Chiến sĩ thi đua yêu nước 17 tuổi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I

Ngô Văn Hiển
15:50 - 04/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cách đây 71 năm về trước, năm 1952, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Phó Giáo sư Hà Học Hợi khi đó mới 17 tuổi đã vinh dự trở thành Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc bởi tình thần vượt khó trong học tập.

Chiến sĩ thi đua yêu nước 17 tuổi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I - Ảnh 1.

Phó Giáo sư Hà Học Hợi (nguyên Phó ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Tuổi thơ nghèo khó, thất học của Hà Học Hợi

Phó Giáo sư Hà Học Hợi, sinh năm 1935 tại làng Bình Hòa, Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh, vùng đất nổi tiếng về truyền thống hiếu học với nhiều dòng họ hiếu học nổi tiếng như: Nguyễn Khắc, Đinh Nho…

Năm 7 tuổi, Hà Học Hợi đi học ở trường làng Thịnh Xá do các thầy Nguyễn Đường, Đinh Nho Liêm, Phan Nhu mở kiêm giảng dạy. Nhà nghèo nhưng với sự cần cù, chăm chỉ đến năm 1944, ông thi đỗ Sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire) khiến cha ông rất tự hào.

Năm 1945, một cơn bạo bệnh khiến cha Hà Học Hợi qua đời, gia đình lâm vào cảnh khốn khó nên chuyển sang kéo sợi dệt vải kiếm sống qua ngày. Anh trai Hà Học Ngô, 12 tuổi thi đỗ Sơ đẳng tiểu học (Certificat) được mẹ ưu tiên cho đi học. Hà Học Hợi phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ nuôi ba em nhỏ.

Tháng 9/1945, đất nước độc lập, trong khi trẻ em nô nức đi học thì chú bé Hợi lại cặm cụi bên chiếc xe kéo sợi. Với chú bé 10 tuổi, công việc kéo sợi không dễ. Một cân bông kéo thành sợi, tiền bán chỉ đủ mua gạo, khoai ăn qua ngày.

Có hôm, mới kéo được nửa cân sợi thì mẹ đã phải ra chợ bán bởi nhà hết gạo ăn. Năm 1946, xã mở kỳ thi kéo sợi, Hà Học Hợi còn nhỏ nên không dám tham dự, gia đình động viên mãi ông mới đi thi. Kết quả, Hà Học Hợi đã vượt qua 20 ứng viên để giành giải nhất, từ đó, nhiều người trong làng thường mang bông đến nhờ ông xe sợi, giúp gia đình có thêm công ăn việc làm.

Bài "Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã thành công rực rỡ" đăng trên Báo Cứu Quốc, số 2078, ngày 16/5/1952.

Mồ côi, nghèo khó không chôn vùi khao khát học tập

Những năm 1948-1950, phong trào học tập ở vùng Nghệ Tĩnh lên mạnh, các trường công lập và tư thục nở rộ ở nhiều nơi thu hút học sinh đi học. Hằng ngày nhìn các bạn đến trường mà lòng Hợi bồn chồn không yên. Trong một lần đi họp Đội thiếu niên xã, Hợi nghe thấy các bạn nói rằng: Các thí sinh tự do vẫn được thi tốt nghiệp tiểu học nên Hà Học Hợi càng quyết tâm phấn đấu học tập; hằng ngày, tranh thủ mượn sách bạn bè về tự học là chính.

Ham đọc sách, Hà Học Hợi nhờ hai người anh trong họ giúp đỡ. Những cuốn sách như: Từ điển Pháp – Việt, truyện Thằng Ngốc bằng tiếng Pháp… đều được ông tranh thủ đọc trong đêm để sáng hôm sau trả lại. Lúc rảnh rỗi, Hà Học Hợi cùng các bạn thi học thuộc từ mới tiếng Pháp. Mỗi người sẽ tự giở một trang bất kỳ trong cuốn từ điển Pháp – Việt, rồi đọc thuộc các từ trong trang đó, những người còn lại sẽ cầm từ điển kiểm tra.

Những hôm trăng sáng, Hợi rủ bạn cùng xóm là Nguyễn Ân ra sân đình làng học toán. Một số bài toán học trên lớp được Nguyễn Ân đưa ra hướng dẫn Hà Học Hợi cách giải. Không có giấy bút, hai người dùng que vạch xuống đất để giải đáp. Hè năm 1949, Hà Học Hợi đi thi lấy bằng tiểu học theo diện thí sinh tự do được tổ chức ở xã Sơn Bằng cách nhà 6km. Nhờ phấn đấu tự học và sự giúp đỡ của bạn bè, Hà Học Hợi tham gia kỳ thi và đạt 49/50 điểm, được đỗ vớt.

