Cần tỉnh táo để trở thành người xem, người đọc thông thái

Phạm Thanh Khương
16:14 - 27/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ở vào thời điểm mạng xã hội rất dễ gây sóng lớn xung quanh các tác phẩm nghệ thuật mới ra đời, công chúng cũng cần có cái nhìn thông thái.

Mới đây, một bạn văn của tôi, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho ra mắt bộ 3 cuốn tiểu thuyết lịch sử: "Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn", "Trần Thủ Độ" và "Trần Nguyên Hãn". Ông có kể tôi nghe chuyện rằng, thấy ông viết trên facebook rằng, vụ án vườn vải Lệ Chi viên là vụ án của tình yêu. 

Đọc thấy thế, một nhà văn khác vào "mắng mỏ": Tại sao lại "tin" những gì Ngô Sĩ Liên viết về việc đó. Và bồi thêm: Đó là cái nhìn sai lệch lịch sử, yêu cầu tác giả đừng viết nữa. Tranh cãi kịch liệ và sau cùng là hủy kết nối trên mạng xã hội, "tiễn" khỏi trang cá nhân và "delete" mọi điều tốt đẹp đã có với nhau trước đó.

Văn hóa xem, văn hóa đọc và phông văn hóa hưởng thụ nghệ thuật  - Ảnh 1.

Một buổi ra mắt sách của các nhà văn. Ảnh: TGCC

Câu chuyện vụ án vườn vải Lệ Chi Viên không phải bây giờ mà trong lịch sử cũng không ít lần các nhà sử học, các nhà nghiên cứu, các bậc túc nho, trí thức và cả trong đời sống xã hội đã luận bàn. 

Sự việc được chép trong "Đại Việt sử toàn thư" như sau: Ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch) vua về đến Lệ Chi viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). 

Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 (bà sinh năm 1400) được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất.

Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 (âm lịch) mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Ngay sau khi Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên nối ngôi (tức là Lê Nhân Tông), triều đình bắt Nguyễn Trãi tru di tam tộc vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) cùng năm. Đến năm 1464, Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá, cho người con trai còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ làm chức Đồng Tri châu. Năm 1512, Lê Tương Dực truy tặng Nguyễn Trãi làm Tế Văn hầu.

Như vậy, tôi cho rằng các nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử là góc nhìn của họ. Việc thuật lại câu chuyện lịch sử có chiếu rọi bằng tư duy của nhà văn, có lý giải và giải mã riêng cũng là một góc nhìn về lịch sử, văn hóa. Tất nhiên, khi xem xét những vấn đề trong lịch sử không chỉ căn cứ vào một cuốn sách nào mà cũng cần tham khảo nhiều cuốn khác và cả những vấn đề có liên quan.

Gần đây, cộng đồng mạng và dư luận xã hội lại có dịp "xôn xao" về bộ phim điện ảnh mới công chiếu "Em và Trịnh". Câu chuyện "nóng" đến mức, không chỉ tranh luận trên mạng xã hội mà giới truyền thông, báo chí cũng nhiệt tình "nhảy vào cuộc".

Tựu chung lại, có 3 luồng ý kiến để luận và bàn: Một, cho rằng phim Việt như thế là đạt, hay và thấy thích; đã nói được cuộc đời và những mối tình một thuở của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong các tác phẩm âm nhạc của ông. Ý kiến khác thì công kích từ nội dung đến hình ảnh, lời thoại và cho rằng kịch bản "ôm đồm" và không "quên" đánh giá phim Việt chỉ đến vậy. 

Đặc biệt là khá nhiều người yêu điện ảnh chọn một cái nhìn trung dung: Im lặng, không bình, không bàn và không xem, coi như mọi sự xôn xao là bình thường và xem thì sợ cái nhìn của mình về nghệ thuật điện ảnh nó sai lệch đi. Với tôi, dù góc độ nào thì đều thể hiện tính cá nhân mang tính chủ quan với văn hóa xem, nghe, đọc.

