Chính sách đổi mới khoa học - công nghệ của Hàn Quốc: Từ "rượt đuổi" thành "dẫn đầu"

10:43 - 29/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chính sách đổi mới khoa học - công nghệ hướng đến mục tiêu đưa Hàn Quốc từ một quốc gia "rượt đuổi" về khoa học - công nghệ thành một trong 5 quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao và một trong 7 cường quốc không gian vào năm 2035.

Chính sách đổi mới khoa học - công nghệ của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Từ thập niên 1980, Hàn Quốc đã chọn tập trung vào công nghệ thông tin để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Kinh tế và Dự báo

Chính sách đổi mới khoa học - công nghệ của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hướng đến mục tiêu đưa Hàn Quốc từ một quốc gia "rượt đuổi" về khoa học - công nghệ thành một trong 5 quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao và một trong 7 cường quốc không gian vào năm 2035. 

Đánh giá về chủ trương này, Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Yeungja Bae thuộc Đại học Konkuk đã có bài viết với nội dung như sau:

Tranh giành quyền bá chủ công nghệ Mỹ - Trung và những thay đổi trong môi trường đổi mới toàn cầu

Chính phủ mới ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc, cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra quyết liệt và tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn. Khi khoa học  - công nghệ được coi là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cũng như tài sản ngoại giao quan trọng đối với an ninh quốc gia, chính sách khoa học-công nghệ được quan tâm hơn bao giờ hết. Các chính phủ tiền nhiệm ở Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để tăng cường khả năng đổi mới khoa học - công nghệ của nước này. Chính vì thế, chính phủ mới cần tìm kiếm và thiết lập các chính sách khoa học - công nghệ phù hợp trong bối cảnh môi trường cho đổi mới khoa học - công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

Trong vài thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế và khả năng đổi mới công nghệ của Hàn Quốc đã được củng cố trong trật tự thương mại tự do và hệ thống đổi mới toàn cầu mở do Mỹ dẫn đầu. Trong bối cảnh dòng vốn, hàng hóa và nhân lực có thể dịch chuyển một cách tự do, hàng hóa được xuất khẩu, nhân lực được đào tạo và các kỹ năng khác được thu nạp. Dưới thời Chính quyền Donald Trump, xung đột Mỹ - Trung về các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, 5G và trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng. Việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế cạnh tranh đã ảnh hưởng đến dòng hàng hóa, vốn và nhân lực mà trước đó có thể tự do di chuyển qua biên giới quốc gia theo logic thị trường.

Khi cách tiếp cận địa chính trị đối với thương mại, đầu tư, sản xuất và đổi mới giữ vai trò chi phối và khoa học - công nghệ nổi lên như một nhân tố chính trong địa chính trị, Chính phủ Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải cân nhắc yếu tố này trong chính sách đổi mới khoa học - công nghệ của mình. Các chính sách đổi mới khoa học-công nghệ hiện hành, được thực hiện dựa trên logic thị trường tự do và cởi mở, cần phải được rà soát và tích hợp trong khuôn khổ các quan điểm về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng và an ninh mới.

Phối hợp an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng đổi mới khoa học - công nghệ

Các vấn đề kinh tế và an ninh trở nên nổi cộm trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt và dịch bệnh tiếp tục lây lan. Trước đây, an ninh kinh tế được hiểu là nhu cầu hỗ trợ sinh kế cho tầng lớp thu nhập thấp nhằm ổn định trật tự xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế – nền tảng chính của an ninh quốc gia. Hiện tại, khi cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung và cuộc chiến Ukraine vẫn đang tiếp diễn, an ninh kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sự ổn định của chuỗi cung ứng và việc kiểm soát xuất khẩu. Khi Mỹ tích cực áp dụng các chính sách kinh tế và an ninh nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga, các quốc gia còn lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện những hành động tương ứng.