Mùa thu năm 1950, Hà Học Hợi phải giấu mẹ đi thi vào trường trung học Hương Sơn ở xã Sơn Thịnh bởi Hợi là lao động chính trong nhà, nếu đi học sẽ ảnh hưởng đến thu nhập gia đình. Sau khi nhận được giấy báo đỗ của nhà trường, Hợi băn khoăn chưa dám khoe với mọi người trong gia đình thì đột ngột, mẹ bị cảm nặng rồi qua đời.

Gặp tổn thất quá lớn, 5 anh em Hà Học Hợi phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải cặm cụi se chỉ kiếm tiền nuôi nhau. Có những lúc nhà hết gạo, mấy anh em vác rá đi vay người làng nhưng không được nên phải cắt lá khoai lang về nấu canh ăn đỡ đói. Mùa đông, Hợi chỉ có quần đùi để mặc, đêm ngủ, chui vào ổ rơm rồi trùm chiếu rách đắp thay chăn. Càng vất vả, khao khát học hành càng bùng cháy với Hợi.

Chiến sĩ thi đua yêu nước 17 tuổi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I - Ảnh 3.

Bằng khen Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc của Phó Giáo sư Hà Học Hợi năm 1952.

Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc 17 tuổi Hà Học Hợi

Năm 1951, Hà Học Hợi vào học lớp 5C, trường trung học Hương Sơn (Nghệ Tĩnh). Nhờ nỗ lực đứng tốp đầu về học tập nên Hà Học Hợi được bầu làm Hiệu đoàn trưởng của trường. Trong Đại hội học sinh Hà Tĩnh, Hợi được bầu là học sinh gương mẫu thứ nhất, tấm gương nghèo vượt khó, Liên khu IV chọn ông tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc.

Sau hơn 1 tháng đi bộ vượt hơn 400 km đường rừng từ Hà Tĩnh lên Tuyên Quang, tối ngày 1/5/1952, Hà Học Hợi đã đến nơi tổ chức Đại hội. Vừa vào hội trường, nhìn lên khán đài, Hà Học Hợi nhận ra ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước giờ giải lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu với Đại hội cháu Hà Học Hợi – học sinh trẻ tuổi nhất của Liên khu IV ra dự Đại hội, mọi người vỗ tay hoan nghênh. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất của Hà Học Hợi, được nhìn thấy Bác Hồ, được Bác giới thiệu là học sinh trẻ tuổi có nỗ lực học tập. 

Trong buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Sau này lời dạy đó trở thành khẩu hiệu trong suốt hành trình cách mạng của đất nước. Khi đó Hà Học Hợi thầm nghĩ: Mình nhỏ tuổi, thi đua học tập và lao động giỏi cũng là yêu nước. 

Lúc giải lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chỗ Hà Học Hợi thăm hỏi: Tình hình người dân quê cháu thế nào? Cháu đi đường có an toàn không?. Nghe những lời hỏi thăm ân cần của Người mà ông xúc động quá! Hà Học Hợi chỉ nói được vắn tắt tình hình quê nhà.

Ngày hôm sau, Hà Học Hợi được đại diện cho học sinh, sinh viên trong nước lên báo cáo thành tích thi đua trước Đại hội. Kết thúc, bác Tôn Đức Thắng - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên Việt ôm hôn Hà Học Hợi và rằng: "Đây là tương lai của dân tộc". 

Đại hội kéo dài từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 thì kết thúc. Hà Học Hợi được tặng nhiều sách và một tấm vải phin trắng dài 5 mét.

Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cậu bé Hà Học Hợi ngày ấy đã không ngừng học tập, phấn đấu và sau này trở thành nhà quản lý, nhà khoa học ngành Triết học. Ông nguyên là Phó ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Phó Giáo sư Hà Học Hợi (sinh năm 1935), quê Hà Tĩnh, nguyên là Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1988-2003), Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (1996-2001).

Ông là tác giả của ba đề tài khoa học cấp Nhà nước, nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học. Các công trình tiêu biểu gồm: Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nhà xuất bản Sách giáo khoa Mác - Lênin, 1985; Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002.

Bình luận của bạn

Bình luận