Châu Âu: Thế nào là quá nóng để làm việc?

Trúc Phong
15:49 - 25/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thực tế cho thấy, các biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động trong điều kiện nóng bức ở nơi làm việc dường như không theo kịp những tác động do nhiệt độ trái đất đang nóng lên gây ra.

Chưa được chuẩn bị để làm việc trong thời tiết nóng bức

Trong bối cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện đã tăng hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, châu Âu đang phải hứng chịu ngày càng nhiều đợt nắng nóng gay gắt.

Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng trái đất ấm lên sẽ khiến những đợt nắng nóng gây chết người xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn, với mức độ ô nhiễm carbon cũng cao hơn.

Châu Âu: Thế nào là quá nóng để làm việc? - Ảnh 1.

Bãi biển chật kín ở Barcelona, Tây Ban Nha giữa thời tiết nắng nóng gay gắt. Ảnh: AP

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong năm nay cho rằng nếu trái đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C thì thế giới sẽ có thêm hàng chục triệu người phải hứng chịu những ngày thời tiết nắng nóng cực đoan.

IPCC thậm chí còn cảnh báo những cam kết cắt giảm phát thải carbon gần đây của các quốc gia vẫn khiến nhiệt độ trái đất có nguy cơ tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Thực tế là châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng chưa từng có.

Nước Anh phải gồng mình để chống chọi với nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận, trong khi người dân chưa hề được chuẩn bị để sống trong môi trường nhiệt độ cao tới trên 40 độ C. Hầu hết các ngôi nhà đều thiếu điều hòa nhiệt độ. Ngột ngạt tăng thêm khi các ngôi nhà được thiết kế để thích ứng với cuộc sống của xứ lạnh.

Người lao động cũng chưa được chuẩn bị tinh thần và thể lực để làm việc trong thời tiết nóng bức như vậy.

Nhiệt độ cao không phải là điều duy nhất quan trọng. Độ ẩm cũng vậy. Tuy sự kết hợp của nhiệt độ cao và độ ẩm có thể trở nên rất nguy hiểm. Các chuyên gia đã thấy rằng nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm cao - được đo là "nhiệt độ bầu ướt", có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cơ thể con người. Khi nhiệt độ bầu ướt quá cao, sẽ có lúc mồ hôi không còn có tác dụng làm mát cơ thể, điều này sẽ không thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.

Các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn tại nơi làm mới chỉ xác định mức "sàn" của nhiệt độ tại nơi làm việc: không dưới 16 độ C trong môi trường văn phòng hoặc 13 độ C trong trường hợp công việc đặc thù, đòi hỏi thể lực đặc biệt. Quy định không đề cập đến giới hạn "trần" của nhiệt độ bởi lẽ điều này không cần thiết trong vài thập kỷ trước đây, nhưng hiện nay, đây lại là một vấn đề nhức nhối, liên quan đến an toàn tính mạng người lao động.

Trong nắng nóng bất thường, người dân Đức cũng bắt đầu nghĩ về quyền của mình được làm việc trong mức nhiệt an toàn cho sức khỏe. Đức định nghĩa nhiệt độ tối đa ở nơi làm việc là 26 độ C trong những trường hợp bình thường, tuy nhiên đây không phải là giới hạn được quy định trong luật. Nếu nhiệt độ vượt quá 26 độ C, người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng người lao động được an toàn khi làm việc. Chẳng hạn người sử dụng lao động phải bảo đảm cung cấp nước uống khi nhiệt độ lên mức 30 độ C và cho phép người lao động được nghỉ giải lao. Khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C, điều kiện làm việc được coi là "không phù hợp".  

Tại Tây Ban Nha, đã ghi nhận 3 công nhân tử vong khi đang làm việc trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt tại Thủ đô Madrid. Trước tình trạng này, Tây Ban Nha đã đưa ra quy định giới hạn nhiệt độ tại nơi làm việc nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định. Theo thỏa thuận đạt được giữa chính quyền thành phố Madrid và các nghiệp đoàn, hoạt động quét dọn đường phố do nhân viên vệ sinh thực hiện tại Thủ đô của Tây Ban Nha sẽ được hủy bỏ khi nhiệt độ tăng lên trên 39 độ C.

