Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận trách nhiệm về buông lỏng giám sát đầu tư hạ tầng đô thị
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của UBND thành phố, các sở ngành tham mưu trong việc buông lỏng giám sát quá trình đầu tư, sau đầu tư về các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Chiều 14/10, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát cho thấy, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... trên địa bàn thành phố chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cần có tiêu chí riêng về giáo dục cho các quận dựa trên mật độ dân cư
Giải trình một số vấn đề đại biểu HĐND thành phố và dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quá trình phát triển đô thị diễn ra sau thời kỳ đổi mới, đến nay đã trải qua nhiều thời kỳ, nhiều chính sách, nhiều luật, quy định... Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều tồn tại.
Chủ tịch Thanh Trần Sỹ Thanh giải trình: "Câu chuyện bàn giao đất hạ tầng xã hội lại cho nhà nước, có thời kỳ bàn giao không phải trả tiền, còn bây giờ bàn giao thì Nhà nước phải trả tiền cho nhà đầu tư vì họ đã bỏ tiền, bản chất đã mua quyền sử dụng ô đất đó và đầu tư hạ tầng, chứ không phải Nhà nước đè ngửa ra lấy không của nhà đầu tư được. Thậm chí có chậm thì chỉ phạt thôi chứ không lấy không được".
Chủ tịch Hà Nội đề cập việc 7 ô đất trong quy hoạch bị bỏ hoang ở quận Hoàng Mai, đồng thời cho biết, doanh nghiệp đã tự nguyện trả lại. Trong 7 ô đất quy hoạch xây trường học, 1 ô đang triển khai. "Còn 6 ô, sau khi tôi trực tiếp làm việc thì họ tình nguyện trả lại 4 ô với điều kiện nhà nước phải đầu tư, 2 ô để họ làm".
Hiện nay, chưa một đô thị nào ở Việt Nam quyết toán được mức đầu tư của nhà đầu tư. Khi đầu tư không quyết toán được thì không có căn cứ tính giá để bàn giao. Việc quản lý rất khó vì vi phạm Luật tài sản công. Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ sớm giải quyết các vụ việc tương tự như ở Hoàng Mai để phục vụ nhu cầu dân sinh sớm nhất, đặc biệt là về nhu cầu trường học và bãi đỗ xe.
"Người dân muốn được vào trường công vì tin tưởng hơn, chi phí ổn định hơn. Một lượng vào đông quá buộc phải bốc thăm cho công bằng. Chắc là do chúng tôi làm công tác truyền thông không tốt nên báo chí đưa lên trở thành vấn đề quá nóng", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.
"Giả sử 7 ô đất vướng mắc đấy, nếu để nhà đầu tư xây thì cũng chỉ là trường tư thôi", ông Thanh nói. Hà Nội hiện đã khác biệt với các địa phương khác, Hoàng Mai thì khác biệt với các quận, huyện của thành phố về mật độ dân cư. Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xin tiêu chí riêng vể giáo dục cho Hoàng Mai và một số quận tương tự về tỷ lệ trường công, tư để có kế hoạch đầu tư, thậm chí điều chỉnh quy hoạch hệ thống trường.
Chủ tịch Hà Nội thừa nhận buông lỏng giám sát đầu tư
Về vấn đề cơ sở hạ tầng khác tại các khu đô thị, thành phố Hà Nội đã lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm Trưởng ban, quyết tâm "trong năm 2023 làm sống lại các công viên của Hà Nội, và người dân được hưởng lợi công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các phúc lợi đó".
"Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ thì chúng tôi sẽ mở ra một số mô hình, phương thức mới về đầu tư công viên, cây xanh. Có thể đầu tư tư nhân nhưng mà nhân dân hưởng lợi chứ không phải bán vé hay đủ thứ gây cản trở như hàng rào làm người dân không được hưởng lợi", ông Thanh nói.
Chủ tịch thành phố thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của UBND thành phố, các sở ngành tham mưu trong việc buông lỏng giám sát quá trình đầu tư, sau đầu tư. "Có buông lỏng nó mới thế. Cái này chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước các đồng chí lãnh đạo của thành phố", ông Thanh nói, đồng thời cho biết, sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện, HĐND tiếp tục giám sát.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho rằng, có những việc 10 năm, 20 năm không thể giải quyết xong ngay. Cần phải xem xét hài hoà lợi ích các bên và mang lại lợi ích cho cộng đồng, tránh thiệt hại mới là bài toán chấp nhận được. Trách nhiệm của UBND thành phố là làm sao đồng bộ hoá được các khâu đầu tư, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước, đầu tư của xã hội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google