Chính phủ Nhật Bản sẽ đầu tư 1.000 tỉ yên để phát triển nhân lực

10:51 - 29/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có bài phát biểu về chính sách trong phiên họp Quốc hội bất thường tuần tới, trong đó sẽ công bố kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ yên (6,7 tỉ USD) trong vòng 5 năm nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các ngành tăng trưởng.

Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành tăng trưởng

Trong bài phát biểu về chính sách tại phiên họp Quốc hội bất thường tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ yên (6,7 tỉ USD) trong vòng 5 năm. Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng lương cho các nhân viên y tế và an sinh xã hội trong khu vực công, phù hợp với mức tăng thu nhập trong khu vực tư nhân. 

Các nỗ lực sẽ tập trung tăng đầu tư trong cả khu vực công và tư nhân trong những lĩnh vực được xem là động lực tăng trưởng, trong đó có khuyến khích khởi nghiệp.

Dự thảo về bài phát biểu chính sách trên cũng cho thấy Chính phủ của ông Kishida sẽ đệ trình kế hoạch về gói ngân sách bổ sung thứ 2 trong năm nay nhằm hỗ trợ cho gói kích thích tăng trưởng nền kinh tế sẽ được hoàn tất trong tháng 10 tới.

Dự kiến, Thủ tướng Kishida cũng sẽ nêu mục tiêu đạt được nguồn thu lên đến hơn 5.000 tỉ yên từ du lịch, nhờ lợi thế của việc đồng yên đang giảm giá. 

Về vấn đề lạm phát đang gia tăng, ông Kishida sẽ đưa ra cảnh báo về việc giá điện có thể tăng trong một giai đoạn cho đến mùa xuân năm tới,  và nhằm giảm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, Thủ tướng Nhật Bản sẽ kêu gọi thực thi "các biện pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ".

Về việc xem xét chính sách an ninh quốc gia và các dự thảo chính sách quốc phòng vào cuối năm nay, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết "bảo vệ hòa bình và sự ổn định tại châu Á và trên thế giới bằng cách thi hành chính sách ngoại giao đa tầng và tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng."

Đào tạo lại kỹ năng cho những người đang làm việc, cải thiện môi trường cho giáo dục trọn đời

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Đề cương chính sách tài chính và kinh tế năm tài khóa 2022 và một trong những trọng tâm là "đầu tư con người" với khoản ngân sách 400 tỉ yen (khoảng 2,95 tỉ USD) trong vòng 3 năm.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản thường có xu hướng coi trọng tiền công, nhưng cùng với xu hướng số hóa trong những năm gần đây, xu hướng đánh giá nhân viên dựa trên kỹ năng và ý tưởng đang dần mở rộng hơn.

Chuyên gia Masayuki Morikawa thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và công nghiệp đã đưa ra ước tính nếu các doanh nghiệp tăng gấp đôi khoản đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, năng suất lao động sẽ tăng lên 2,2%, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng 2,5%.

Đào tạo nguồn nhân lực tạo ra những giá trị gia tăng là chìa khóa của tăng trưởng, nhưng so với các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, Nhật Bản đang bị đánh giá là "tụt hậu" trong lĩnh vực này. Việc xóa bỏ khoảng cách với các quốc gia tiên tiến là không hề dễ dàng.

Các vấn đề chính mà Nhật Bản cần giải quyết đó là đào tạo lại kỹ năng cho những người đang làm việc, chuyển đổi lao động sang các lĩnh vực tăng trưởng như kỹ thuật số, thúc đẩy các việc làm phụ, và cải thiện môi trường cho giáo dục trọn đời.

Các kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số sẽ nâng tỷ lệ các khóa đào tạo nghề từ 20% hiện nay lên hơn 30%. Chính phủ Nhật Bản cũng thiết lập một hệ thống bao gồm các nhà tư vấn độc lập để hỗ trợ người lao động có thể dễ dàng chuyển đổi công việc giữa các công ty với nhau.

Thời kỳ hậu COVID-19, đầu tư vào con người sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Các nước phát triển đều chú trọng đầu tư cho con người. Người lao động không chỉ được thảo luận về nội dung tập huấn mà còn được tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng phù hợp với nguyện vọng cá nhân. 

Chính phủ Singapore đã hợp tác với Tập đoàn tư vấn Boston của Mỹ để triển khai các hoạt động nhằm đào tạo kỹ năng liên quan đến kỹ thuật số cho những người lao động có nguyện vọng chuyển việc.

Nguồn: Theo Kyodo, Nippon, TTXVN