Lý do không quy định Cảnh sát giao thông nói lời chào, cảm ơn người điều khiển xe

Hồng Ngọc
15:19 - 11/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, trong quá trình kiểm soát phương tiện tham gia giao thông, Cảnh sát giao thông chào theo điều lệnh Công an nhân dân. Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã lý giải việc Thông tư mới không quy định Cảnh sát giao thông nói lời chào, cảm ơn với người điều khiển phương tiện.

Quy định Cảnh sát giao thông chào theo điều lệnh Công an nhân dân để tránh chồng chéo

Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có hiệu lực thi hành từ 15/9/2023.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những nội dung khác biệt của Thông tư 32/2023/TT-BCA so với Thông tư 65/2020/TT-BCA hiện hành, đó là quy định về điều lệnh của cán bộ Cảnh sát giao thông khi tiếp xúc với người điều khiển xe trong quá trình kiểm soát phương tiện.

Lý do không quy định Cảnh sát giao thông nói lời chào, cảm ơn người điều khiển xe - Ảnh 1.

Thông tư 32/2023/TT-BCA không yêu cầu Cảnh sát giao thông phải chào bằng lời nói và cảm ơn người điều khiển xe khi kiểm soát phương tiện; thay vào đó sẽ thực hiện chào theo điều lệnh Công an nhân dân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, sau khi đề nghị người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện, Cảnh sát giao thông chào theo điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.

Trong khi đó, Thông tư 65/2020/TT-BCA yêu cầu Cảnh sát giao thông chào theo điều lệnh ngành hoặc chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị…". Sau đó nói lời: "Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông". Kiểm soát xong, Cảnh sát giao thông nói lời: "Cảm ơn ông, bà, anh, chị… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, tại Thông tư 34/2019/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân đã quy định cụ thể về tư thế, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ Công an. Trong đó quy định chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời: gặp để giải quyết công việc với nhân dân; xưng hô, ứng xử khi giao tiếp với nhân dân.

Do vậy, để tránh chồng chéo, Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định Cảnh sát giao thông chào theo điều lệnh Công an nhân dân.

Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm soát phương tiện tham gia giao thông đường bộ như thế nào?

Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn và thực hiện như sau:

1. Đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện.

2. Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.

3. Thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này để kiểm soát. Theo đó, kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực;...

a) Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó;

b) Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử. Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này, gồm: kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông; các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông; việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ và một số nội dung khác.

Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

4. Kết thúc kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.

5. Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.