Chính sách "giữ chân" sinh viên quốc tế của Phần Lan
Để thực hiện tham vọng trở thành siêu cường về công nghệ, các trường đại học ở Phần Lan có nhiệm vụ tăng cường thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế.
Lý do Phần Lan muốn giữ chân du học sinh quốc tế
Mặc dù là một quốc gia nằm ở vùng Bắc Âu xa xôi, nhưng Phần Lan luôn tham vọng sẽ trở thành siêu cường về khoa học thông qua việc phát triển các trung tâm nghiên cứu. Để đạt được tham vọng này, việc giữ chân những du học sinh quốc tế tiềm năng sau khi tốt nghiệp tiếp tục ở lại làm việc tại Phần Lan được chính phủ nước này coi trọng.
Phần Lan không phải là quốc gia duy nhất săn lùng nhân tài. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện có thị trường lao động ổn định và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Trong bối cảnh này, các quốc gia khác cũng đang cạnh tranh để thu hút lao động nước ngoài có kỹ năng cao.
Chính sách thu hút và giữ chân du học sinh của Phần Lan
Theo lộ trình giáo dục và nhập cư của Phần Lan được công bố vào năm 2021 thì quốc gia này sẽ xây dựng các chính sách nhằm thu hút lao động lành nghề, sinh viên và sinh viên tốt nghiệp.
Dưới thời cựu Thủ tướng Sanna Marin, Phần Lan đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng gấp ba số lượng sinh viên quốc tế và để 75% số sinh viên đó tiếp tục ở lại và làm việc tại nước này.
Chuyên gia giáo dục Hanna Isoranta cho rằng, trước đây Hà Lan chỉ nói về sự thu hút du học sinh quốc tế, nhưng giờ đây ngoài thu hút, chính phủ nước này còn đang hướng tới việc giữ chân nhân tài.
Theo đó, Chính phủ Phần Lan gần đây đã cam kết chi 4% GDP cho nghiên cứu và phát triển khoa học. Tuy nhiên, với dân số 5,5 triệu người, việc hiện thực hóa mục tiêu trên cần dựa vào khả năng thu hút nhân tài toàn cầu, trong đó có cả sinh viên quốc tế. Trước tình hình này, các trường đại học tại Phần Lan có nhiệm vụ đẩy mạnh giáo dục quốc tế.
Khoảng 20.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại 25 cơ sở giáo dục Phần Lan. Trước đây, việc khuyến khích nhóm này ở lại sau khi tốt nghiệp là thách thức không nhỏ. Một phần nguyên nhân là do các yêu cầu thị thực tương đối phức tạp.
Nhưng vào năm 2022, Phần Lan đã đơn giản hóa quy định về giấy phép cư trú và gia hạn giấy phép tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, từ đó cho phép sinh viên quốc tế ở lại nước này 2 năm sau khi tốt nghiệp.
Quy định trên đã trở thành yếu tố hấp dẫn, thu hút sinh viên quốc tế đến Phần Lan du học. Đơn cử, sau khi quy định được ban hành vào năm 2022, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký vào Phần Lan tăng từ 32.000 vào năm 2022 lên đến 61.000 người vào năm 2023.
Rào cản trong việc giữ chân du học sinh ở lại Phần Lan
Tuy đã có chính sách mới nhưng việc giữ chân sinh viên quốc tế nhằm đáp ứng mục tiêu công nghệ khoa học quốc gia của Phần Lan vẫn đối mặt với những thách thức lớn.
Ngôn ngữ là rào cản đầu tiên đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn ở lại Phần Lan làm việc. Trong khi chỉ các công ty có quy mô lớn mới sử dụng tiếng Anh thì phần lớn người dân nước này giao tiếp bằng tiếng Phần Lan - một ngôn ngữ được đánh giá là khó học.
Ông Yuri Birjulin, cố vấn về các vấn đề quốc tế và vận động chính sách của EU tại Hiệp hội Sinh viên đại học quốc gia Phần Lan, cho biết: "Phần Lan không phải quốc gia dễ hòa nhập. Bởi ngôn ngữ là rào cản lớn nhất đối với sinh viên quốc tế khi du học tại đây. Vậy nên, để có thể tham gia vào thị trường lao động, sinh viên quốc tế sẽ phải học tiếng Phần Lan, thậm chí là tiếng Thuỵ Điển vì đây cũng là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở Phần Lan".
Trong khi rào cản ngôn ngữ có thể nới lỏng, chi phí học tập ở Phần Lan cũng đang là trở ngại lớn đối với sinh viên quốc tế tiềm năng. Theo các chính sách mới được Chính phủ Phần Lan công bố hồi tháng 6, sinh viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải trả học phí cao hơn.
Chuyên gia tại các trường đại học ở Phần Lan đánh giá quy định trên sẽ gây ra tác động tiêu cực đến cơ hội thu hút và đào tạo sinh viên quốc tế. Vì vậy, họ hy vọng chế độ đãi ngộ làm việc sẽ mở rộng nhằm cân bằng với chi phí học tập ngày càng tăng ở Phần Lan.
Song, các trường đại học Phần Lan nhấn mạnh, đóng góp vào thị trường lao động chỉ là một trong những mục tiêu của ngành Giáo dục nước này khi thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế.
Ông Yuri Birjulin cho biết: "Chúng tôi không muốn xem sinh viên như công cụ để cải thiện vấn đề nhân khẩu học quốc gia. Bản thân sinh viên đã là tài sản quý báu, bất kể đất nước có thiếu lao động lành nghề hay không".
Cùng quan điểm này, ông Markus Laitinen, người đứng đầu Các vấn đề quốc tế tại Đại học Helsinki, khẳng định không giống như Australia hay Vương quốc Anh, Phần Lan không thu hút sinh viên quốc tế để giải quyết vấn đề tài chính.
"Chúng tôi không coi sinh viên như những "con bò sữa". Chúng tôi thu hút sinh viên quốc tế như một khía cạnh để gia tăng sự đa dạng trong lớp học", ông Laitinen cho hay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google