Cảnh giác với các đường link rút gọn chứa mã độc đánh cắp thông tin trên mạng xã hội

Hồng Ngọc
10:20 - 22/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, trên không gian mạng, xuất hiện hình thức quảng cáo mới dưới dạng bài viết có chứa đường dẫn (link) rút gọn. Khi nhấp vào các liên kết này, ngay lập tức người dùng bị chuyển hướng đến các trang thương mại điện tử, website, Facebook quảng cáo bán hàng...

Cảnh giác với các đường link rút gọn chứa mã độc đánh cắp thông tin trên mạng xã hội- Ảnh 1.

Khi sử dụng mạng xã hội, cần cảnh giác với các đường dẫn rút gọn đáng ngờ, không rõ nguồn gốc. Ảnh: TeamViewer

Lợi dụng đường link rút gọn chuyển hướng đến website giả mạo

Đường link rút gọn là một phương pháp được sử dụng để làm ngắn gọn đường dẫn URL. Khi người dùng nhấp vào liên kết này, họ sẽ được chuyển hướng đến trang web có đường dẫn URL dài. Phần lớn đường dẫn rút gọn dẫn về trang thương mại điện tử là một dạng spam quảng cáo, tuy gây phiền toái cho người dùng nhưng không nguy hiểm đến tài khoản. 

Tuy nhiên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội cảnh báo, các đối tượng xấu có thể lợi dụng dịch vụ này để tạo các đường dẫn rút gọn giả mạo các trang thương mại điện tử, website uy tín,… chứa mã độc nhằm mục đích đánh cắp thông tin của người dùng để hoạt động vi phạm pháp luật. Một số đường dẫn chuyển hướng người dùng đến một trang giả mạo giao diện như trang mạng xã hội Facebook, ngân hàng, thương mại điện tử… yêu cầu đăng nhập thông tin để tiếp tục xem tiếp bài viết hoặc thực hiện mua sắm. 

Cảnh giác với các đường link rút gọn chứa mã độc đánh cắp thông tin trên mạng xã hội- Ảnh 2.

Bài viết có link rút gọn chứa quảng cáo trên Facebook.

Nếu không quan sát kỹ, người dùng có thể bị thu thập trái phép thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu và mã xác thực của tài khoản (Facebook, ngân hàng,…) theo yêu cầu tại các website giả mạo này. 

Sau khi chiếm đoạt được thông tin cá nhân, tài khoản của người dùng, các đối tượng lợi dụng những thông tin, tài khoản này để thực hiện các hành vi như mua bán thông tin cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng,…

Biện pháp phòng tránh các đường link website giả mạo, lừa đảo người dùng

Để phòng ngừa nguy cơ mất thông tin cá nhân, tài khoản trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra một số khuyến cáo sau:

- Cẩn thận với các đường link không rõ nguồn gốc, kiểm tra địa chỉ URL trước khi nhấp vào: Trước khi nhấp vào một đường link trên Facebook hoặc bất kỳ nền tảng nào, hãy kiểm tra địa chỉ URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Các đường link rút gọn cũng cần được kiểm tra trước khi nhấp vào. Hãy kiểm tra xem link có xuất phát từ một nguồn đáng tin cậy hay không và đảm bảo nó khớp với trang web bạn định truy cập và không chứa các ký tự hoặc chuỗi lạ.

- Đánh giá tính xác thực của quảng cáo, tin nhắn, bình luận: Khi bạn thấy một quảng cáo trên Facebook, hãy đánh giá tính xác thực của nó trước khi tương tác. Kiểm tra chính xác nguồn gốc của quảng cáo, tìm hiểu về công ty hoặc sản phẩm được quảng cáo và đảm bảo rằng nó không có dấu hiệu lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin.

- Tăng cường bảo mật tài khoản, cài đặt phần mềm chống tấn công lừa đảo: Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng mật khẩu mạnh và kích hoạt các biện pháp bảo mật bổ sung như xác thực 2 yếu tố cho các tài khoản mạng xã hội, phần mềm chống mã độc (malware) và rải link tấn công lừa đảo (phishing). Điều này giúp ngăn chặn kẻ xấu truy cập vào tài khoản và tránh việc rải link phishing từ tài khoản của bạn.

- Cẩn trọng với việc chia sẻ thông tin cá nhân: Hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân trên Facebook và các nền tảng trực tuyến khác. Tránh việc cung cấp thông tin nhạy cảm như số thẻ tín dụng, số bảo hiểm xã hội hoặc bất kỳ thông tin cá nhân khác cho các đường link hoặc quảng cáo không rõ nguồn gốc.

- Kiểm tra đánh giá và phản hồi của người dùng khác: Trước khi tương tác với một đường link hoặc quảng cáo, hãy đọc các đánh giá và phản hồi từ người dùng khác. Nếu có những báo cáo về lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin, hãy cân nhắc và tránh tương tác với nội dung đó.

- Luôn cập nhật và sử dụng phiên bản mới nhất của trình duyệt và phần mềm bảo mật: Đảm bảo rằng bạn luôn cập nhật phiên bản mới nhất của trình duyệt web và phần mềm bảo mật trên thiết bị của bạn. Các bản vá bảo mật thường cung cấp bảo vệ chống lại các lỗ hổng bảo mật và các cuộc tấn công phishing.

- Nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các hình thức lừa đảo và phishing: Để trở nên tỉnh táo và cảnh giác hơn, hãy tìm hiểu và nắm vững kiến thức về các hình thức lừa đảo và phishing phổ biến, cùng với các dấu hiệu nhận biết và kỹ thuật lừa đảo. Điều này giúp bạn nhận ra các quảng cáo hoặc đường link đáng ngờ và tránh nhấp vào chúng. Bạn có thể theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia. Bên cạnh đó, hãy chia sẻ những thông tin và nhận thức này với gia đình, bạn bè và cộng đồng để giúp họ tránh trở thành nạn nhân và cùng nhau tạo một môi trường trực tuyến an toàn hơn.

- Báo cáo các trường hợp đáng ngờ: Nếu bạn phát hiện một đường link phishing hoặc quảng cáo lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý và hạn chế việc người khác trở thành nạn nhân tiếp theo.