Chuyển đổi số trong tuyển sinh đại học năm 2022: Việc đáng làm!

11:21 - 25/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Công tác tuyển sinh năm 2022 có sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số trong các khâu tuyển sinh bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Công bằng, minh bạch, giảm tỉ lệ thí sinh ảo

Việc xác nhận nhập học tuyển sinh đại học, cao đẳng đợt 1 năm 2022 đã kết thúc vào ngày 30/9. Điểm mới đột phá năm nay là hệ thống công nghệ, thực hiện tất cả quy trình tuyển sinh trên môi trường số (có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia). Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg (phần tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được triển khai trước đó trong tháng 4 và 5/2022).

Kỳ tuyển sinh năm 2022 cho thấy áp dụng công nghệ trong các khâu tuyển sinh là việc phải làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Đến thời điểm này, có thể khẳng định những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại sự công bằng, hiệu quả và minh bạch.

‎‎Từ năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.

‎‎Một thông tin phân tích ban đầu đáng chú ý là tính trên toàn quốc, số thí sinh nữ trúng tuyển chiếm 55%, trong khi số thí sinh nam chỉ là 45%; thậm chí có tỉnh tỉ lệ này là 63-37%.Trong tổng số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, số thí sinh nữ còn chiếm tỉ lệ cao hơn, 56%, tương ứng với số thí sinh nam là 44%.

‎‎Điểm mới của xét tuyển năm nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) với mục đích giảm ảo cho các trường và tạo sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh.

Nhìn lại kỳ tuyển sinh đại học năm 2022: Chuyển đổi số là việc phải làm - Ảnh 1.

Áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc phải làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Ảnh minh họa

Vấn đề kỹ thuật được khắc phục kịp thời

‎‎Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh đã được Tập đoàn Viettel hỗ trợ nâng cấp và cùng vận hành theo các quy trình bài bản, chặt chẽ, đã kiểm thử và chạy thử ở nhiều mức độ, phạm vi khác nhau. 

Nhìn tổng thể hệ thống đã chạy tốt, tuy một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ nhưng đã được khắc phục kịp thời, không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả xét tuyển. Ví dụ như việc kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ban đầu có trục trặc do số lượng thí sinh đồng thời truy cập quá lớn phải xếp lịch phân luồng, phân tải.

‎Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên đổi mới mạnh mẽ nên một số thí sinh cũng còn bỡ ngỡ và thiếu cẩn trọng khi thao tác trên hệ thống, dẫn tới sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để tổ kỹ thuật và các cơ sở đào tạo phối hợp giải quyết hầu hết các trường hợp sai sót, nhầm lẫn của thí sinh; đến thời điểm hiện tại đã xử lý hết các trường hợp.

Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện thanh toán số, với số lượng thí sinh đông (trên 400.000) và phần lớn chưa được làm quen với phương thức thanh toán trực tuyến, vì vậy các cơ sở đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tốt nhất có thể cho thí sinh thực hiện quy định này.

‎Việc nộp lệ phí tại thời điểm sau khi thí sinh đã chốt việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển để đảm bảo quyền lợi thí sinh sau khi thí sinh có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm số nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.

‎‎Việc kéo dài thời gian và phân tải theo địa phương để thí sinh nộp lệ phí trực tuyến do quá tải của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo kịp thời, rộng rãi về vấn đề này và tổ chức hỗ trợ cho thí sinh, đảm bảo quá trình thanh toán thông suốt, việc điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh hoàn toàn không gây khó khăn cho thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển theo kế hoạch chung đã ban hành.

‎Với các thí sinh chưa nộp lệ phí (không phân biệt lý do), đã được nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục hoàn thành việc nộp lệ phí trên hệ thống, kết quả có trên 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã hoàn thành việc nộp lệ phí trực tuyến theo quy định.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy chế tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.

‎‎Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống, cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông - tuyển sinh đợt 1.

Nguồn: Báo Chính phủ