Chung tay bảo vệ rừng: Nhiệm vụ không của riêng ai!

Quang Minh
17:19 - 08/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đã có khoảng 10 ha rừng thông tự nhiên đã bị ảnh hưởng sau vụ cháy rừng tại Đà Lạt. Thật xót xa vì đây là rừng thông nguyên sinh có tuổi đời khoảng 70 năm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Vụ cháy lại một lần nữa nhắc nhớ nhiệm vụ chung tay bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người trên trái đất chúng ta.

Một vạt rừng thông nguyên sinh đã bị thiêu rụi...

Ngày 8/4, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vụ cháy rừng ngày 7/4 tại Lô a khoảnh 11, tiểu khu 267B thuộc địa phận Phường 3, thành phố Đà Lạt đã làm ảnh hưởng diện tích khoảng 10 ha rừng thông tự nhiên.

Theo ông Võ Thanh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, điểm cháy xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 7/4/2023, đến 23 giờ cùng ngày đã được dập tắt hoàn toàn.

Khi vụ cháy xảy ra, tỉnh Lâm Đồng đã huy động trên 150 người thuộc các đơn vị là Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND Phường 3 cùng các hộ nhận khoán rừng tham gia chữa cháy xuyên đêm. Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo chữa cháy tại hiện trường.

Trước đó đêm 7/4, thông tin TTXVN cho biết vào khoảng 15 giờ ngày 7/4, tại tiểu khu 267B, trên đèo Prenn thuộc địa bàn Phường 3, thành phố Đà Lạt, một đám cháy rừng đã bùng phát. Ngọn lửa lan rộng, trải dài trên ngọn núi thuộc rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng Lâm Viên phụ trách. Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô nhiều ngày, ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng trên diện tích nhiều hecta.

Vị trí xảy ra hỏa hoạn là rừng thông nguyên sinh có tuổi đời khoảng 70 năm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Hàng chục người thuộc các lực lượng đã nỗ lực tìm cách dập lửa nhưng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình dốc, xe chở nước rất khó tiếp cận hiện trường. Lực lượng chức năng chủ yếu dùng cành cây dập lửa, cố gắng không để cháy lan ra những vị trí xung quanh. Cho đến 21 giờ, đám cháy trên đã được khống chế và đến 23 giờ thì dập tắt hoàn toàn.

Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, xử lý tránh bùng phát vụ cháy mới

Chung tay bảo vệ rừng: Nhiệm vụ không của riêng ai! - Ảnh 2.

Đến sáng 8/4, tại hiện trường xảy ra vụ cháy vẫn còn các điểm cháy âm ỉ chưa được dập tắt hoàn toàn. Các lực lượng tham gia chữa cháy vẫn tiếp tục đi kiểm tra, xử lý những điểm có thể bùng phát thành vụ cháy mới.

Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng các lực lượng vẫn cử cán bộ tiếp tục theo dõi khu vực rừng đã xảy ra cháy, đề phòng đám cháy bùng phát trở lại. Lực lượng chức năng điều tra xác định nguyên nhân xảy ra cháy rừng và đánh giá chính xác thiệt hại tài nguyên rừng do vụ cháy gây ra...

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND Phường 3 cho biết: Ngay sau khi phát hiện đám cháy, UBND phường, các đơn vị chức năng thành phố Đà Lạt cùng Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã huy động lực lượng khoảng 60 người tham gia dập lửa ở khu vực trên. Cho đến thời điểm này, đám cháy đã được khống chế một phần, nhận định có khả năng sẽ dập tắt hoàn toàn trong đêm nay.

Bảo vệ rừng, tránh mọi nguy cơ cháy rừng, nhiệm vụ cấp bách của mỗi người dân!

Rừng là một lớp bảo vệ tuyệt vời cho trái đất, không chỉ che phủ một phần ba diện tích lục địa, rừng còn là nguồn tài nguyên cung cấp các dịch vụ thiết yếu và góp phần quan trọng trong việc duy trì sự sống trên hành tinh. Hiện nay, sinh kế của hơn 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. 

Rừng đang tham gia tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ô-xy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra; là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới.

Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán... Những giá trị của rừng đối với cuộc sống rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, rừng đang bị chính con người tàn phá một cách nghiêm trọng. Không phải là quá muộn để chúng ta hành động bảo vệ và phát triển những cánh rừng bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh toàn cầu, vì sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy, việc chung tay bảo vệ rừng là trách nhiệm không của riêng ai.

Được biết, từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng cho phép các đơn vị chủ rừng tổ chức đốt thực bì trong các cánh rừng có kiểm soát, nhằm triệt tiêu những vật liệu dễ cháy, chủ yếu do cành, lá cây rụng xuống phủ lên mặt đất. Phương pháp này khá hiệu quả trong công tác phòng chống cháy rừng, nhưng cũng để lại những hệ lụy tiêu cực như hủy hoại thảm thực vật dưới tán rừng, không còn lớp cây con mọc lên thay thế, mất đi sự đa dạng sinh học của rừng nhất là các cánh rừng thông… khiến cho rừng trở nên khô cằn, đơn điệu, giảm độ trữ nước trong mùa mưa gây nguy cơ sạt lở cao… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường rừng. Thậm chí, một số vụ đốt thực bì thiếu kiểm soát đã gây ra cháy rừng thực sự ở nhiều địa phương.

Ngày 16/1/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 465/UBND-LN chỉ đạo dừng việc đốt thực bì truyền thống như vẫn làm từ nhiều năm qua. UBND tỉnh đánh giá trong thời gian qua, một số đơn vị chủ rừng đã tiến hành xử lý vật liệu cháy bằng biện pháp phát dọn, đốt thực bì nhằm hạn chế cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng do cháy rừng trong mùa khô. Tuy nhiên, các đơn vị này đã không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật theo quy định đã ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan và môi trường chung trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn trong mùa khô 2022- 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương ngừng ngay việc xử lý thực bì; yêu cầu các huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thông báo chủ trương này đến các đơn vị chủ rừng để tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, việc dừng đốt thực bì dù đang mang lại nhiều hiệu quả về bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường nhưng cũng để lại những nguy cơ tiềm ẩn, nhất là khi nhiều du khách tới thành phố Đà Lạt và tổ chức các hoạt động cắm trại dã ngoại, đốt lửa đun nấu trong những cánh rừng thông trong khu vực thành phố… 

Trong bối cảnh môi trường đang ngày càng bị đe dọa và các thảm họa thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, chúng ta cần phải biết cách bảo tồn, phát triển rừng hơn nữa, trong đó cần chú ý các biện pháp bảo vệ đối với rừng phòng hộ.

Các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

- Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…

- Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh việc hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thống lệ quốc tế.

- Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên.


Nguồn: TTXVN, DCS
Bình luận của bạn

Bình luận