2 mức quà tặng cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Minh Châu
08:08 - 20/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định số 715/QĐ-CTN ngày 19/6 về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).

2 mức quà tặng cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu người có công tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Văn phòng Chủ tịch nước, theo Quyết định số 715/QĐ-CTN ngày 19/6 Về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), quà tặng được chia thành 2 mức: 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Cụ thể, mức quà 600.000 đồng sẽ dành tặng các đối tượng:

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước ngày 28/7/2023 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng, thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Mức quà 300.000 đồng tặng:

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ.

Đôi nét về Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Theo báo Quân đội nhân dân, ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh". 

Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.

2 mức quà tặng cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh 2.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27/7 thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên – nơi ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước.

Ngày 27/7 hằng năm là dịp để thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.