Ươm "mầm xanh" Trường Sa
Những "mầm xanh" mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là những em nhỏ ở Trường Sa – những "búp trên cành" đang được chăm lo tốt nhất để được vui đến trường, đến lớp như các bạn đồng trang lứa ở đất liền.
Giữa biển khơi sóng gió, tiếng trẻ ê a đọc bài trong một ngôi trường khang trang khiến nhiều người ngỡ như đang thăm một lớp học "đạt chuẩn" ngay giữa một đô thị sầm uất. Quần đảo Trường Sa hiện có 3 trường học ở các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa.
Mỗi trường có hai thầy giáo đảm nhận giảng dạy, chăm sóc cho trẻ mầm non và tiểu học. Dù xa đất liền, đời sống trên các đảo còn khó khăn nhưng điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn đủ đầy. Mỗi năm, các giáo viên ở huyện đảo Trường Sa đều có ngày nghỉ phép vào đất liền để thăm nhà và tập huấn các kiến thức chuyên ngành.
Đến thăm lớp học trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Công Qua - phụ trách lớp học có độ tuổi từ mầm non đến lớp 3. Trong câu chuyện giờ giải lao, chúng tôi được biết thầy Qua ra đây đã được 4 năm và càng ngày càng đam mê với sự nghiệp "gõ đầu trẻ" nơi đảo nhỏ tiền tiêu. Thầy Qua cũng như nhiều thầy giáo khác, trước khi được lựa chọn ra công tác tại huyện đảo Trường Sa đều là những người có chuyên môn tốt khi dạy ở đất liền. Trong hàng trăm lá đơn tình nguyện ra đảo, đơn của thầy được chấp thuận ngay từ lần gửi đầu tiên.
Thầy Qua đã kể câu chuyện về ngày đầu tiên đặt chân đến với xã đảo Sinh Tồn. Hôm đó, dù vẫn còn cảm giác say sóng, nhưng vừa thấy màu đỏ của mái trường, mùi thơm của sơn tường và cả mùi của bàn ghế gỗ, thầy đã cảm thấy khỏe trở lại, xắn tay áo vào dọn dẹp khu nhà ở và vệ sinh trường lớp. Bởi với thầy, được ra Trường Sa dạy học là niềm tự hào lớn.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống dạy và học nơi đảo xa, chúng tôi càng cảm phục hơn ý chí của những thầy giáo trẻ khi tình nguyện ra đảo. Giữa nắng gió biển trời, mênh mông biển khơi, trường đảo là nơi còn nhiều khó khăn, các thầy đã khắc phục và giúp học sinh ở đây đủ đầy chẳng kém gì ởđất liền. Không chỉ có trường lớp khang trang, bàn ghế sạch đẹp, sách bút đầy đủ, thầy trò còn cùng nhau xây dựng những góc học tập xanh mướt, tô điểm bằng những bức vẽ ngộ nghĩnh, những bài học dễ nhớ, dễ thuộc như các bạn trong đất liền đang học về an toàn giao thông, kiến thức lịch sử, địa lý, nhạc, hoạ…
Trẻ em ở các đảo đều ít có điều kiện giao tiếp xã hội, mối quan hệ của các em ngoài các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì chỉ gói gọn trong gia đình với bố mẹ, thầy và các bạn trong lớp. Vì thế các thầy đã cố gắng cập nhật kiến thức xã hội và chuyên môn nghiệp vụ, từ đó tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở đảo. Ví như hoạt động học tập ngoại khóa, giao lưu, vui chơi cùng các em để lớp học không còn bị bó buộc trong 4 bức tường, trong những quyển sách mà là lớp học ngoài trời, vừa học vừa trò chuyện, vận động trong các khu vui chơi dành riêng cho các em.
