Chi tiết lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và những lưu ý quan trọng
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi chỉ bao gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ và Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vào cuối tháng 6. Thời gian đăng ký thi, công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Cụ thể, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6.
Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Tổ chức coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào 2 ngày 28 và 29/6/2023.
Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Lịch thi chi tiết được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 như sau:
Các mốc thời gian chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 như sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở Giáo dục và Đào tạo: Hoàn thành chậm nhất ngày 18/4.
Các sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 23/4.
Tổ chức cho thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 26/4 đến hết ngày 30/4.
Tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 chính thức đăng ký dự thi trực tuyến: Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.
Tổ chức cho thí sinh tự do đăng ký dự thi trực tiếp; nhận Phiếu đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.
Tổ chức coi thi trong các ngày 28, 29 và 30/6. Công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 18/7.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, 2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Do đó, đề thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 bám sát định hướng này.
Để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.
Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022.
Chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn.
Tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nghiêm túc, khách quan
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nghiêm túc, khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi.Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các Hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng những thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
Thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định những trường hợp thí sinh được đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông 2023.
Theo đó, chậm nhất 7 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho sở Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông xem xét, quyết định đặc cách cho thí sinh căn cứ hồ sơ và các quy định.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023
Cấu trúc đề thi môn Toán
Đề thi môn Toán trong mỗi đề là 50 câu hỏi, trong đó 45 câu hỏi thuộc về kiến thức lớp 12 và 5 câu thuộc về kiến thức lớp 11.
Đề thi môn Toán gồm 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề chính thức. Hầu hết kiến thức có trong đề thi trung học phổ thông Quốc gia đều thuộc về kiến thức lớp 12.
Tuy nhiên, trong những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thí sinh không nên chủ quan và đánh rơi điểm ở những câu có kiến thức ở lớp 11.
Với các chủ đề quen thuộc: Ứng dụng đạo hàm trong khảo sát hàm số; hàm số lũy thừa, hàm số mũ và logarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; chương số phức; khối đa diện; khối tròn xoay; hình học không gian Oxyz; cấp số cộng, cấp số nhân; tổ hợp, xác suất; hình học không gian.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc:
Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.
Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.
Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh
Trong vòng 60 phút thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh sẽ cố gắng hoàn thành 50 câu hỏi, với lượng kiến thức thuộc các dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; chọn từ để hoàn thành câu; chọn từ để hoàn thành đoạn văn; tình huống giao tiếp; tìm từ đồng nghĩa-trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu; xác định câu đồng nghĩa, kết hợp câu; đọc-hiểu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google