Vị thế người thầy trong xã hội hiện đại

Thành Phúc
17:45 - 20/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người xưa có câu: “thầy già con hát trẻ” đề cao vai trò người thầy càng lớn tuổi càng nhiều kinh nghiệm giảng dạy, truyền đạt. Tuy nhiên, đối với xã hội hiện nay, thầy cô giáo giàu kinh nghiệm truyền dạy không phụ thuộc vào tuổi tác, thậm chí cần người trẻ, cập nhật thời đại, tiếp cận tốt với công nghệ giáo dục mới.

Thời đại 4.0 đòi hỏi người thầy ngoài kinh nghiệm ra cần phải có nhiều phương pháp, cách thức tiếp cận kiến thức phù hợp, có chọn lọc. Và, đặc biệt là người thầy phải giỏi công nghệ thông tin, thường xuyên tiếp cận với cái mới nhằm giúp cho bài giảng của mình phong phú, tạo hứng thú cho học trò.

Vị trí, vai trò của người thầy cao hay thấp do chính người thầy tự tạo dựng lên trong từng giờ học trước học trò của mình đang trực tiếp giảng dạy.

Mô hình bậc thầy uyên bác biết 10 dạy 1 không còn phù hợp?

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ rằng: thế giới biến đổi từng giây, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết 10 dạy 1 không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo phải nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng, dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn. 

Những chia sẻ của Bộ trưởng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà giáo hiện nay. Suy cho cùng, nghề dạy học cũng là một nghề nghiệp như bao nhiêu ngành nghề khác. Nhưng, cái khác là nghề "dạy người", dạy cho học trò tri thức và bồi dưỡng cho các em nhân cách, đạo đức và định hướng cho tương lai của học trò có một hướng đi đúng, phù hợp với năng lực bản thân.

Nếu như trước đây, internet chưa có hoặc chưa phát triển, kiến thức sách vở và kiến thức của người thầy được xem là chuẩn mực trong dạy học, lúc đó người thầy là trung tâm và tất nhiên các hoạt động giáo dục trên lớp. Thầy nói trò nghe, thầy hỏi trò đáp và học sinh không được "cãi" thầy. Tuy nhiên, giáo dục hiện nay đã có nhiều thay đổi khi lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy phẩm chất của người học thì người thầy đã chuyển vai sang người dẫn dắt, định hướng cho học trò của mình.

Những nhà giáo không thay đổi, không chịu làm mới mình, vẫn trung thành với phương pháp dạy cách đây hàng chục năm sẽ tạo ra sự nhàm chán cho học trò. Thầy "già" vẫn giỏi nhưng không phải thầy cô nào cũng chịu đổi mới và tiếp cận được những cái mới của giáo dục và tri thức hiện nay. Chính vì thế, người thầy giỏi phải là những người thầy chịu thay đổi và làm mới mình trong từng tiết dạy ở trên lớp.

Người thầy giỏi là người biết dẫn dắt học trò, thấu cảm với học trò và xem học trò là những "người bạn nhỏ" của mình. Không áp đặt tư tưởng, không áp đặt tri thức và luôn xem mình là đúng, thầy nói trò phải nghe. Xã hội hiện nay nhiều khi học trò còn nhanh nhạy hơn thầy, nhiều vấn đề các em đã biết tường tận bởi thế giới phẳng đã xóa đi ranh giới về tri thức và thầy không phải là kênh duy nhất truyền đạt kiến thức cho học trò.

Vai trò, vị thế của người thầy hiện nay không chỉ là truyền đạt kiến thức đơn thuần như trước đây mà là người định hướng dẫn dắt cho trò. Thầy cô sẽ quan sát, nhìn rõ từng cô cậu trò mạnh về cái gì để định hướng và phát huy sở trường cho các em. Vì thế, ngoài sự gần gũi, sẻ chia với học trò thì người thầy phải giỏi về chuyên môn, công nghệ, ngoại ngữ sẽ giúp cho học trò nhiều điều bổ ích.

Những học trò học được các thầy cô uyên thâm là may mắn và hạnh phúc nhưng hạnh phúc hơn nếu được kết hợp với giỏi công nghệ thông tin và phương pháp dạy học mới sẽ làm cho học trò thích thú và tự phát triển được khả năng, năng lực tiềm ẩn của học trò. Sẽ thật buồn khi học với những thầy cô cứ đều đều, nhàn nhạt truyền đạt những kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa và yêu cầu học trò phải chép bài đầy đủ, phải chăm chú lắng nghe.

Thầy cô không làm mới mình sẽ tụt hậu

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều cái mới, nhiều yêu cầu phải thay đổi so với trước đây. Vì thế, người thầy nếu không chịu thay đổi sẽ tụt hậu trước học trò.

Trong mỗi năm học, nhà trường và tổ chuyên môn giỏi lắm chỉ dự giáo viên đứng lớp được vài tiết dạy, nhất là những trường loại I - nơi có rất nhiều giáo viên đang công tác. Vì thế, người thầy vẫn luôn "độc lập tác chiến", thầy cô sẽ chịu trách nhiệm chính trong mỗi giờ học. Tuy nhiên, học trò ngày nay không còn thụ động như trước đây và tất nhiên các em không thích thú với những "tiến sĩ gây mê" trong mỗi giờ học.

Một giờ học, thậm chí 2 giờ học liên tục mà giáo viên chỉ đơn điệu truyền giảng như trước đây là một thất bại lớn của người thầy. Thầy cô phải để cho học sinh hoạt động, trao đổi và làm việc để các em phát huy năng lực của mình. Một khi học sinh được làm việc, được trao đổi, được thảo luận, được phản biện tiết học sẽ sôi nổi, các em sẽ thích thú và tiết học nhanh chóng trôi qua.

Những kiến thức trong sách giáo khoa, những mục tiêu trong chương trình học thì học sinh đều đọc qua, đều biết nên ngoài những kiến thức này, giáo viên cũng cần cung cấp những tri thức bên ngoài để mở rộng vấn đề. Những clip liên quan, những bài hát cùng chủ đề, những hoạt động giải trí trong mỗi giờ học cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Đặc biệt, không phải tất cả kiến thức trong sách giáo khoa giáo viên đều dạy mà phải chắt lọc những kiến thức trọng tâm để hướng tới mục tiêu của chương trình là sau giờ học đó, học sinh học được gì, làm được gì mới là tiết học thành công.

Xã hội phát triển, vai trò, vị trí của người thầy sẽ thay đổi theo xu thế. Nếu người thầy muốn được học trò kính trọng, tin yêu, cảm phục thì điều cốt lõi là luôn biết tự thay đổi chính mình. Thay đổi để hoàn thiện, để phù hợp và để thích ứng với thời đại.

Ngày 20/11 hàng năm - ngày mà xã hội hướng tới người thầy, tri ân người thầy nhưng cũng đang đòi hỏi người thầy nhiều hơn trong vai trò "truyền lửa" cho học trò. Vì thế, mỗi thầy cô cũng cần xây dựng hình ảnh cho chính mình trước học trò - nhất là những thầy cô dạy từ cấp Trung học cơ sở trở lên - môi trường học tập khi mà các em bắt đầu phá cách và bắt đầu tìm hiểu, khám phá những tri thức liên quan.