Nhắc lại những đóng góp của cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa khi tên ông được đặt tên đường tại Hà Nội
Tháng 7/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Trần Đăng Khoa cho một tuyến phố ở quận Long Biên. Ít ai biết ông vốn là một kỹ sư giao thông công chính, từng kiến thiết nhiều công trình quan trọng, nền tảng cho sự phát triển ngày nay.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa xem xét, thông qua Nghị quyết đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội. Thành phố đề xuất đặt tên mới cho 52 tuyến đường, phố trên địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, 33 tuyến mang tên địa danh, di tích, xứ đồng và 19 tuyến mang tên danh nhân.
Trong đó có đề xuất đặt tên đường cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa cho tuyến phố nằm từ ngã ba giao cắt đường Bát Khối tại trụ sở Công an phường Long Biên đến ngã ba đối diện ngõ 17 Cổ Linh. Chiều dài phố là 670m, rộng 21,25m với lòng đường rộng 11,25m và vỉa hè mỗi bên 5m.
Nhắc tới cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi, nay là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn dành cho vị Viện trưởng đầu tiên của Viện một sự khâm phục và kính trọng. Giáo sư Dụ khẳng định cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa là người có công mở đường cho ngành Thủy lợi Việt Nam.
Kỹ sư Trần Đăng Khoa sinh năm 1906 ở làng Thế Lại Thượng, Huế trong một gia đình lao động nghèo. Cha mẹ ông đặt tên Trần Đăng Khoa với hi vọng sau này có thể đỗ đạt làm quan, vinh quy bái tổ.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính ở Hà Nội, kỹ sư Trần Đăng Khoa được phân vào Nha Trang, Khánh Hòa phụ trách phòng kỹ thuật của cơ quan công chính miền Nam Trung Bộ. Ông sớm có lòng nhiệt huyết với cách mạng, tích cực ủng hộ các phong trào: Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, Câu lạc bộ Thể dục thể thao...
Trong hồi ký, kỹ sư Trần Đăng Khoa tâm sự: "Về chính trị thì không biết gì, ghét Pháp nhưng cũng gờm Pháp. Muốn làm lợi cho dân nhưng không biết đi với dân, thiếu thầy thiếu bạn". Chính vì lẽ đó, ông chỉ biết tập trung vào làm chuyên môn với các thiết kế và nghiên cứu nhiều công trình như hồ nước Cam Ly, Đà Lạt; Thủy Thiện, Bình Định; Thủy điện Ankroet, Đà Lạt; dự án cảng Cam Ranh, các công trình bảo vệ bờ biển, Xây dựng hệ thống cung cấp nước trong nhiều thành phố từ Quảng Ngãi vào Phan Thiết, Bình Thuận...
Ông tâm niệm phải làm cho bằng được những công trình kiến thiết có lợi cho nước nhà, làm một cách độc lập, không cần dựa vào Pháp. Sau này nước nhà độc lập, người Việt Nam sẽ tự điều khiển cho được cơ quan công chính và đẩy mạnh xây dựng trong các lĩnh vực.
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, kỹ sư Trần Đăng Khoa được giới trí thức giới thiệu và giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính (1946-1955) trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này ông còn giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Thủy lợi – Kiến trúc (1955-1958), Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (1958-1963), Phó Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960-1981).
Điều đặc biệt là kỹ sư Trần Đăng Khoa còn là Giám đốc đầu tiên của Học viện Thủy lợi Điện lực, thành lập năm 1959.
Năm 1963, Học viện này được tách ra thành hai đơn vị, là trường Đại học Thủy lợi và Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi. Ông lại được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi.
Theo hồi ký ông kể lại: "Tôi góp phần tích cực xây dựng Học viện Thủy lợi, rồi đến Viện Nghiên cứu Thủy lợi tách ra. Tôi đặt kế hoạch nghiên cứu hoa học trên 3 lĩnh vực lớn: Thủy công (khoa học kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi) Thủy nông (bao gồm tưới tiêu khoa học cho đồng ruộng và cải tạo, bồi dưỡng đất). Sông ngòi (động lực học sông ngòi, cải tạo sông ngòi, phòng chống lụt). Tôi chỉ đạo và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, nhằm cải tiến kỹ thuật trong sản xuât và xây dựng. Tôi tham gia nghiên cứu qui hoạch sông Hồng, sông Mê Kông và qui hoạch nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Nam. Có nhiều ý kiến cụ thể vê cải tạo, khai thác sông Hồng, sông Thái Bình, về công trình sông Lô, sông Đà. Tôi đã đi khảo sát tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam, nắm tình hình khá cơ bản. Tôi đã báo cáo khá rõ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Thủy lợi và các tỉnh. Tôi đã viết nhiều bài báo về thủy lợi cho các báo và tập san trong nước và một số bài cho tạp chí nước ngoài như "Gidrotlxnika I melirsia", "Zktpostanus" (Liên Xô). Tôi đã dự hội nghị thủy lợi quốc tế ở Bắc Kinh năm 1956, báo cáo của tôi đã in trong kỷ yếu thủy lợi Trung Quốc…".
