Bắt đầu chuỗi hoạt động tháng 4 chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất"

Thuý Hằng
13:25 - 30/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ 1/4 đến 3/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức các hoạt động tháng "Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam" hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), hướng tới Giỗ Tổ Hùng Vương và chủ đề tháng 4: "Ngày hội non sông thống nhất".

Bắt đầu chuỗi hoạt động tháng 4 chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" - Ảnh 1.

Tái hiện Ngày hội mừng non sông thống nhất tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTH

Hoạt động tháng 4 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" có sự tham gia của trên 100 đồng bào 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày. Đó là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Thái (Sơn La); Khơ Mú (Nghệ An); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai, Chăm (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).

Ngoài ra, Làng huy động khoảng 30 đồng bào dân tộc Tày, Nùng (tỉnh Thái Nguyên) ngày 8 và 9/4; khoảng 20 đồng bào dân tộc M'nông (tỉnh Đắk Nông) ngày 22 và 23/4; 20 đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); 20 đồng bào dân tộc Mông (huyện Mộc Châu, Sơn La); khoảng 40 đồng bào của 2 dân tộc Mông, Nùng (tỉnh Lào Cai) ngày 29/4-2/5.

Bắt đầu chuỗi hoạt động tháng 4 chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" - Ảnh 2.

Nghệ sĩ trẻ người Khmer Nam Bộ trình diễn vũ điệu dân gian tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTH

Chuỗi hoạt động "Ngày hội non sông thống nhất"

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề "Sắc màu Lào Cai" - không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc. Điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề "Sắc màu Lào Cai" tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách.

Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày...

Giới thiệu không gian văn hóa chợ của người Mông, Thái, Nùng... trong đó là các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, những cặp trai gái người Mông say sưa với những điệu khèn, không gian đồng bào Thái, Mông, Nùng,… hát giao duyên khi chơi chợ, đồng bào dân tộc giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng độc đáo như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải...

Hoạt động quy tụ 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông (Lào Cai) tạo không gian chân thực của các chủ thể văn hóa với điểm nhấn trung tâm của chợ là hoạt động múa khèn bên chảo thắng cố và các hoạt động động điểm nhấn xuống chợ, vui chợ phiên.

Ngoài ra, không gian chợ với 50 gian hàng gồm rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, thịt gừng dân tộc Nùng..., không gian giới thiệu ẩm thực với các món ăn dân tộc thắng cố, mèn mén, rượu ngô Bắc Hà, xôi màu bảy màu...

Khoảng 10-15 gian hàng của tỉnh Sơn La; 20 gian hàng là giới thiệu các sản vật địa phương của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội) với các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, rượu, hương liệu dân tộc, thuốc nam, măng khô, miến dong, mật ong…

Cùng nhiều gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc; không gian ảnh sắc màu văn hóa vùng cao.

Các nghệ nhân, đồng bào biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền. Đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách, chơi trò chơi dân gian và trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Dịp này, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức giới thiệu nghệ thuật khèn Mông (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018) do các nghệ nhân Mộc Châu, Sơn La trình diễn; tái hiện Lễ Say Sán (dịch từ tiếng địa phương nghĩa là Hội Chơi núi) của dân tộc Mông (Lào Cai). Đặc biệt là tái hiện Tết mừng chiến thắng của đồng bào Nùng, tái hiện Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La.
Bắt đầu chuỗi hoạt động tháng 4 chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" - Ảnh 4.

Món xôi ngũ sắc bảy màu của đồng bào Mông (Lào Cai). Ảnh: TTH

Giới thiệu không gian văn hoá du lịch địa phương

Điểm nhấn trong sự kiện văn hoá tháng 4 của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là tái hiện nghi thức cúng Then của dân tộc Tày; giới thiệu làn điệu dân ca dân vũ dân nhạc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên. Chương trình giới thiệu lễ hội, văn hoá tỉnh Đắk Nông gồm lễ cưới của dân tộc M'nông tỉnh Đắk Nông, các món ăn truyền thống sau lễ hội của đồng bào M'nông; trình diễn giao lưu dân ca dân vũ "Sắc màu Đắk Nông" qua nét văn hoá của đồng bào M'nông.

Biểu diễn các tiết mục dân gian, các hoạt động diễn xướng, giới thiệu nghề thủ công truyền thống, cồng chiêng M'nông qua đó giới thiệu về vẻ đẹp mảnh đất, con người Đắk Nông.

Tái hiện nghi thức dựng cây nêu của dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế; giao lưu "Tình ca Tây Nguyên" tại Làng thể hiện các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Tà Ôi, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Thổi Đinh Năm hát ay ray, đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…

Giới thiệu không gian điểm nhấn mang sắc màu văn hóa Tây Nguyên như: Không gian chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.