Chưa đầy 1 tuần, Mỹ tăng gần 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ

Quỳnh Giang
15:39 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu về số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới, với 6.616 trường hợp được ghi nhận. Chưa đầy 1 tuần, Mỹ tăng gần 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc đậu mùa khỉ

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 4/8 (giờ Hà Nội) trên thế giới đã ghi nhận 26.208 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 87 quốc gia.

Mỹ là quốc gia đứng đầu về số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới, với 6.616 trường hợp được ghi nhận. Con số này đã tăng lên đáng kể (tăng 1710 trường hợp) sau thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ ngày 29/7 cho thấy nước này có 4.906 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc ghi nhận các triệu chứng của căn bệnh này.

Đứng thứ 2 về số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là Tây Ban Nha với 4.577 trường hợp. Đức là nước đứng thứ 3 trên thế giới với 2.781 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Ngay sau đó là Anh với 2.759 trường hợp mắc đậu mùa khỉ.

Trong số 26.208 ca bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, có 25.864 ca đậu mùa khỉ tại các quốc gia không lưu hành dịch đậu mùa khỉ trong thời gian trước đó.

Chỉ có 344 ca đậu mùa khỉ ở các quốc gia đã từng có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành trước đây. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, số ca được thống kê trong vùng đã có dịch đậu mùa khỉ trước đây (ở châu Phi) thường không đầy đủ bởi có thể có hàng ngàn ca "nghi nhiễm" chưa được xét nghiệm vì năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ của nhiều nước ở châu lục này còn rất hạn chế.

Các ca bệnh đã lan rộng đến 80 quốc gia trước đó chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ.

Tiến sĩ William Hanage, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Harvard, Mỹ, cảnh báo rằng virus đậu mùa khỉ hiện đang "lan rất rộng" và "không được kiểm soát" ở Mỹ. Điều đáng lo ngại là chúng có thể tấn công phụ nữ mang thai và trẻ em. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi diễn biến bệnh có thể nghiêm trọng nếu mắc đậu mùa khỉ.

Chưa đầy 1 tuần, Mỹ tăng gần 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Bản đồ phân bổ dịch đậu mùa khỉ trên thế giới. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ

Nhiều bang của Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về đậu mùa khỉ

Ngày 1/8, Thống đốc bang California của Mỹ, ông Gavin Newsom đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ tại bang này. Động thái trên nhằm tăng cường các nỗ lực tiêm chủng để ngăn chặn bệnh lây lan.

Trong thông báo, Văn phòng Thống đốc California cho biết phản ứng đối với bệnh đậu mùa khỉ của bang được xây dựng dựa trên các chương trình trong đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, Thống đốc bang Illinois của Mỹ, ông J.B.Prizker cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do bệnh đậu mùa khỉ nhằm "mở rộng các nguồn lực" cần thiết để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.

Trước đó, ngày 30/7, Thống đốc bang New York của Mỹ - bà Kathy Hochul cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp bang bởi sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.

Bà Hochul nêu rõ: "Tôi ban bố tình trạng khẩn cấp bang về dịch bệnh nhằm tăng cường các nỗ lực nhằm đối phó với sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Sắc lệnh này sẽ cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn, cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thêm những biện pháp bổ sung để giúp thêm nhiều người New York được tiêm vaccine."

Chỉ sau một tuần, số ca mắc đậu mùa khỉ đang tăng theo con số vài nghìn ca mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều ca tử vong bên ngoài châu Phi đã được ghi nhận.

Ngày 28/7, giới chức San Francisco đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố này, trong khi nguồn cung vaccine thiếu hụt.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền địa phương huy động thêm nguồn lực và nhân viên để đối phó với đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới nhất hiện nay.

Mỹ đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại bang Massachusetts vào ngày 20/5 vừa qua. Khoảng 5 ngày sau đó, bang California đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là một người vừa đi du lịch nước ngoài.

Mỹ tăng cường ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 2/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ định các quan chức hàng đầu của Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ phụ trách phối hợp công tác ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tại nước này.

Ông Robert Fenton - hiện là quan chức khu vực của Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang, cũng là người đã hỗ trợ các nỗ lực tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng vào tháng 2/2021 đã được bổ nhiệm làm điều phối viên của Nhà Trắng phụ trách công tác ứng phó bệnh đậu mùa khỉ.

Ông Demetre Daskalakis – hiện là trưởng bộ phận phòng ngừa HIV của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, làm phó điều phối viên.

Hai cơ quan này sẽ phối hợp về chiến lược và các hoạt động chống dịch đậu mùa khỉ hiện nay, bao gồm việc tăng cường xét nghiệm, tiêm phòng và chữa trị một cách công bằng.

Chưa đầy 1 tuần, Mỹ tăng gần 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ - Ảnh 3.

Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận 6.616 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: NBC News

Thử nghiệm xét nghiệm nhanh với bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 3/8, Bệnh viện truyền nhiễm Cotugno ở Naples, miền Nam Italy, đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên xét nghiệm máu nhanh với bệnh đậu mùa khỉ.

Đây là mẫu xét nghiệm nhanh, chỉ cần một giọt máu để tìm kiếm sự hiện diện 2 loại kháng thể trong máu: M đối với trường hợp đang mắc bệnh và G với trường hợp đã mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Thử nghiệm có hiệu quả ngay cả khi người đó đã từng mắc đậu mùa khỉ trước đây và giờ đã khỏi bệnh.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện truyền nhiễm Cotugno, ông Alessandro Parrella cho biết: Hiện Italy chưa có xét nghiệm nhanh được phê duyệt với bệnh đậu mùa khỉ. Chỉ có xét nghiệm nhanh của Trung Quốc nhưng chưa được Bộ Y tế nước này chấp thuận.

Ông Alessandro Parrella nhấn mạnh thông qua xét nghiệm này, có thể xác định virus có tồn tại hay một người đã được chủng ngừa.

Thử nghiệm xét nghiệm nhanh bệnh đậu mùa khỉ do Tiến sỹ Gaetano Cardinale cùng nhóm các nhà nghiên cứu tại Sannio Tech Consortium ở Benevento nghiên cứu và thử nghiệm thành công kỹ thuật chẩn đoán mới.

Thử nghiệm này được nghiên cứu và thực hiện trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ tại Ý đang không ngừng gia tăng. Theo số liệu được cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, hiện tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ của Italy là 505 trường hợp.

Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Theo đó, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế.