Chất lượng không khí diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng
Hiện nay tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu. Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời; sử dụng khẩu trang khi ra đường.
Chỉ số chất lượng không khí đang ở ngưỡng xấu
Theo thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, những ngày qua, kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại một số trạm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên ở mức xấu hoặc rất xấu, gây hại tới sức khỏe cộng đồng, nhất là nhóm người nhạy cảm, mắc các bệnh về hô hấp, người già và trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt..., khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí cũng bị hạn chế, đặc biệt là bụi.
Cảnh báo y tế đối với các mức độ chất lượng không khí AQI.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề về chất lượng không khí giai đoạn 2016 - 2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các đô thị phát triển công nghiệp như Phú Thọ, Bắc Ninh… tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Mức độ ô nhiễm tại các đô thị miền Bắc cao hơn miền Trung, miền Nam.
Tại Hà Nội, tính trung bình 4 năm (2018 - 2021) có 28,45% số ngày quan trắc có giá trị AQI đạt mức tốt, 47,10% ở mức trung bình, 5,70% ở mức xấu, thậm chí một số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu (VN_AQI = 201 - 300).
Thực hiện nhiều biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí
Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đã đưa ra 14 khuyến cáo, hướng dẫn người dân đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.
Đối với người dân:
- Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
- Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.
- Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu
- Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn.
- Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
- Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.
- Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google