Cổ mẫu hành trình trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát

Đồng Thị Hoàng Ly - Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. HCM
06:15 - 06/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cao Bá Quát không chỉ là một nhân vật lịch sử được nhiều người biết đến với cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương mà còn được ca tụng là bật thi thánh có một không hai ở Việt Nam.

Lý do chọn khai thác Cổ mẫu hành trình trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát

Thơ văn của Cao Bá Quát có vị trí quan trọng nền văn học trung đại Việt Nam với những đóng góp mang ý nghĩa đổi mới cả về nội dung và nghệ thuật. Để khẳng định vẻ đẹp thơ chữ Hán Cao Chu Thần không chỉ ở bình diện nội dung, nghệ thuật mà còn thể hiện được cái nhìn vượt thời đại, tính dân tộc, sự kết hợp giữa một tâm hồn Việt đồng điệu với những tư tưởng văn hóa Đông - Tây, kim - cổ, việc đặt thơ Cao Bá Quát từ góc nhìn phê bình cổ mẫu, từ tính liên văn bản chắc hẳn sẽ là một lựa chọn độc đáo, góp phần vào việc tìm hiểu một cách đa diện hơn sáng tác của bậc họ Cao. 

Cổ mẫu hành trình trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát - Ảnh 1.

Tượng Cao Bá Quát tại một trường PTTH.

Với việc nghiên cứu "Cổ mẫu hành trình trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát", người viết mong muốn sẽ tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về lý thuyết phê bình cổ mẫu, trên cơ sở đó tìm ra và giải mã được những nguồn gốc của cổ mẫu hành trình - cổ mẫu quan trọng và nổi bật trong thơ Cao Bá Quát, phát hiện điểm giao thoa giữa cổ mẫu hành trình trong dòng sông tâm thức của con người từ thuở sơ khai với tâm thức của nhà thơ, bên cạnh đó còn thấy được những sáng tạo độc đáo trong việc tái sinh và làm mới cổ mẫu trong thơ của một người "Tài cao, phận thấp, chí khí uất" này (lời của Tản Đà).

Với dung lượng và tính chất tinh gọn của ngôn ngữ thơ, Cao Bá Quát khó có thể xây dựng hành trình của nhân vật theo kết cấu hành trình gồm nhiều chặng của người anh hùng trong các tác phẩm kinh điển. Hơn nữa, bản thân Cao Bá Quát cũng không chủ đích xây dựng nhân vật của mình trên hành trình đăng đẳng mà chỉ cốt làm thơ để bộc lộ tâm sự, thể hiện chí khí. Vậy nhưng, chúng ta thấy dấu ấn cổ mẫu hành trình trong thơ ông hiện lên một cách vô thức, không hề tính toán. Nhân vật trữ tình trong thơ Cao Bá Quát chính là tác giả - người lữ khách trên cuộc hành trình của cuộc đời mình chứ không phải là anh hùng được tác giả dày công xây dựng. Và cũng vì lẽ đó mà để xác định được những đặc điểm của cổ mẫu hành trình thể hiện qua thơ chữ Hán của nhà thơ đại tài này không phải là một chuyện dễ dàng. Nhưng càng đọc thơ họ Cao, càng khám phá những hình ảnh, biểu tượng thơ, chúng ta thấy một loạt các biểu tượng liên quan đến cổ mẫu hành trình. Đó là dòng sông, là con đường, là bãi cát dài, là ngựa, xe, dấu chân người đi, là hình ảnh người lữ khách trong cuộc viễn du… 

Không khó để nhìn ra, thơ Cao Bá Quát lúc nào cũng đau đáu về một con đường, luôn khát khao tìm ra phương hướng, điều đó được thể hiện trong sáng tác của Cao. Thơ Cao Bá Quát rất nhiều lần nhắc tới các từ ngữ như "lộ", "đồ" cũng như hình ảnh của lữ khách, hành nhân trên con đường dài thăm thẳm đó. Không chỉ xuất hiện dày đặc các biểu tượng liên quan đến cổ mẫu hành trình, chúng ta còn phát hiện điểm tương đồng trong hành trình của người lữ khách họ Cao với bao nhiêu cuộc hành trình khác trong văn học.