Nhìn chung, các vấn đề kinh tế và an ninh ngày càng phức tạp. Trong khi đó, các lĩnh vực khác nhau như chuỗi cung ứng, công nghệ, thương mại, đầu tư, quốc phòng mạng, đối ngoại và y tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trên quan điểm an ninh quốc gia. Với Mỹ, các vấn đề kinh tế và an ninh lớn bao gồm các hạn chế đối với hoạt động mua bán và sáp nhập của các công ty công nghệ cao trong nước, hoạt động xuất khẩu công nghệ cao và hoạt động trao đổi chuyên gia nghiên cứu, cũng như sự cần thiết của việc đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng cho các ngành chiến lược như thiết bị bán dẫn, việc tăng đầu tư vào công nghệ cao trong nước và việc củng cố các liên minh công nghệ và giá trị. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Mỹ còn đưa nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau – không chỉ các công nghệ liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp vũ khí và quốc phòng, mà cả các công nghệ cơ bản và mới nổi có tác động đến an ninh quốc gia – vào các quy định về an ninh quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol có kế hoạch xây dựng một cơ quan quản lý hàng không vũ trụ giống như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) ở Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang, để củng cố vị thế của đất nước trong cuộc chạy đua không gian.

Bằng cách tái cơ cấu quản trị hàng không vũ trụ và thành lập một cụm công nghiệp vũ trụ ở Sacheon, Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ và thực thi các chính sách để thúc đẩy đất nước gia nhập hàng ngũ của 7 cường quốc không gian, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nguồn: koreatimes

Trên quan điểm an ninh kinh tế, Hàn Quốc cũng cần xác định mối quan hệ giữa chuỗi cung ứng - sản xuất với việc đổi mới các sản phẩm công nghệ chủ chốt, tìm kiếm và điều chỉnh những bộ phận có thể được bổ sung và thay thế bằng công nghệ trong nước. Hàn Quốc đã nhiều lần trải qua sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, không chỉ trong trường hợp do bên thứ ba gây ra như việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu bán dẫn và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu hóa chất ure. Kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 cho thấy các vấn đề y tế trong trường hợp khẩn cấp có thể là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng. 

Trong bối cảnh mọi thứ trong nước không thể mua sắm, hợp tác quốc tế là nhu cầu tất yếu trong quá trình sản xuất và đổi mới nhằm đảm bảo an ninh kinh tế. Tuy nhiên, sự hợp tác xuyên biên giới cần được điều phối một cách có chiến lược. Mặc dù việc lựa chọn các giao dịch hiệu quả nhất dựa trên logic thị trường là điều quan trọng, nhưng vẫn cần phải xem xét các rủi ro ngắn hạn và dài hạn trong giao dịch một cách toàn diện – nghĩa là cần phải xem xét cả từ khía cạnh đối ngoại và an ninh – và cần phải điều chỉnh chuỗi cung ứng cũng như hiệu chỉnh các chính sách thương mại - đầu tư một cách thích hợp. Cần xây dựng một chính sách đổi mới khoa học - công nghệ phù hợp trên cơ sở xem xét một cách tổng hợp các chi phí kinh tế và các quan điểm ngoại giao - an ninh trong toàn bộ quá trình sản xuất, đổi mới và mua bán các sản phẩm công nghệ.

Tăng cường quy mô đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ trong thời kỳ bất ổn

Cho đến nay, nghiên cứu đổi mới khoa học - công nghệ chủ yếu tập trung theo các thể chế và chủ trương chính sách trong nước. Tuy nhiên gần đây, nhiều người cho rằng môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu mới là mối đe dọa an ninh và coi đó là nhân tố chính thúc đẩy đổi mới công nghệ. Quan điểm này xuất phát từ việc quá trình và kết quả đổi mới công nghệ không trung lập về mặt chính trị và bị chi phối bởi các nguồn ngân sách hay chính sách đổi mới công nghệ. Khi nhận thức về các mối đe dọa an ninh được chia sẻ rộng khắp, nhu cầu đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức đó được nhấn mạnh, các thỏa thuận được thực hiện tương đối dễ dàng và đầu tư nhanh chóng được thực hiện.  