Có một kỷ niệm mà Giáo sư Trương Đình Dụ vẫn ghi nhớ là năm 1964, khi đó ông là một anh kỹ sư tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội được phân về công tác ở Ty Thủy lợi Hà Tĩnh. Thời kỳ đó Bộ Thủy lợi đang có phong trào tưới tiêu khoa học và được phát động sôi nổi ở các địa phương. Tỉnh Hà Tĩnh đã hưởng ứng rất mạnh mẽ. Tỉnh đã cho xây dựng hai trạm thí nghiệm tưới: một là trạm Cẩm Sơn thuộc vùng tưới của hồ chứa nước Thượng Tuy, huyện Cẩm Xuyên; Hai là trạm Đức Thanh thuộc vùng tưới của hồ Bình Hà, huyện Đức Thọ. Trưởng ty Thủy lợi Trần Quang Đạt đã giao cho kỹ sư Trương Đình Dụ, lúc đó là tổ trương tổ Quản lý công trình và tưới, phụ trách vấn đề này.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cuối tháng 12/1964, Trương Đình Dụ ra Hà Nội xin gặp Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi Trần Đăng Khoa, người đứng đầu về kỹ thuật này để xin ý kiến. Dù bận nhiều việc của Quốc hội và Viện nhưng kỹ sư Trần Đăng Khoa vẫn dành thời gian làm việc với kỹ sư Trương Đình Dụ. Nghe trình bày về điều kiện tự nhiên và tình hình thủy lợi của tỉnh, ông Khoa khuyên: "Hà Tĩnh thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn, việc xây dựng các công trình thủy lợi và áp dụng tưới tiêu khoa học là rất cần thiết, tôi nhất trí những đề xuất và kế hoạch mà anh trình bày. Anh về báo cáo với tỉnh cố gắng áp dụng kỹ thuật tưới tiêu khoa học cho tốt để góp phần nâng cao năng suất lúa ở vùng Thượng Tuy và Bình Hà".
Thực hiện nhiệm vụ được giao và lời khuyên của ông Khoa, ông Dụ đã chỉ đạo hai trạm thí nghiệm tưới áp dụng phương pháp tưới tiêu khoa học theo công thức: nông thường xuyên (giữ nước trong ruộng từ 3-5cm), sâu thường xuyên (mực nước trong ruộng khoảng 7- 10cm), xăm xắp (nước trong ruộng 3-5cm rồi để cạn tự nhiên, sau lại cho nước vào), nông lộ phơi (nước trong ruộng 3-5cm, để cạn tự nhiên và phơi khô, rồi lại tưới). Kết quả, vụ mùa năm 1966, năng suất lúa ở hai trạm thí nghiệm tưới nêu trên (của hai hợp tác xã) vượt 15-20% so với ruộng đối chứng theo cách tưới thông thường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh về thăm rất phấn khởi và cho chủ trương phổ biến rộng. Sau này, ông Trương Đình Dụ được cử sang học Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ở Liên Xô trong 4 năm. Đến năm 1972, ông tốt nghiệp và chuyển về công tác ở Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, nên có điều kiện gặp gỡ và làm việc trực tiếp với ông Trần Đăng Khoa cho đến khi ông Khoa nghỉ hưu.
Giáo sư Trương Đình Dụ cho biết thêm: "Tôi may mắn được chuyển về Viện Khoa học Thủy lợi là hợp với nguyện vọng muốn trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học. Điều may mắn to lớn nữa là về đây được làm việc với kỹ sư Trần Đăng Khoa, nhà thủy lợi số một Việt Nam, người được Bác Hồ chọn vào thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tuy công việc hành chính của Viện, ông Khoa giao cho ông Lê Thành Hậu, Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện điều hành, nhưng các vấn đề chuyên môn ông rất sâu sát. Tôi may mắn thường được đi công tác cùng ông ở các công trình và các tỉnh. Đặc biệt với vai trò Phó chủ tịch Quốc hội, lại là chuyên gia số một thủy lợi, đóng góp nhiều ý kiến về quy hoạch thủy lợi cho các tỉnh rất sâu sắc, nên lãnh đạo các tỉnh tiếp rất trọng thị kỹ sư Khoa, từ đó cũng hình thành và ra đời các công trình công chính quan trọng của vùng.
Tôi nhớ buổi làm việc với ông Trần Quang Đạt (lúc này là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh), nghe trình bày kế hoạch về thủy lợi của tỉnh, ông Khoa cũng góp nhiều ý kiến. Trên đường về ông Khoa nói mình thấy ông Đạt hiểu khá sâu thủy lợi, điều đó không phải Chủ tịch tỉnh nào cũng có. Mỗi chuyến đi, ngồi trong xe đường dài thường nghe ông kể một mẩu chuyện về cuộc đời, về những buổi làm việc với Bác Hồ về xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, về đê điều phòng chống lụt bão.
"Tôi học tập được từ ông Trần Đăng Khoa tính say mê chuyên môn, luôn cập nhật kiến thức mới về lý thuyết, thực tiễn và tính cương trực, nhưng nhẫn nại" - Giáo sư Trương Đình Dụ nói.
Năm 1981, ông Trần Đăng Khoa nghỉ giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội nhưng vẫn giữ cương vị Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Xô.
Năm 1988, sức khỏe ông ngày càng sa sút và đi lại khó khăn do căn bệnh teo não để lại.
Tháng 10/1988, ông được Chủ tịch nước Võ Chí Công ký quyết định trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Tháng 1/1989, ông được trao Huân chương ở bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngày 14/2/1989, ông Trần Đăng Khoa qua đời.
Với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của mình, kỹ sư Trần Đăng Khoa luôn cố gắng làm tốt trên các cương vị được Trung ương giao phó. Ông từng nói: "Vì khả năng có hạn, sự cống hiến của tôi cho cách mạng, cho Tổ quốc chưa nhiều. Nhưng con đường mà tôi đã đi và còn đi mãi thật là vinh quang cho nhân dân ta và cho bản thân và gia đình tôi".
Một vị Bộ trưởng của những ngày đầu dựng nước, có nhiều đóng góp kiến thiết đất nước, thật xứng đáng mang tên một con đường ở Thủ đô Hà Nội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google