Liên minh công đoàn châu Âu (ETUC) cho biết, hiện nay, một số quốc gia thành viên EU đã có những quy định giới hạn giờ làm việc nếu nhiệt độ quá cao với các ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Chẳng hạn như Bỉ, Hungary và Latvia đã áp đặt một số biện pháp nhưng hầu hết các nước thành viên EU chưa có quy định mức nhiệt giới hạn tại nơi làm việc. Ở cấp độ Liên minh, chưa có quy tắc chung xác định nhiệt độ tối đa cho phép tại nơi làm việc.

Các nghiệp đoàn châu Âu kêu gọi đưa ra mức nhiệt giới hạn đối với công việc ngoài trời

Thực tế cho thấy, các biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động trong điều kiện nóng bức ở nơi làm việc dường như không theo kịp những tác động do nhiệt độ trên hành tinh đang nóng lên gây ra.

Mới đây, một công đoàn công nhân Anh, GMB, đã kêu gọi thông qua luật "quá nóng để làm việc" càng sớm càng tốt để bảo vệ người lao động khỏi bị buộc phải làm việc trong điều kiện nắng nóng, nguy hiểm. Trong lời kêu gọi của GMB đã đặt ra câu hỏi: Khi nào thì quá nóng để làm việc, và tại sao chúng ta không có nhiều quy định hơn về nó? 

Các nghiệp đoàn châu Âu, ngày 25/7, đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra mức nhiệt giới hạn đối với công việc ngoài trời.

Theo số liệu của cơ quan thăm dò ý kiến Eurofound, 23% số lao động trên khắp EU phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng trong suốt 25% thời gian làm việc. Nếu tính riêng trong ngành nông nghiệp và sản xuất, tỷ lệ này lên đến 36% và ngành xây dựng là 38%. Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiệt độ cao và một số bệnh mãn tính, cũng như tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Phó Tổng thư ký Liên minh công đoàn châu Âu (ETUC) Claes-Mikael Stahl cho rằng công nhân là những người ở trực tiếp hàng ngày hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu vì thế họ cần được bảo vệ trước mối nguy hiểm ngày càng gia tăng do nắng nóng cực đoan. Theo ông Stahl, nắng nóng có thể gây tử vong ở những người phải làm việc ngoài trời mà không có đồ bảo hộ. Do đó, ông cho rằng EU cần có quy định trên toàn Liên minh về mức nhiệt giới hạn đối với lao động ngoài trời vì "thời tiết không phân biệt biên giới quốc gia".

Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) cho biết: Các rủi ro chính do đợt nắng nóng gây ra là mất nước, quá nóng, kiệt sức vì nóng và say nắng.

NHS đưa ra một số cách đối phó trong đợt nắng nóng:

Uống nhiều nước và tránh uống rượu quá mức

Cố gắng tránh nắng trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều

Đi trong bóng râm, thoa kem chống nắng thường xuyên và đội mũ rộng vành nếu ra ngoài

Tránh tập thể dục vào những thời điểm nóng nhất trong ngày

Mang theo nước nếu đang đi du lịch

Không bao giờ để bất kỳ ai trong xe đã đóng cửa, đang đỗ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc động vật

Nếu ở trong nhà, đóng rèm cửa ở những phòng có mặt trời chiếu vào có thể giúp ngôi nhà mát mẻ hơn.

Những dấu hiệu cơ bản của tình trạng kiệt sức hoặc say nắng:

Đau đầu

Chóng mặt và nhầm lẫn

Chán ăn và cảm thấy buồn nôn

Đổ mồ hôi nhiều và da nhợt nhạt, sần sùi

Chuột rút ở tay, chân và bụng

Nhịp thở hoặc mạch nhanh

Nhiệt độ cao từ 38 ° C trở lên

Rất khát