Những yếu tố thúc đẩy Cao Bá Quát dấn thân vào cuộc hành trình

Trước hết, có thể nói yếu tố thời đại chính là nguồn căn sâu xa tác động đến tâm thức nhà thơ. Cao Bá Quát sinh năm 1808 mất năm 1855, cả cuộc đời họ Cao sống trong xã hội phong kiến nhà Nguyễn. Từ thời Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong giai đoạn này, xã hội Việt Nam có nhiều điều bất ổn, đất Nam Kỳ liên tục nổi lên các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, hầu hết đều là các cuộc nổi dậy của người dân tộc Khmer, nguyên nhân đều do chính sách đồng hóa và cai trị hà khắc từ thời Minh Mạng. Sống trong một thời đại đầy biến động, chắc chắn Cao Bá Quát cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhiều thì ít. Đó là những lo lắng trăn trở, đó là khát vọng được thay đổi chính sách cai trị, là nguồn căn sâu xa cho ý thức vùng dậy sau này của ông. Không những thế, triều Nguyễn cũng là triều đại mà chế độ phong kiến phát triển và chi phối đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. 

Quan điểm về công danh vẫn còn đặt gánh nặng lên vai bao nhiêu người nam nhi thời bấy giờ. Bởi thế, dẫu biết đường công danh ngang trái, phi lí, dẫu chán ghét chốn quan trường xô bồ nhưng Cao Bá Quát cũng khăn gói lên đường đi thi. Gánh nặng đỗ đạt, gánh nặng phải có công danh, phải để lại tiếng thơm cho đời, phải giúp cho dân cho nước không chỉ mình Cao Bá Quát gặp, nó còn là tình trạng chung của Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Nguyễn Khuyến.v.v...

Không chỉ có yếu tố thời đại, yếu tố gia đình cũng chi phối nhận thức của Cao Bá Quát. Cao Bá Quát là con trong một dòng họ khoa bảng nhưng cha (ông Cao Tửu Chiếu) chỉ là một ông đồ hay chữ, không đỗ đạt làm quan. Từ nhỏ, Cao Bá Quát đã phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó, sau này khi lớn lên, lập gia đình thì Cao Bá Quát vẫn phải đối diện với ốm đau, bệnh tật. Vốn là người thông minh, có lý tưởng lớn lao, có cái nhìn vượt thời đại nhưng chí lớn lại không thành, đó có lẽ là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến những phẫn uất thúc đẩy Cao Bá Quát dấn bước vào con đường đi tìm công lý và muốn lật đổ triều đình nhà Nguyễn mục nát.

Không chỉ ý tố gia đình mà chính tài năng và cá tính của Cao Bá Quát cũng là tiền đề thôi thúc ông "lên đường" tìm công danh, sự nghiệp. Từ buổi đầu hăm hở học tập, thi cử để có thể đỗ đạc làm quan, giúp dân giúp nước cho đến những ngày tháng mịt mù trên hoạn lộ, Cao Bá Quát đã cay đắng nhận ra những bất công trong con đường khoa cử, nhận ra những phi lý và cố gắng tìm kiếm lối thoát nhưng mờ mịt, nhìn trước nhìn sau cũng chỉ thấy mịt mù tăm tối, chỉ thấy một bãi cát dài mênh mông vô tận và "đi một bước như lùi một bước" mà thôi (Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát). Thêm khoảng thời gian đi Dương trình hiệu lực, tiếp cận với nền văn hóa phương Tây đổi mới, cởi mở, và cả việc tận mắt chứng kiến những lam lũ, khổ cực của nông dân, những bất công đầy rẫy trong xã hội, Cao Bá Quát càng quyết tâm hơn phải vùng dậy để "cởi trói" cho người dân khỏi cái gông cùm cổ hủ, tối tăm.