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng bản thân các mối đe dọa từ bên ngoài không trực tiếp quyết định việc đổi mới công nghệ. Và nếu có sự tranh cãi hoặc phản ứng trong nước đối với việc đổi mới công nghệ do nhận thức về các mối đe dọa từ bên ngoài chưa đầy đủ, thì khó có thể tập trung nguồn lực cho nhu cầu này. Ví dụ, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik đầu tiên vào không gian, Mỹ đã lo ngại tới mức quyết định đầu tư một số tiền khổng lồ để thành lập NASA và đặt nền móng cho sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ở thời điểm bình thường, sẽ có nhiều cuộc tranh cãi về việc thành lập một viện nghiên cứu quy mô lớn như NASA. Tuy nhiên khi đó, nhận thức chung về mối đe dọa từ Liên Xô đã tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ Mỹ đổi mới công nghệ vũ trụ một cách mạnh mẽ.

Hiện tại, thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn. Trong lúc cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, công nghệ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị thế kinh tế - chính trị toàn cầu của một nước – vốn được xem là nền tảng cốt lõi cho sức mạnh quốc gia. Vì thế, nhiều quốc gia đang mở rộng quy mô đầu tư vào việc phát triển khoa học - công nghệ. Đặc biệt, khi tốc độ đổi mới công nghệ hỗ trợ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tăng nhanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng như nền kinh tế dữ liệu tiến triển mạnh, việc đầu tư lớn vào các công nghệ mới đã mở ra một mô hình kinh tế mới. 

Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị các dự luật về cạnh tranh trong hoạt động sáng tạo và Luật cạnh tranh của Mỹ nhằm nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và duy trì khoảng cách công nghệ với Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào khoa học cơ bản, sản xuất chất bán dẫn, truyền thông và các lĩnh vực khoa học  -kỹ thuật khác. Thông qua Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc đã nhấn mạnh và ủng hộ sự phát triển và độc lập về công nghệ, do đổi mới công nghệ cao là nội dung cốt lõi của chiến lược quốc gia.

Tại Hàn Quốc, các biện pháp hỗ trợ như dự luật đặc biệt nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chiến lược trọng điểm quốc gia đang được thảo luận, nhưng xét về cường độ và quy mô đầu tư, cũng như mức độ quan tâm của nước này còn kém xa so với Mỹ và Trung Quốc. Điều này được cho là do đổi mới công nghệ vẫn chỉ được coi là một vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và chưa được mở rộng đến cấp độ an ninh đối ngoại hoặc chiến lược quốc gia, đồng thời do đổi mới công nghệ và an ninh ngoại giao chưa có sự phối hợp ăn ý với nhau.

Trường hợp của chất bán dẫn cho thấy công nghệ đã trở thành tài sản ngoại giao quan trọng nhất trong cấu trúc nền kinh tế - chính trị toàn cầu của Hàn Quốc và công nghệ tiên tiến sẽ tiếp tục là cơ sở để đánh giá sức mạnh quốc gia của nước này. Về mặt này, đổi mới công nghệ chắc chắn là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh và đối ngoại của Hàn Quốc. 

Từ quan điểm công nghệ, điểm cốt lõi trong chiến lược ứng phó của Hàn Quốc đối với cuộc cạnh tranh giành bá quyền công nghệ Mỹ - Trung không nên chỉ nằm ở việc chọn bên, mà cần hướng đến việc xác định những công nghệ mà Hàn Quốc có thể tiếp tục giới thiệu ra thị trường toàn cầu và những công nghệ mà Hàn Quốc có thể dựa vào đó để xây dựng tương lai của mình. Ví dụ, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thống trị lĩnh vực chất bán dẫn, song câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Giai đoạn hậu chất bán dẫn sẽ thế nào? Và làm thế nào để tìm kiếm công nghệ mới và thiết lập chiến lược đối với những thách thức từ công nghệ mới?

