Cảnh giác với hành vi lừa đảo bằng hình thức chơi hụi
Thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ vỡ hụi với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia chơi hụi để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lập dây hụi khống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Công an tỉnh Bạc Liêu, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lâm Thị Tám (sinh năm 1987, ở ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến chơi hụi.
Vào năm 2009, Lâm Thị Tám đứng ra làm chủ nhiều dây hụi, thu hút đông đảo hụi viên tại địa phương tham gia; đến khoảng tháng 5/2021, do mất cân đối trong việc chung chi tiền hụi cho các hụi viên, Lâm Thị Tám lấy tên khống tham gia 35 phần hụi để hốt hụi và bán phần hụi khống cho hụi viên khác trong 8 dây hụi đang làm chủ, qua đó chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 28/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành lệnh bắt tạm giam đối với Dương Ngọc Liên (sinh năm 1973, ở ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức chơi hụi.
Trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 5/2022, Dương Ngọc Liên đứng ra tổ chức nhiều dây hụi để người dân địa phương tham gia. Thời gian này, Liên đã sử dụng tiền đóng hụi của hụi viên để tiêu xài cá nhân dẫn đến mất cân đối về tài chính. Do đó, Dương Ngọc Liên đã lập ra 27 dây hụi khống nhằm lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Chơi hụi là gì?
“Hụi” là một hình thức huy động vốn đã tồn tại từ lâu với mục đích tương trợ lẫn nhau trong việc sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả. Tùy theo thỏa thuận giữa chủ hụi và các hụi viên để hình thành nên dây hụi, quy định bao nhiêu hụi viên tham gia, mức đóng tiền hụi, thời gian nhận hụi và các thỏa thuận khác.
Phần lớn việc mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thỏa thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau, không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng, cũng như không thông báo cho chính quyền địa phương nắm, quản lý. Do đó, tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng phạm tội, biến việc chơi hụi từ hình thức góp vốn, san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hụi viên trở thành một hình thức tín dụng đen.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân, một số đối tượng đã tổ chức các dây hụi với lợi nhuận cao, rồi chiếm đoạt tài sản của hụi viên, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Nhiều nạn nhân vì chơi hụi mà lâm vào cảnh nợ nần, mất tài sản, ít thì vài triệu đồng, nhiều thì lên đến hàng tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật để phòng tránh rủi ro khi tham gia chơi hụi
Thực tế, mối nguy hiểm từ việc chơi hụi đã được các cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo. Tuy nhiên, do sự cả tin, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều người dân vẫn rơi vào cạm bẫy lợi nhuận cao.
Để hạn chế tình trạng một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người tổ chức hoặc tham gia chơi hụi phải nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm rõ và tuân theo đúng các quy định của pháp luật về hụi. Chủ hụi cũng như những người tham gia chơi phải tìm hiểu đầy đủ về thông tin về chủ hụi và các hụi viên tham gia chơi hụi, số điện thoại của họ; có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền. Bởi vì đây là một trong những cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tham gia chơi hụi khi xảy ra rủi ro…
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và phòng tránh rủi ro khi tham gia chơi hụi, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật; đặc biệt, phải tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng, phòng tránh rủi ro khi tham gia chơi hụi, hạn chế thiệt hại, thất thoát về tài sản.
Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Điều 174, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google