Cần nói thêm là đảo nào có trường học cũng đều có khu vui chơi cho trẻ em với thú nhún, cầu bập bênh có màu sắc bắt mắt và luôn được các cán bộ, chiến sĩ chăm chút sạch đẹp dưới những tán cây bàng vuông rợp mát. Tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, tôi gặp cô bé xinh xắn Ngọc Diệp. Mới học lớp 2 nhưng Ngọc Diệp đã rất hoạt bát, nhanh nhẹn và tự tin khi trò chuyện với các cô bác trong Đoàn công tác số 4 ra thăm đảo vào cuối tháng 4 vừa qua. Cô bé khoe bộ bút sáp, sách tô màu, truyện vừa nhận được và hào hứng nói : "Chúng cháu được nhận nhiều quà lắm, còn nhận được cả thư các bạn từ đất liền gửi ra, cả lớp cùng đọc vui lắm. Các bạn ấy vẽ tranh, làm bưu thiếp rất đẹp, còn làm thơ về Trường Sa rất hay nữa..." Ngọc Diệp còn dạy tôi đọc thuộc bài thơ: "Quê em ở Trường Sa": "Yêu lắm Trường Sa ơi/Cho em những nụ cười/ Yêu lắm chú bộ đội/ Dạyem hát em chơi/ Các bạn đất liền ơi/ Một lần ra đảo nhé/ Tự hào em sẽ kể/ Quê em ở Trường Sa...".
Khi thăm một lớp học ghép của Trường Tiểu học Song Tử Tây, ai cũng cảm nhận được lòng nhiệt huyết của thầy trò nơi đây. Trò học chăm chú, thầy thì luôn bước vội từ bàn này sang bàn khác để hướng dẫn các em học theo nội dung từng khối lớp khác nhau. Đến với phòng thiết bị đồ dùng dạy học, ai cũng ngạc nhiên bởi các thiết bị dạy học rất sáng tạo. Ngoài đảo, khí hậu khắc nghiệt, các đồ dùng dạy học từ đất liền gửi ra rất nhanh hỏng do hơi nước muối. Các thầy tự mày mò rồi sáng tạo đồ dùng dạy học nên mới có những vỏ thùng thành bảng tính, mỗi con ốc là một viên đếm, vỏ ốc to thành chậu trồng cây xanh trang trí lớp…
Nhưng vượt lên trên hết thảy khó khăn, cả thầy và trò đều như là người thân của nhautrong một gia đình lớn. Những "mầm xanh" trẻ thơ các đảo, điểm đảo được các thầy giáo, cán bộ, chiến sĩ chăm lo đủ đầy như vậy thì ở quê nhà, hậu phương của các anh cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng đội cũng như toàn xã hội.
Trên đảo An Bang, Đại úy Lê Duy Hồng, sinh năm 1984, nhà ở phường Phú Lương (quận Hà Đông – Hà Nội) biết tôi là đồng hương đã cùng đến trò chuyện vui vẻ. Tính đến nay, Đại úy Lê Duy Hồng đã có thâm niên 9 năm công tác ở Trường Sa, in dấu chân trên 8 hòn đảo lớn, nhỏ của vùng biển thiêng liêng này. Làm lính thông tin là phải bảo đảm "mạch máu ngầm" luôn được nhanh chóng, kịp thời, an toàn và bí mật, vì thế Hồng luôn khép mình vào kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đại úy Lê Duy Hồng chia sẻ: "Tôi có 2 con nhỏ, một cháu 4 tuổi và đứa nhỏ mới đầy năm. Mỗi năm được về phép một lần gặp con nhưng tôi hoàn toàn yên tâm công tác,vì phía sau đã có cả một bầu trời hậu phương vững chắc. Dịp lễ Tết gia đình tôi luôn có đồng đội, chính quyền địa phương và các anh chị ở Bộ Tưlệnh Thủ đô đến thăm, tặng quà, động viên, gia đình có công việc gì cũngluôn được ưu tiên giải quyết nên tôi vững dạ lắm... ".
Ở Âu tàu đảo Sinh Tồn, tôi gặp anh Nguyễn Văn Khánh quê Thanh Hoá, cũng là người có thâm niên lâu nhất, 32 năm tuổi quân và nhiều năm gắn bó với tàu thuyền trên quần đảo Trường Sa. Công việc của một người "lính thợ" luôn ứng trực để sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân, làm công tác cứu hộ cứu nạn bất kể giờ giấc, anh hoàn toàn yên tâm giao "việc nhà" cho người vợ đảm. Hai con anh cũng được quan tâm học hành đến nơi đến chốn.
Để có một Trường Sa như ngày hôm nay, đã có công sức "trồng người", nâng niu mầm xanh của cả đảo xa và đất liền. Đó chính là thế hệ trẻ tiếp bước cha anh gìn giữ chủ quyền non sông để Tổ quốc mãi trường tồn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google