Lịch sử và đời sống xã hội, tất cả đều có "mã hóa văn hóa". Việc giải mã văn hóa đó là tùy thuộc vào "kiến văn", "văn hóa nền", năng lực tư duy, năng lực phán đoán, năng lực tổng hợp của mỗi cá nhân; biết lắng nghe, biết sàng lọc để tìm ra cái "gần" với chân lý nhất. Song, trên tất cả, để có thể đi đến một nhận xét xác đáng, điều kiện cần và đủ là phải khách quan, tuyệt đối không áp đặt chủ quan, chỉ "cái tôi đúng" trong đó.

Trước một cuốn tiểu thuyết lịch sử, trước hết phải tiếp cận "nó" là văn học chứ không phải là lịch sử. Ngay cả trong các sách lịch sử còn lại cho hậu thế, có ai ghi lúc ấy, giờ ấy, ngày ấy, vị vua, ông quan hay cá nhân ai nghĩ gì, chưa kể lịch sử còn là sản phẩm đặc trưng của thời đại, mang dấu ấn của cá nhân người viết bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.  

Quay lại chuyện tranh luận "xôm trò" về phim "Em và Trịnh", vẫn biết, các nhân vật liên quan trong nội dung kịch bản phim, người còn, người mất. Đây chính là cái khó của nhóm làm phim. Nhưng dù có là phim về một nhân vật có thật, đây vẫn là "phim" và kịch bản nghệ thuật. Có thể, từ một nguyên mẫu nào đó đã đưa đến cảm xúc ra đời tác phẩm âm nhạc, đấy là chất xúc tác. Khi tác phẩm ra đời, nó hoàn toàn "thoát xác" khỏi tác động cảm xúc cụ thể, nó trở thành tài sản âm nhạc của công chúng, hòa vào đời sống âm nhạc của nhân loại. 

Ngày 27/6, mới nhất xung quanh những bàn tán về bộ phim "Em và Trịnh", nhóm làm phim đã phải lên tiếng xin lỗi vì sáng tạo của bộ phim đã làm các nguyên mẫu phiền lòng. Đây là một sự "xuống nước" nhằm hạ nhiệt công chúng, một mặt đưa bộ phim tiếp tục thu hút người xem và đi đến doanh thu mong muốn. Mặt khác, những nhà làm phim cũng muốn khán giả tập trung vào nghệ thuật sáng tạo nghệ thuật và xem bộ phim như một tác phẩm điện ảnh, không quá soi mói chi tiết đời tư các nhân vật cũng như cảm thấy "tổn thương" vì hình ảnh "tượng đài" trong lòng họ. 

Cũng có thể, việc xảy ra tranh cãi giữa nhóm "cuồng" và phái "nhạt" làm cho câu chuyện "um củ tỏi" là "chiêu trò" gây tò mò để lôi kéo người xem đến rạp. Kể cả có chuyện đó cũng là bình thường trong thời đại internet chiếm lĩnh cuộc sống của chúng ta. Xét trên một góc độ nào đó, các loại hình nghệ thuật cũng là một loại "hàng hóa" đặc biệt. 

Để có thể "làm chủ" suy nghĩ của bản thân, không bị cuốn vào những tranh cãi "ồn ào" của đời sống, công chúng cần trang bị cho mình kiến thức, thái độ văn minh khi khi tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật - sản phẩm của tư duy con người. Mỗi người cần có "văn hóa xem", "văn hóa đọc" và không ngừng bồi bổ phông văn hóa của chính mình. 

Cuối cùng, cũng cần một sự "tỉnh táo" để trở thành người xem, người đọc "thông thái" mà không rơi vào "bẫy" tâm lý, dẫn đến đóng góp những ý kiến để mạng xã hội trở nên gay cấn, tiêu cực không có lợi cho sáng tạo nghệ thuật.