng vốn điều lệ đầu tháng 7, vốn điều lệ của VIB đạt trên 21.000 tỉ đồng.
Và sáng 20/7, trên sàn HoSE, VIB mở cửa tăng 2,9% sau khi công bố báo cáo tài chính với con số khả quan.
HDBank tăng vốn điều lệ thêm hon 5.000 tỉ đồng
Kết thúc quý II/2022, tăng trưởng huy động HDBank đạt trên 11% so với thời điểm ngày 31/12/2021, gấp hơn 2 lần bình quân toàn ngành. Tín dụng tăng trên 14% với động lực đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính: Bán lẻ, SME và tài chính tiêu dùng.
Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 0,93%, mức thấp so với ngành. Các tỉ lệ an toàn khác được đảm bảo.
Mảng dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao, với thu nhập thuần ước đạt gấp hai cùng kỳ năm trước, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận cùng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động đạt mức cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm.
Theo thông tin từ HOSE, ngày 18/7, Hội đồng Quản trị HDBank đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 theo phương án được Đại hội cổ đông thông qua. Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỉ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ phân phối 25%, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022 sau khi có chấp thuận của cơ quan chức năng.
Khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỉ đồng lên 25.303 tỉ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỉ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Được biết, mở phiên sáng 20/7, cổ phiếu HDB của HDBank tăng 1,5% sau khi thông báo lợi nhuận nửa đầu năm vượt kế hoạch.
So với thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực trong những phiên gần đây khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, được dự báo vào trung tuần tháng 7. Tín hiệu này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành.
Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google