Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, kịch bản nào cho chứng khoán Việt Nam?

Li Lê
16:51 - 14/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chứng khoán Mỹ lao dốc ắt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy không phải lúc nào chứng khoán Việt Nam cũng "đồng pha" với chứng khoán Mỹ.

Chứng khoán Mỹ lao dốc 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến pha giảm điểm cực thấp. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.276 điểm (3,94%) còn 31.104,97 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 4,32%, xuống 3.932,69 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq giảm tới 5,16%, còn 11.633,57 điểm.

Sắc đỏ bao trùm sàn giao dịch New York Exchange khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Dịch vụ viễn thông và công nghệ giảm điểm nhiều nhất, lần lượt là 5,63% và 5,35%. Meta, công ty mẹ Facebook, mất 9,4%. Cổ phiếu đại gia chip Nvidia giảm 9,5%.

Tôi cho rằng chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến thị trường đi xuống, về đáy tháng 6.
Art Cashin, một lãnh đạo tại UBS

Nguyên nhân thị trường chứng khoán lao dốc được viện dẫn bằng tâm lý lo ngại của giới đầu tư sau khi Bộ Lao Động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của của Mỹ. Cụ thể, CPI tháng trước của Mỹ đã tăng 0,1% và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số CPI lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) tăng 0,6%, tương ứng tăng 6,3% theo năm.

Số liệu này đi ngược dự báo trước đó của các nhà kinh tế cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm 0,1% và CPI cốt lõi sẽ chỉ tăng 0,3%.

Đây là một trong những báo cáo cuối cùng để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cân nhắc trước thềm cuộc họp tuần tới. Và hiện cơ quan này được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp để kìm lạm phát. 

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, kịch bản nào cho chứng khoán Việt Nam ? - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực sau khi chỉ số lạm phát của nước này được công bố.
Ảnh: Wall Street Journal

Chứng khoán Việt phản ứng... nhẹ nhàng

Tất nhiên việc thị trường chứng khoán Mỹ lao đao sẽ có ảnh hưởng ít nhiều về mặt tâm lý với các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh không phải lúc nào thị trường chứng khoán trong nước cũng diễn biến cùng chiều với chứng khoán Mỹ. 

Cụ thể, theo dữ liệu lịch sử, VN-Index không phản ứng quá tiêu cực sau những lần Chỉ số công nghiệp Dow Jones lao dốc. Theo thống kê từ năm 2012 đến nay, Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trên 3%/phiên tổng cộng 27 lần. Trong 26 lần trước, VN-Index chỉ có 6 lần giảm trên 3% ngay phiên sau đó và thậm chí có đến 7 lần tăng điểm. Phần lớn các lần còn lại VN-Index chỉ giảm dưới 2%, hoặc không đáng kể.

Đặc biệt, trong cả 2 lần Dow Jones giảm trên 10% và phải tạm dừng giao dịch giữa chừng vào ngày 12/3 và 16/3/2020, VN-Index chỉ giảm dưới 1%/phiên ngay sau đó. Hay như ngày 1/4/2020, Dow Jones giảm đến 4,4% nhưng VN-Index thậm chí còn tăng mạnh 3,2% vào phiên kế tiếp. 

Nhìn chung, xác suất VN-Index giảm điểm ngay sau phiên Dow Jones lao dốc là khá cao, tuy nhiên mức độ phản ứng vẫn được cho là khá nhẹ nhàng hơn. 

Thực tế, lạm phát tại Mỹ về cơ bản không giống lạm phát tại Việt Nam bởi sự khác biệt về trọng số trong rổ chỉ số giá tiêu dùng. 

Hiện, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát khá tốt. Đồng thời, tình hình vĩ mô ổn định nên trong tháng 8 vừa qua, chứng khoán Việt Nam diễn biến lệch pha với đà giảm của thị trường tài chính toàn cầu.

Mặc dù, sự bất ổn toàn cầu có thể tác động không nhỏ đến Việt Nam, nhưng kinh tế nội địa vẫn đang vận hành tốt và được rất nhiều các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Minh chứng là S&P tăng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức BB+, Moody’s nâng triển vọng phát triển của nước ta lên Ba2, hay Dragon Capital dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý III và 7,8% trong năm nay.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận