Thị trường chứng khoán tiếp đà lao dốc, nhà đầu tư nên thận trọng

Trần Quân
12:07 - 27/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các chỉ số trên sàn chứng khoán tuần qua đi xuống, thanh khoản cũng cực thấp khiến thị trường trở nên khó đoán. Tuy nhiên, ngày càng gần đến mùa báo cáo tài chính quý II, thêm vào đó giá một số cổ phiếu giảm mạnh, nên có thể nhà đầu tư vẫn cân nhắc mua vào đón đầu đợt tăng mới.

Thanh khoản cực thấp

Tiếp đà giảm, thị trường chứng khoán trong nước có thêm một tuần diễn biến tiêu cực do những lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong 4/5 phiên, chỉ số chính giảm điểm và đánh mất mốc tâm lý quan trọng 1.200 điểm.

Cụ thể, tính chung cả tuần, VN-Index mất tổng cộng 1,82 điểm (-2,61%) về mốc 1.185,48 điểm; HNX-Index giảm 4,13 điểm (-1,47%) xuống 275,93 điểm so với tuần trước; UPCoM-Index đi ngang quanh mốc 87 điểm.

Thị trường chứng khoán tiếp đà lao dốc, nhà đầu tư nên thận trọng - Ảnh 1.

Tuần qua, thị trường chứng khoán diễn biến khá tiêu cực. Ảnh: VnEconomy

Về thanh khoản, thanh khoản thị trường trong 2 tuần gần nhất đang ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần khá nhiều. Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường một cách rất thận trọng. Tổng giá trị giao dịch bình quân giảm đến 18%, ở mức 15.955 tỉ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 22% còn 13.966 tỉ đồng/phiên. Thậm chí, sàn HoSE có 2 phiên cuối tuần khớp lệnh chưa đến 9.000 tỉ đồng.

Trong khi khối ngoại là điểm sáng của thị trường khi họ thực hiện mua vào lượng cổ phần trị giá 7.282 tỉ và bán ra 7.078 tỉ. Như vậy đây là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị hơn 200 tỉ đồng.

Xu hướng giảm điểm vẫn là chủ đạo 

Trước tình hình trên, nhận định về xu thế thị trường trong tuần này (27/6-1/7), KB Việt Nam xác nhận xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, nếu vùng hỗ trợ vẫn quanh 1.170 điểm, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục tiếp tục được bảo lưu. 

Cùng quan điểm, Chứng khoán Bản Việt dự báo thị trường sẽ tiếp đà giảm vào đầu tuần. Tuy nhiên, nếu lực mua ở vùng giá thấp tăng, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại mốc 1.200 điểm.

Về phần mình, SHS hy vọng có thể thị trường sẽ bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn mặc dù còn quá sớm để có thể xác nhận quá trình này. Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ giao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên giao động trong vùng 1.160 -1.300 điểm. Còn nếu tình hình trở nên xấu hơn, VN-Index có thể sẽ thủng ngưỡng hỗ trợ 1.160 điểm.

Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư chậm lại để quan sát động thái hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn. Đồng thời tận dụng nhịp tăng (nếu có) để hạ tỉ trọng tại các cổ phiếu có nguy cơ tiếp tục suy yếu.

Với góc nhìn tích cực hơn, MBS nhận thấy sau chuỗi lao dốc đã có nhiều cổ phiếu thủng đáy và có mức chiết khấu cao. Thị trường đang dần khép lại quý II với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như nhóm sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí,… nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt. Kể cả việc thị trường có nhịp nhúng qua đáy thứ 2 này cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.

Nhìn chung tất cả những khuyến nghị trên đều khá trung lập dù thị trường chứng khoán hiện tại không mấy khả quan.

15 doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu số lượng lớn tuần này

1. Công ty cổ phần Du lịch Vietourist (mã chứng khoán VTD): Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Văn Tuấn đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VTD, nâng lượng nắm giữ lên 1,17 triệu đơn vị.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/6 đến 22/7.

2. Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (mã chứng khoán ILC): Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Ngọc Sinh đăng ký mua 100.000 cổ phiếu, nâng lượng nắm giữ lên 165.505 đơn vị.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/6 đến 22/7.

3. Tổng Công ty 36 - Công ty cổ phần (mã chứng khoán G36): Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Anh Quân, đơn vị có liên quan đến Ủy viên Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hiền, đăng ký bán toàn bộ 7,23 triệu cổ phiếu G36.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/6 đến 22/7.

4. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghiệp (mã chứng khoán ICI): Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản ly vốn Minh An, đơn vị có liên quan đến Ủy viên Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Vinh, đăng ký mua khớp lệnh 100.000 cổ phiếu ICI, nâng lượng nắm giữ lên 383.400 đơn vị.

Giao dịch được thực hiện  từ ngày 27/6 đến 26/7.

5. Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Kim Bài (mã chứng khoán BHK): Công ty TNHH Ngân Hạnh, đơn vị có liên quan đến Ủy viên Hội đồng quản trị Hoàng Ngọc Văn, đăng ký bán toàn bộ 669.000 cổ phiếu BHK. 

Giao dịch được thực hiện  từ ngày 27/6 đến 26/7.

6. Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (mã chứng khoán TVC): Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Hà đăng ký mua 700.000 cổ phiếu TVC, nâng lượng nắm giữ lên 3,9 triệu đơn vị.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/6 đến 26/7.

7. Công ty cổ phần Dược – Vật tư Y tế Nghệ An (mã chứng khoán NTF): Công ty cổ phần Bán lẻ Dược Hapharco, đơn vị có liên quan đến Ủy viên Hội đồng quản trị Trần Thị Nguyệt, đăng ký mua 908.125 cổ phiếu NTF, nâng lượng nắm giữ lên 908.125 đơn vị.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 28/6 đến 15/7.

8. Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng (mã chứng khoán HPP): Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Viện, đăng ký mua 200.000 cổ phiếu HPP, nâng lượng nắm giữ lên 682.604 đơn vị.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 28/6 đến 21/7.

9. Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (mã chứng khoán VNE): Công ty cổ phần Malblue, đơn vị có liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Anh Tuấn, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VNE, nâng lượng nắm giữ lên 10,07 triệu đơn vị, chiếm 11,14% vốn.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 28/6 đến 26/7.

10. CTCP Chứng khoán FPT (mã chứng khoán FTS): Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính SBI, đơn vị có liên quan đến Thành viên Hội đồng quản trị Ueno Taro, đăng ký mua 5,75 triệu cổ phiếu FTS, nâng lượng nắm giữ lên 36,74 triệu đơn vị, chiếm 24,9% vốn. 

Giao dịch được thực hiện từ ngày 28/6 đến 26/7.

11. Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán DIG): Bà Lê Thị Hà Thanh, vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thiện Tuấn, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DIG, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 0,2% tương đương hơn 1 triệu đơn vị. 

Giao dịch được thực hiện từ ngày 28/6 đến 27/7.

12. Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã chứng khoán KHG): Phó Tổng Giám đốc Phùng Quang Hải đăng ký mua khớp lệnh 500.000 cổ phiếu KHG, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 0,36% tương đương 1,61 triệu đơn vị. 

Giao dịch được thực hiện từ ngày 29/6 đến 28/7.

13. Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN): Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị  Trương Văn Việt đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HTN, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 7,81% tương đương 6,96 triệu đơn vị. Cũng trong khoảng thời gian trên Tổng Giám đốc Trần Tiến Thanh đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HTN, nâng lượng nắm giữ lên 500.000 đơn vị tương đương 0,56% vốn.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 29/6 đến 28/7.

14. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM): Platinum Victory PTE.LTD, đơn vị có liên quan đến Thành viên Hội đồng quản trị Alain Xavier Cany, đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiêu VNM, nâng lượng nắm giữ lên 242,75 triệu đơn vị, chiếm 11,62% vốn.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 30/6 đến 29/7.

15. Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM): Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Như Tùng đăng ký bán 500.000 cổ phiếu TCM, giảm lượng nắm giữ xuống 75.042 đơn vị, chiếm 0,09% vốn.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 29/6 đến 28/7.

Bình luận của bạn

Bình luận