Khai thác Cổ mẫu hành trình trong thơ Cao Bá Quát với chân dung người lữ khách hăm hở trong buổi đầu lên đường tìm công danh sự nghiệp, đi tìm giá trị đích thực của thơ ca, với khát vọng cháy trời, trải qua những gian khổ, đắng cay trên hành trình ấy và cuối cùng nhận một kết quả bi thương cũng là một cách tiếp cận từ bên ngoài tác phẩm để tìm hiểu về Cao Bá Quát với một hướng nhìn khác hơn, góp phần làm nổi bật hơn những vẻ đẹp đáng quý từ chàng trai họ Cao, những tài năng, suy nghĩ vượt tầm thời đại cũng như những điểm tương đồng bất ngờ liên quan đến cổ mẫu hành trình trong thơ Cao cùng với thơ ca, truyện kể từ trong huyền thoại đến văn học hiện đại, từ nước Việt đến những nước phương Đông, phương Tây.

Ý nghĩa của Cổ mẫu hành trình trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát

1. Tiếng gọi lên đường và khát vọng trải nghiệm, khám phá, chinh phục

Cao Bá Quát không phải bậc vĩ nhân như Đức Phật đi tìm cõi Niết Bàn, càng không phải là người thực hiện cuộc hành hương đến vùng đất mới, Cao lên đường và bắt đầu hành trình của mình bằng khát vọng ngất trời muốn lập công danh, muốn cống hiến tài năng cho đời và mục đích trước hết chính là để trải nghiệm.

Thơ Cao Bá Quát cũng mang ảnh hưởng của tinh thần này. Dẫu là một người sống với tư thế nhập cuộc, đối mặt với đời và sống với lý tưởng, khát vọng thực tế nhưng có đôi khi, Cao Chu Thần cũng cảm thấy cần thiết vô cùng một chốn thiên thai để tâm hồn nhẹ nhàng hơn sau những khổ đau, thất bại.

Vô thức cá nhân cộng hưởng cùng vô thức tập thể in dấu lên Cao Bá Quát khiến cho nhà thơ như đang trên hành trình hoặc chạy trốn hoặc kiếm tìm. Có thể nhận thấy ý muốn thoát ly thực tại của Cao Bá Quát đã gặp gỡ với cõi huyền bí của thế giới cái đẹp trong tư tưởng của Đạo giáo - đó cũng chính là dấu hiệu của cổ mẫu đang ngả bóng xuống trang thơ ông.

Ông đã thể hiện những khát vọng khám phá vùng đất mới này thông qua việc giới thiệu những gì đã thấy, đã xem trên đường đi. Đó có thể là cảm giác khẩn trương, hùng tráng khi lần đầu trông thấy con thuyền chạy bằng hơi nước (một trong những biểu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu.

2. Nỗi ám ảnh của con người về những thử thách trên hành trình luân lạc

2.1. Nỗi ám ảnh vì sự phi lý trên hành trình công danh

Những nỗi lo âu, trăn trở luôn thường trực trong thơ Cao Bá Quát. Trong thơ Cao, có thể tìm thấy rất nhiều bài thơ viết về công danh, chữ công danh theo tác giả luận văn khảo sát trong hai quyển Cao Bá Quát toàn tập thì có hơn một trăm lần tác giả nhắc đến chữ công danh. Đó có thể là danh lợi, công danh, chút danh hão, chút danh mọn, chức danh hèn mọn, khi là danh thuật, danh giáo, danh tiết,… Có thể thấy, chữ "danh" đã ám ảnh tâm trí nhà thơ, dẫu muốn thoát khỏi nhưng nó cứ đeo bám mãi và trở thành nỗi ám ảnh đi suốt hành trình thơ ca Cao Bá Quát.

Có lẽ đây là lời tâm huyết tận đáy lòng của một người đã trải qua khá nhiều đắng cay trong hoạn lộ, để rồi người ấy cất tiếng khuyên can bạn đồng khoa nên thoái thác việc làm quan vì đó chỉ là cái "danh hảo" mà thôi! Nhắc đến nỗi ngán ngẩm bởi đường công danh mịt mù, không thể không kể đến bài thơ nổi tiếng của Cao Bá Quát: Sa hành đoản ca. Trong tác phẩm này, Cao Bá Quát đã ví đường công danh mịt mù như đi trên sa mạc mênh mông, đi mà cứ như lùi, không biết đâu là điểm dừng chân, nhìn đâu cũng thấy đường cùng, để rồi khách trên đường nước mắt lã chã rơi mà than thở:

