Chuyển nguồn lực văn hóa thành một trong những trụ cột phát triển đất nước

TTH
15:28 - 15/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 15/4, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Chuyển nguồn lực văn hoá thành một trong những trụ cột phát triển đất nước - Ảnh 1.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đồng bào dân tộc thiểu số, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hoá từ các cơ quan trung ương, các tỉnh thành. 

Huy động vai trò đóng góp, thúc đẩy nguồn lực văn hoá các dân tộc cho sự phát triển đất nước

Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhau, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến nhằm làm rõ vấn đề xây dựng, huy động và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm phát triển đất nước hướng tới mục tiêu phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Tại diễn đàn, nhiều báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc; việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Đặc biệt, tại diễn đàn, phiên thảo luận bàn tròn có sự tham dự của nhiều diễn giả với các giải pháp hoặc mô hình cụ thể nhằm phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường... 

Diễn đàn có nhiều ý kiến gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Văn hoá đã và đang làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa nước ta trên trường quốc tế.

Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ngày nay, văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng, củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết, nhân ái vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng, nhân loại. Ngoài ra, con người Việt Nam còn có khả năng thích ứng linh hoạt, có bản lĩnh vững vàng khi phải đối mặt với những thách thức lớn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia, dân tộc, giải quyết những thách thức của thời đại.

Chuyển nguồn lực văn hoá thành một trong những trụ cột phát triển đất nước - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định. 

Việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn lực phát triển doanh nghiệp bền vững. Các doanh nghiệp cần quan tâm tăng cường đầu tư cho văn hoá; khai thác yếu tố văn hoá để nâng cao tính sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp cũng cần khẳng định vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong việc tham gia đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, tạo ra các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, mang bản sắc văn hoá Việt Nam phục vụ công chúng, người tiêu dùng và xuất khẩu.

Việc từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, thể hiện sức sáng tạo, khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam là chiến lược lâu dài. Văn hoá phải trở thành một trong những trụ cột phát triển đất nước. 

Cho đến nay, Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên; 15 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (trong đó có 2 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 3 Di sản tư liệu thế giới; 6 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng các dân tộc tập trung thảo luận về sự đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam, những vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hiện nay, từ đó lưu giữ bản sắc, đồng thời đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng.

Để khai thác nguồn lực văn hóa, phát triển con người, đất nước, cần nhất quán quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. 

Về phía Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hoá, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hoá, đào tạo nhân lực văn hoá. 

Các bộ, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá tổng thể tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa những di sản có nguy cơ mai một, thất truyền. 

Triển khai thực hiện các chiến lược, đề án quy hoạch, chương trình phát triển loại hình du lịch - văn hoá, dịch vụ văn hoá ở các cộng đồng dân tộc, biến những giá trị văn hóa trở thành tài sản văn hoá, nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển bền vững.

Chuyển nguồn lực văn hoá thành một trong những trụ cột phát triển đất nước - Ảnh 4.

Các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà quản lý, doanh nghiệp thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn. Ảnh: TTH

Đối với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình mà nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hoá các dân tộc, tổ chức các hoạt động sáng tạo và hợp tác phát triển văn hoá; phát huy vai trò làm cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và với các tầng lớp trong xã hội, cộng đồng nhân dân trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, phản biện xã hội.