Cho học sinh đọc truyện "18+": Chưa kịp "rực rỡ" đã lụi tàn tâm hồn

Ly Hương
06:00 - 09/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan quản lý gửi văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Hội Nhà văn thẩm định lại cuốn "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vuong. Một số giáo viên cũng bày tỏ quan điểm về việc Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) cho học sinh đọc truyện "18+".

Cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn - của tác giả Ocean Vuong.

Cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn - của tác giả Ocean Vuong.

Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 3/5 đăng tải bài viết "Phát sách tả cảnh "giường chiếu" cho học sinh, trường quốc tế gấp rút thu hồi.

Phân biệt giữa tác phẩm văn học thông thường với học liệu nhà trường

Nội dung bài báo cho biết, một vị phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Trước kì nghỉ lễ 30/4-1/5, một cô giáo Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) đã phát cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" cho học sinh về nhà đọc. 

Vị phụ huynh bàng hoàng khi thấy cuốn sách này có nhiều trang miêu tả chuyện "giường chiếu" với ngôn từ tục tĩu, đồi truỵ.

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu ISHCMC nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên (tùy theo mức độ vụ việc) vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của trường dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm.

Chia sẻ về việc ISHCMC cho học sinh đọc truyện 18+, cựu nhà giáo Nguyễn Trọng Bình ở An Giang nêu quan điểm, học sinh chưa qua 18 tuổi nghĩa là các em đang chịu sự giám sát, bảo hộ từ người lớn.

Vậy nên, một người mẹ phản đối việc nhà trường cho con họ đọc quyển sách có những trang miêu tả cận cảnh chuyện quan hệ tình dục đồng giới (nội dung một số trang sách trong cuốn "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" là hoàn toàn chính đáng (ít ra là với góc nhìn của họ).

"Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" đã phải là tác phẩm văn học "rực rỡ" chưa?

Tuy nhiên, phụ huynh này còn cho rằng đó là quyển sách khiêu dâm. Điều này đúng không? Nói như thế có thuyết phục và áp đặt không? Vậy thì vấn đề đặt ra và cần thảo luận, trao đổi ở đây là gì? Theo ông Bình, có hai vấn đề quan trọng cần tập trung trao đổi thảo luận:

Thứ nhất, các nhà nghiên cứu văn học cần phân tích, lập luận để khẳng định "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" không phải là sách khiêu dâm.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu về văn hóa, giáo dục, tâm lý... cần làm rõ việc để cho học sinh lớp 11 (16 tuổi) đọc quyển sách có những chi tiết miêu tả tình dục như thế liệu có phù hợp với tâm lý lứa tuổi không? Nhất là trong bối cảnh văn hóa, xã hội hôm nay?

Nói khác đi, nên hay không nên cho các em học sinh phổ thông đọc cuốn sách này khi các em chưa qua 18 tuổi? Hay là để sau này các em trưởng thành hơn rồi hãy đọc vẫn là chưa muộn có được không? Nếu cho các em đọc lúc này thì các thầy cô giáo cần có sự chuẩn bị gì để định hướng, dẫn dắt các em?

Nói thêm, trong bối cảnh thế giới người lớn còn có những quan điểm khác nhau, từ góc nhìn "tất cả vì học sinh thân yêu" (ở đây là sự phát triển lành mạnh khi các em chưa qua 18 tuổi được pháp luật bảo hộ tuyệt đối) thì việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường thu hồi sách đã phát cho học sinh, theo ông Bình là phù hợp và cần thiết.

Vì trong khi cuộc tranh luận, thảo luận giữa những người lớn về những chi tiết nhạy cảm trong quyển sách còn chưa ngã ngũ thì không thể để bọn trẻ tự bơi mà không có động thái gì.

Có ý kiến so sánh chi tiết quan hệ tình dục đồng giới trong "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" với chi tiết giết người hay tự tử trong các tác phẩm "Chí Phèo", "Lão Hạc" (Nam Cao) là khiên cưỡng và đánh tráo vấn đề trong khi lập luận.

Việc Chí Phèo giết Bá Kiến là hành động được thôi thúc bởi động cơ trả thù sâu xa của những con người thấp cổ bé miệng bị áp bức trong xã hội cũ. Việc tự kết liễu bản thân của Lão Hạc cũng có động cơ sâu xa: một người cha thương con; một người đàn ông giàu lòng tự trọng thà chết chứ không đánh mất phẩm cách làm người.

Còn quan hệ tình dục đồng giới trong tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" là vấn đề mang tính bản năng của con người đang đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội hôm nay.

Quan hệ tình dục của con người là hành vi phổ biến còn giết người hay tự tử thì ngược lại. Nội dung, ý nghĩa thông điệp qua các chi tiết ở mỗi tác phẩm là hoàn toàn khác nhau. Việc so sánh như thế không những khập khiễng mà còn rất ngô nghê, dung tục.

Trong cái nhìn liên ngành và nhất là với quan điểm dạy học tích hợp thì việc thảo luận về chức năng định hướng và giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh thông qua ý nghĩa của tác phẩm văn chương là vấn đề rất quan trọng, không thể lơ là.

Vì lẽ đó, chi tiết miêu tả quan hệ tình dục đồng giới trong tác phẩm này cần được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh một cách nghiêm túc và thấu đáo.

Đặc biệt, nếu cho rằng đó là những tiết quan trọng, là những "tín hiệu thẩm mỹ" góp phần làm nên ý nghĩa, thông điệp độc đáo, nhân văn của tác phẩm thì hẳn nhiên những chi tiết ấy sẽ in sâu vào tâm thức của bạn đọc.

Từ đây, việc để cho các em học sinh đang ở tuổi vị thành niên tiếp xúc quá sớm với những chi tiết như thế liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý các em sau này là vấn đề không thể chủ quan, xem thường.

Nên nhớ một tác phẩm hay, xuất sắc nhưng có phù hợp với tâm lý lứa tuổi để các em học sinh tiếp nhận hay không là hai vấn đề rất khác nhau.

Nhiều người cho rằng không nên áp đặt quan điểm lên bọn trẻ, cần phải trao đổi, đối thoại với nhau nhưng xem ra sự diễn giải về tác phẩm này (nhất là với 5 trang miêu tả tình dục đồng giới được phụ huynh chia sẻ) từ góc độ của những con người từng trải so với các em học sinh lớp 11 hầu hết chưa trải sự đời liệu rằng cũng là một sự áp đặt? Như thế có thỏa đáng và mâu thuẫn không?

Cách phân tích và diễn giải quan hệ đồng giới trong tác phẩm này là hành trình đi tìm "bản ngã" hay "cảnh giường chiếu đâu chỉ là cảnh giường chiếu" mà có tính ẩn dụ... suy cho cùng cũng là góc nhìn chủ quan của thế giới người lớn từng trải với những quan niệm lẫn kinh nghiệm về tình dục, tình trường phóng khoáng, phong phú... Bọn trẻ chưa qua 18 tuổi khi tiếp cận những trang văn ấy hẳn sẽ có suy nghĩ khác.

Đồng quan điểm, một giảng viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, điều cần bàn là các cảnh tình dục trực diện trong "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" (miêu tả rất táo bạo, dùng hẳn những từ thô tục hằng ngày còn ngại nói) có tương thích với các chuẩn đầu ra và các mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục không thì chưa ai bàn.

Cũng không ai nói gì đến việc liệu các em học sinh 17 tuổi có thể đọc hiểu sâu rộng giống các bài viết (phê bình văn học) trên mạng không. Làm sao để học sinh hiểu nó là nhân văn nhân bản sâu sắc, đọc kiểu văn học chứ không phải đọc kiểu thô thiển đời thường. Liệu các em có đủ kinh nghiệm thẩm mĩ để nhận ra là "văn" chứ không phải "dâm"?

Thiết nghĩ, không phải cứ muốn là cho học sinh đọc truyện "18+". Đừng để học sinh chưa kịp "rực rỡ" thì đã tàn lụi tâm hồn vì những trang văn dung tục.