Bãi cát, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Xưa nay, danh lợi được ví như rượu thơm ngon nơi đầu gió, cám dỗ lòng người. Kẻ say sưa danh lợi thì nhiều nhưng người dám coi thường danh lợi thì hiếm hoi. Bởi vậy mà cuộc tranh đua càng diễn ra quyết liệt. Con người vì thế phải tự đày đoạ mình trên hành trình nhọc nhằn, cô độc đầy oán thán. Cao Bá Quát biết được mặt trái của công danh, bao nhiêu lần chế giễu nó, lên án nó nhưng cũng bi kịch thay khi bản thân ông biết rằng "đường cùng", bản thân dù đã tự dằn vặt "Anh còn đứng làm chi trên bãi cát" nhưng vẫn không thể không bước ra khỏi con đường đó. Chính vì thế mà đôi khi, nỗi ám ảnh vì những phi lí trên con đường công danh đã chuyển sang những ám ảnh về sự nguy hiểm trên thế đồ, hoạn lộ.

2.2. Nỗi ám ảnh vì thân phận cô đơn trên hành trình luân lạc

Nghiên cứu thơ Cao Bá Quát, chúng ta dễ dàng nhận thấy bàng bạc trong thơ ca ông là nỗi cô đơn bi tráng của một con người khát khao đi tìm lẽ sống đích thực của đời mình. Trên cái nền trầm lắng của sự cô độc, ứng với mỗi giai đoạn, nỗi cô đơn của nhà thơ có những sắc thái biểu hiện khác nhau. Nỗi cô đơn trong thơ Cao Bá Quát có thể xuất phát từ tâm thức chung của người lữ khách khi dấn thân vào con đường thế đồ hoạn lộ. Ông luôn tỏ ra khinh bỉ những người đua chen theo phường danh lợi, dấn thân vào những điều phi lí nhưng bản thân ông cũng đang là hành nhân cô độc trên con đường ấy. Có cả một khối mâu thuẫn đang đè nặng lên tâm hồn của tác giả lúc này. Đó chính là bi kịch chung của không chỉ Cao Bá Quát mà còn của bao người trong xã hội phong kiến. Bởi lẽ đó mà dù "mặt trời đã lặn" vẫn "chưa dừng được" nên chỉ biết rơi nước mắt một mình. Ai thấm thía được nỗi cô đơn, bất lực này cho hành nhân hay chăng?

Với Cao Bá Quát, dẫu hành trình của ông phải trải qua nhiều khó khăn, lắm thử thách, phải đối mặt với nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần và đặc biệt là nỗi cô đơn không người chia sẻ thì con người đầy khí khái ấy vẫn kiên tâm bước đi thực hiện cho trọn vẹn ước nguyện mình đã đặt ra khi bắt đầu cuộc hành trình. Dù rằng hành trình của con người tài cao phận thấp kia chưa kịp đến điểm dừng chân như người trong cuộc mong muốn nhưng bản thân ông cũng đã đúc kết được nhiều chiêm nghiệm sâu sắc cho mình. Nội dung phần tiếp theo sẽ khai thác cụ thể hơn điều vừa nói.

3. Những chiêm nghiệm được đúc kết ở điểm cuối của hành trình

Trong phần nghiên cứu của mình, chúng tôi cũng chia những chiêm nghiệm của Cao Bá Quát thành hai nội dung lớn: chiêm nghiệm về cuộc đời và chiêm nghiệm về bản thân.

3.1. Những chiêm nghiệm về cuộc đời

Ông nhận ra việc đời đổi thay thất thường không ai lường trước được: Tráng đồ bán tiêu tữ/ Thế lộ canh yên vân (Đường đời như khói mây thay đổi. Việc người như nóng lạnh thất thường). Như vậy là, qua quá trình đi nhiều nơi, quan sát nhiều, trải nghiệm nhiều, Cao Bá Quát đã rút ra được những chiêm nghiệm về lẽ sống, về con đường công danh, những suy tư trăn trở cho hoàn cảnh đáng thương của người nghèo, sự bất công trong cuộc sống khi kẻ thì ngồi không nhàn nhã, người nai lưng vất vả làm ăn. Không những thế, ông còn thấy được những thiếu sót, lạc hậu của đất nước khi có dịp tiếp cận với nền văn minh, tiến bộ của khoa học kĩ thuật phương Tây qua chuyến đi "dương trình hiệu lực". Có lẽ chính những chiêm nghiệm cay đắng này đã là mầm mống cho một cuộc nổi dậy của họ Cao vào chặng cuối của hành trình đời ông.

