Có nên tăng sĩ số lớp học lên 10% như đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?
Một trong những đề xuất giải pháp cấp bách mà ngành giáo dục Hà Nội đưa ra để tạo cơ hội cho thí sinh vào các trường công lập là cho phép các trường tăng từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp, tương đương với 10%. Lợi ích và hạn chế của giải pháp này được nhìn nhận như thế nào?
Tăng sĩ số lớp chỉ là giải pháp tình thế?
Việc đề xuất tăng sĩ số lớp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từ việc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh lớp 10 Hà Nội hệ công lập năm học 2023-2024.
Chính vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có báo cáo công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thiếu trường, lớp ở bậc trung học phổ thông.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Việc đề xuất cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp) liệu có hợp lý so với hướng dẫn hiện hành, cơ sở vật chất và tình hình thực tế của giáo viên và học sinh hay không?
Thực ra, trước sự phát triển nhanh về số lượng học sinh hằng năm của Hà Nội đã đặt ra bài toán khó về trường lớp cho ngành giáo dục Thủ đô. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm gần đây luôn có một áp lực rất lớn cho học sinh và phụ huynh.
Muốn đậu được vào các trường công lập thì học sinh và phụ huynh phải có một chiến lược dài hạn từ các lớp dưới. Và thông thường, học sinh phải đi học thêm để bổ sung kiến thức và tăng cường luyện đề thi với một cường độ học tập rất lớn để chuẩn bị tâm thế khi đến với kỳ thi căng thẳng hiện nay.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 thường cao mà tỉ lệ tuyển đầu vào lại khá thấp so với các địa phương khác. Chẳng hạn như kỳ thi năm nay, theo kế hoạch ban đầu thì Hà Nội chỉ tuyển 55,7% số thí sinh vào lớp 10 công lập đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ở khu vực nội đô.
Một trong những đề xuất giải pháp mà Hà Nội đưa ra để tạo cơ hội cho thí sinh vào các trường công lập là cho phép các trường tăng từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp, tương đương với 10%. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì đề xuất này chỉ đáp ứng được số lượng trước mắt nhưng hiệu quả giáo dục và những mặt trái của đề xuất này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em học sinh và những thầy cô đứng lớp.
Những khó khăn, bất cập khi tăng sĩ số lớp học
Thứ nhất: theo quy định hàng chục năm qua của ngành giáo dục thì cấp tiểu học không được vượt quá 35 học sinh/ lớp; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 học sinh/ lớp.
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 học sinh/ lớp. Nếu Hà Nội tăng sĩ số học sinh như đề xuất sẽ sai với quy định hiện hành của Bộ.
Thứ hai: việc tăng sĩ số từ 45 lên 50 học sinh/ lớp nếu được các cấp đồng ý thì việc kê thêm 1-2 cái bàn học/ lớp không phải là vấn đề khó nhưng không gian lớp học sẽ càng thêm chật chội hơn bởi thông thường, lớp học hiện nay có diện tích khoảng 48m2. Một khi không gian lớp học đã kín chỗ, các lối đi đã được bịt kín sẽ rất khó cho giáo viên quan sát lớp học và quan tâm tới từng học sinh. Giáo viên muốn đi lại, lên xuống cũng không dễ bởi lớp học quá chật chội, bàn ghế đã bịt kín các lối.
Vì thế, việc tăng sĩ số chỉ giải quyết được một phần bài toán thiếu trường lớp nhưng nó sẽ phát sinh ra nhiều điều khó khăn. Đó là khi lớp học đông như vậy thì sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tâm thần của học sinh ra sao?
Việc trang bị máy điều hòa trong từng lớp học công lập hiện nay không phải lớp nào, trường nào cũng có thể triển khai dễ dàng vì liên quan đến vấn đề kinh phí. Điều kiện thời tiết ở Hà Nội những năm gần đây cũng tương đối khắc nghiệt. Chúng ta cứ tưởng tượng mùa hè ngồi trong phòng học có hơn 50 con người cả thầy và trò mà không có máy lạnh thì chỉ hơi người cũng đã thấy ngột ngạt.
Thứ ba: chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ thay đổi về nội dung kiến thức mà phương pháp, cách tiếp cận các đơn vị kiến thức cũng khác với chương trình 2006 trước đây. Lớp học quá đông, học sinh sẽ khó thực hiện việc làm việc nhóm; khó thảo luận, trao đổi với nhau khi giáo viên triển khai, giao bài tập vì bàn ghế gần như đã kín lớp học.
Thứ tư: việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trên lớp sẽ gặp khó vì giáo viên sẽ không thể nào quan sát, quản lý nếu học sinh không nghiêm túc, trung thực trong làm bài. Cứ hình dung kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua chỉ có 24 thí sinh trong phòng thi nhưng có tới 2 giám thị trong phòng, giám thị hành lang, thanh tra hội đồng… mà vẫn có thí sinh dùng điện thoại, chụp được đề thi gửi ra ngoài sẽ thấy được khó khăn của giáo viên khi quản lý học sinh khi kiểm tra trên lớp.
Thứ năm: một khi lớp học lên đến 50 học sinh sẽ tạo ra những áp lực cực lớn cho giáo viên đứng lớp, nhất là những môn mà học sinh không xem trọng hoặc những thầy cô mà học sinh không thích học. Quản lý 50 học sinh mà phần lớn học trò đều to cao hơn thầy cô và độ nghịch ngợm của học trò thì ai cũng biết.
Những giáo viên trẻ chia sẻ rằng họ vào lớp chỉ nhìn thấy sĩ số, nhìn vào 50 học sinh đang chăm chú nhìn mình cũng đã có phần choáng ngợp và ngột ngạt.
Cấp trung học phổ thông đã được chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng là "giai đoạn giáo dục nghề nghiệp" nên những môn mà không phục vụ mục đích thi cử cho học trò sẽ rất khó để học sinh chăm chú và nghiêm túc trong học bài. Vì thế, dù có lý tưởng như thế nào đi chăng nữa thì các môn học không nằm trong môn học bắt buộc thi tốt nghiệp, tổ hợp xét đại học cũng sẽ khó lôi kéo được học trò học tập nghiêm túc - đó là một thực tế tồn tại hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi sự cởi mở và chia sẻ giữa giáo viên và học sinh tăng lên, đôi khi thầy - trò phải trao đổi "tay đôi" làm rõ và kích thích sự hiếu học ở người học và kích thích tâm huyết giảng dạy của thầy cô. Sĩ số lớp quá đông sẽ không đảm bảo thày - trò được thoải mái gần gũi và trao đổi trong giảng dạy và học tập.
Chính vì vậy, đề xuất tăng sĩ số lớp học lên 10% đối với học sinh cấp trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa hẳn là một phương án hay mà nó sẽ song hành nhiều bất cập đi kèm.
Bởi, tăng sĩ số lớp học không chỉ tạo ra những áp lực cho học sinh ngồi học trong lớp, giáo viên đứng lớp mà chất lượng dạy và học có thể cũng bị ảnh hưởng theo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google