Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động ở nước ngoài muốn về Việt Nam

H.Ngọc
11:43 - 05/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước nhu cầu nhanh chóng trở về nước của những lao động trái phép người Việt Nam tại nước ngoài, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng mạng xã hội đăng tải quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu, thị thực, chuộc người và đưa về Việt Nam để chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua đã phát hiện nhiều trường hợp những lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, Camphuchia… trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. 

Các đối tượng thường lợi dụng tâm lý muốn nhanh chóng trở về nước của những lao động Việt Nam trái phép ở nước ngoài để đăng tải thông tin quảng cáo trên mạng xã hội cung cấp dịch vụ làm hộ chiếu, thị thực, chuộc người và đưa về Việt Nam. 

Sau khi có được niềm tin, chiếm đoạt được tài sản (tiền chuộc) của các bị hại, các đối tượng lập tức cắt đứt mọi liên lạc và chủ động thông báo cho lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ những lao động này.

Công an tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng vụ việc em T.T.A, sinh năm 1999, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa. Thông qua giới thiệu của bạn bè, T.T.A sang Campuchia để tìm kiếm “việc nhẹ lương cao” . Tuy nhiên sau khi sang đến nơi, em bị ngược đãi và ép buộc làm việc trong nhiều giờ liên tục nên đã liên hệ với gia đình gửi tiền sang để có cơ hội trở về nước.

Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động ở nước ngoài muốn về Việt Nam - Ảnh 1.

Sau 3 lần nộp tiền chuộc cho các đối tượng, em T.T.A mới được trở về nhà. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa

Nóng lòng chuộc con, mẹ em T.T.A đã thông qua môi giới trên mạng xã hội để nhờ các đối tượng tìm cách đưa con về. Tuy nhiên, đó là bẫy lừa đảo mà các đối tượng đã giăng ra để chiếm đoạt tài sản. Qua 2 lần gửi tiền với số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng, em T.T.A vẫn chưa thể trở về nước. Các đối tượng sau khi chiếm đoạt được tiền của gia đình đã cắt hết mọi liên lạc. Đến giữa năm 2022, sau khi bị bán qua nhiều công ty khác nhau bên Camphuchiaem T.T.A mới được chuộc về với số tiền nộp phạt gần 300 triệu đồng.

Một trường hợp khác, con trai ông Đ.Đ.B ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống bị dụ dỗ rồi bán vào sòng bài tại Campuchia. Trong khi nỗ lực tìm cách liên lạc để đưa con về, gia đình ông nhận được yêu cầu của một nhóm đối tượng là muốn chuộc con về thì phải chuyển 100 triệu đồng tiền chuộc.

Vì nôn nóng cứu con, gia đình ông Đ.Đ.B đã chuyển cho nhóm này 100 triệu đồng. Tuy nhiên, giữa tháng 1/2023, khi con trai trở về, gia đình ông mới biết con ông về được là do tự chạy trốn chứ không phải nhờ 100 triệu đồng tiền chuộc mà gia đình chuyển.

Qua những sự việc này, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người lao động trái phép, người thân của những lao động này cần tỉnh táo, không tin theo những lời hứa hẹn, quảng cáo của các đối tượng để tránh gặp phải tình trạng “tiền mất, tật mang”. Khi muốn trở về nước thì cần liên hệ với các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ, xử lý.

Cạm bẫy xuất cảnh trái phép để "đổi đời"

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có 2.681 người cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài, trong đó có 222 người tại Campuchia. 

Điểm chung của những người bị lôi kéo xuất cảnh trái phép đi làm việc tại Campuchia và Lào là đều bị các đối tượng tiếp cận trên không gian mạng, đưa ra những điều kiện lý tưởng để lôi kéo. 

Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động ở nước ngoài muốn về Việt Nam - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng bắt giữ nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép tại cửa khẩu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Bị lôi cuốn bởi những lời hứa về một tương lai tươi sáng với mức lương lên đến hàng nghìn USD, chế độ đãi ngộ tốt, nhiều người đã sập bẫy các đường dây lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài và bị bán vào các sòng bài, cơ sở lừa đảo tại một số nước. 

Sau khi đưa người qua biên giới, người lao động sẽ bị bán vào các sòng bài hoặc cơ sở phi pháp trá hình, bị bóc lột, hành hạ, làm không công, nếu không phục tùng còn bị tra tấn tàn bạo. Những người xuất cảnh trái phép thường giấu kín việc làm của mình kể cả với người thân nên công tác nắm tình hình của các cơ quan chức năng gặp nhiều nhiều khó khăn.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, những người sang nước ngoài lao động trái phép phải đối mặt với rất nhiều rủi ro mà các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua. Chỉ tính từ cuối năm 2022 đến nay, Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 4 trường hợp là công dân Thanh Hóa lao động trái phép ở nước ngoài đã bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng có sự tác động không nhỏ đến tâm lý của nhiều người dân. 

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các thủ đoạn lừa đảo, buôn bán người vào các khu vực lao động trái pháp luật, các sòng bạc, casino tại nước ngoài, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền cảnh báo người dân, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ động rà soát và tham mưu triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật. 

Các đối tượng tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép có thể bị phạt tù tới 15 năm

Điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 80 - 100 triệu động đối với một trong các hành vi (1) ở lại nước ngoài trái phép khi hết hạn hợp đồng lao động; hết hạn cư trú; (2) bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; (3) sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; (4) lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.

Điều 347, Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định: người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.