3.2. Những chiêm nghiệm về bản thân

Không chỉ là những suy ngẫm và bài học về cuộc đời mà qua những cuộc hành trình dài, người đi sẽ tiến gần hơn với việc xác định bản ngã. Vậy Cao Bá Quát đã nghĩ gì về bản thân ông? Trước hết, đó chính là những cay đắng cho bản thân khi trót vì "cái danh hờ" mà bỏ phí gần mười năm bút mực: Dư sinh phù danh ngộ/ Thập niên trệ văn mặc/ Gian nan nhất đệ hậu,…(Đời ta trót vì cái danh hờ/ Hàng mười năm chìm đắm trong bút mực/ Sau bao khó khăn thi mới đỗ được,…).

Chìm nổi gần chục năm, thấy bản thân lúc hồi hương cũng chỉ là khách trọ: "Cảnh sắc quê nhà vẫn thế thôi/ Nổi chìm năm, sáu độ thu rồi/ Coi nhau là khách cùng nâng chén/ Lạc lõng cánh buồm cảnh nổi trôi/ Cảnh sắc làng cũ vẫn y vậy". Tâm trạng này của Cao Bá Quát không khác gì Hạ Tri Chương trong buổi về quê: "Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải, mấn mao tồi/ Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?" (Hồi hương ngẫu thư).

Nếu như lúc khởi đầu cuộc hành trình, chàng trai trẻ Cao Chu Thần đầy tự tin khẳng định: "Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ/ Bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số (Tài tử đa cùng phú) thì đến cuối hành trình, người đàn ông đầy trải nghiệm đã nhìn lại bản thân: Có cuộc hoạn du, mới biết cá lớn nghìn dặm/ Kiến thức hẹp hòi, khác nào nhìn con báo chỉ thấy một vằn (Nhị thập nhị nhật đắc phong, hí trình Đồng Châu).

Tóm lại, hướng nhìn từ cổ mẫu thông qua việc khảo sát cổ mẫu hành trình đã mang lại một hướng tìm hiểu mới đối với thơ chữ Hán của Cao Bá Quát. Từ việc tìm mối liên kết giữa vô thức chung của cộng đồng với biểu tượng hành trình trong thơ Cao Bá Quát, chúng ta có thể khẳng định những mối liên kết một cách vô thức giữa biểu tượng hành trình trong thơ họ Cao với văn hóa, văn học Đông - Tây để khẳng định biểu tượng "hành trình" đã trở thành cổ mẫu hành trình trong thơ Cao Bá Quát.  Hành trình trong thơ Cao Bá Quát cũng giống như những cuộc hành trình từ xa xưa, đều trải qua những chặng khác nhau, người lữ khách sẽ nếm trải bao khó khăn và những niềm hăm hở cũng như những lúc đối mặt với nỗi cô đơn tận cùng. Và rồi ai cũng sẽ về với chặng cuối của hành trình, người tìm được kho báu, người đúc kết được nhiều bài học, trưởng thành hơn, có người phải bỏ cả mạng sống để trả giá cho chuyến đi ấy. Dẫu rằng hành trình của Cao Bá Quát đã phải khép lại sớm hơn bản thân ông nghĩ nhưng những gì ông để lại cho đời sẽ luôn còn mãi. Người ta sẽ không thể quên một con người tài hoa, giàu khát vọng, không thể quên người anh hùng sinh nhầm thời - Cao Bá Quát!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nhiều tác giả (2004), Cao Bá Quát - Tham luận Hội thảo, Nxb Văn học, TP. HCM.

[2] Vũ Bội Liêu (2000), Những sự gặp gỡ của Đông phương và Tây phương trong ngôn ngữ và văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội.

[3] Vũ Minh Đức (2018), Cổ mẫu trong truyện ngắn Isaac Bashevis Singer, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.