Chính phủ đương nhiệm ở Hàn Quốc đã cam kết đưa khoa học - công nghệ phát triển thành lĩnh vực dẫn đầu trong tương lai. Theo đó, các công nghệ mới cần được lựa chọn cẩn thận; việc hỗ trợ quá trình nghiên cứu có thể kéo dài tới 10 năm và tiến hành song song với việc tách nghiên cứu khoa học khỏi chính trị, không để chính trị can thiệp vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hàn Quốc cần chuẩn bị một chiến lược quốc gia kết hợp đổi mới khoa học-công nghệ với các lĩnh vực ngoại giao và an ninh trong bối cảnh các công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, đang phát triển và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung giành quyền bá chủ gây bất ổn cho các hoạt động sáng tạo.

Ngoại giao khoa học - công nghệ và hợp tác điều phối

Theo truyền thống, khoa học - công nghệ, ngoại giao và an ninh luôn song hành với nhau cho dù mỗi lĩnh vực đều phát triển một cách độc lập. Ví dụ, sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc ở các nước châu Âu và việc hình thành các thuộc địa ở châu Phi vào thế kỷ XIX đã trở nên khả thi nhờ việc phát minh động cơ hơi nước có khả năng đi sâu vào vùng đất thuộc địa và việc bào chế thành công thuốc trị sốt rét Quinin. 

Bước vào thế kỷ XXI, mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ và ngoại giao ngày càng được mở rộng. Ngoại giao khoa học - công nghệ đang được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu và phát triển quốc tế, hoạt động phối hợp giữa các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế và ngoại giao cộng đồng khoa học - công nghệ. Hiện nay, cùng với những tiến triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc xung đột giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, và ngoại giao khoa học - công nghệ đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, khi khoa học - công nghệ, chẳng hạn như công nghệ khí hậu, công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường, vaccine và phương pháp điều trị, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức chung của nhân loại trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và ngoại giao giữa các nước lại gia tăng mạnh mẽ.

Vấn đề nổi cộm trong phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học tiên tiến là sự thừa nhận và phản ứng với những thách thức liên quan đến nền văn minh do những công nghệ này gây ra đã bị lu mờ, và các bên chỉ tập trung vào việc dùng công nghệ để vượt qua đối thủ. Vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực ngày càng có nhiều rủi ro trong việc thiết lập các mặt bằng phát triển. Trong trường hợp này, nhiều khả năng chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung sẽ thuộc về công nghệ đã đẩy lùi con người, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc.

Hợp tác quốc tế trong quá trình xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh từ công nghệ tiên tiến như robot sát thủ phụ trách an ninh quốc gia, robot trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, các tổ hợp máy móc mô phỏng chức năng của con người và không giản ảo là điều cần thiết. Trong quá trình tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cần chú ý đến quá trình thiết lập và hình thành các chuẩn mục quốc tế về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thay vì chọn bên, Hàn Quốc cần quan tâm đến việc đóng góp vào các chiến lược, phương án và đối sách giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng và phối hợp ngoại giao với các quốc gia tầm trung có những mối quan tâm tương tự.

Chính phủ mới dự kiến sẽ đưa ra nhiều chính sách khác nhau và tìm cách tái cơ cấu tổ chức để giải quyết các vấn đề an ninh kinh tế và ngoại giao khoa học - công nghệ mà các bộ ngành không thể tự mình xử lý. Tất cả những thách thức hiện nay phải được tiếp cận và giải quyết từ góc độ tổng thể, bao gồm các vấn đề kinh tế, công nghệ, đối ngoại, an ninh và y tế. Sự thành công của chính sách khoa học-công nghệ của chính phủ mới phụ thuộc vào việc chính sách đó có được thực hiện một cách quyết liệt và toàn diện thông qua sự hợp tác và phối hợp giữa các bộ ngành hay không. Sự hợp tác hoặc phối hợp này là điều cần thiết đối với các vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành. Do đó, cần phải tìm ra một cơ chế quản trị có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.

Hợp tác khoa học - công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc hiện nay, bạn đọc có thể xem tại đây.
Nguồn: TTXVN