Cẩn thận "bẫy" online: 3 thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang hoành hành
Sự phát triển của công nghệ đã mang đến nhiều tiện ích cho cuộc sống, tuy nhiên cũng là "con dao hai lưỡi" cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), tội phạm mạng giờ đây có thể dễ dàng tạo ra những trang web, ứng dụng giả mạo tinh vi, khó phân biệt với thật.
Lập website giả mạo và mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo game thủ
Theo Cục An toàn hông tin, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game, việc quy đổi vật phẩm ảo thành giá trị tiền thật đã trở nên phổ biến, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chủ yếu là giới trẻ, đối tượng tiếp xúc nhiều với công nghệ.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường bắt đầu bằng việc tạo các website giả mạo, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hay KOL trong lĩnh vực game để thu hút sự chú ý. Tiếp theo, những đối tượng này quảng cáo các vật phẩm giới hạn có giá trị cao, thông báo rằng người chơi chỉ có thời gian ngắn để sở hữu đồ vật này. Để có được vật phẩm, các đối tượng yêu cầu người chơi cung cấp thông tin cá nhân và thanh toán một khoản tiền nhất định.
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - NCS nhận định: "Hiện nay việc tạo ra 1 trang web hay 1 ứng dụng mạo danh có thể chỉ tính bằng đơn vị phút, và đây chính là nguyên nhân khiến ứng dụng mạo danh, website giả mạo xuất hiện tràn lan trên không gian mạng Việt Nam cũng như quốc tế thời gian qua."
Trong một số trường hợp, những kẻ lừa đảo sử dụng hình thức trò chơi để dụ dỗ nạn nhân tải xuống phần mềm, ứng dụng, hoặc tệp giả mạo nhằm cải thiện trải nghiệm chơi game, như nâng cao hiệu suất hay giảm độ trễ. Sau khi tải về, thông tin và dữ liệu trên thiết bị của nạn nhân sẽ bị đánh cắp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trong game trực tuyến; không truy cập vào các trang web lạ và không cung cấp thông tin cá nhân nếu chưa xác thực tính chính thống của website.
Người chơi cũng nên thận trọng trước các quảng cáo có ưu đãi bất thường từ những nhà phân phối không rõ danh tính và không liên kết với đơn vị phát hành game.
Mạo danh cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội lừa người dân
Gần đây, nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo giả danh cảnh sát giao thông để gửi thông báo phạt nguội. Vì không rõ quy trình xử lý của cơ quan chức năng, nhiều người đã bị mắc bẫy và mất mát tài sản.
Thủ đoạn của đối tượng là tự xưng là cảnh sát giao thông, thông báo vi phạm và yêu cầu cung cấp số biên bản do đã quá thời hạn xử lý. Nếu nạn nhân chưa nhận được biên bản, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, và số tài khoản ngân hàng để được cung cấp thông tin về vi phạm và mức phạt. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi và tin nhắn từ những cá nhân không rõ danh tính. Hãy chủ động xác minh thông tin qua các nguồn chính thống.
Cơ quan này cũng cho biết, khi có trường hợp vi phạm giao thông, cảnh sát sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở công an tại địa điểm vi phạm để làm việc.
Do đó, người dân không nên tin và thực hiện theo hướng dẫn của những đối tượng lạ gọi thông qua điện thoại hoặc tin nhắn. Hãy giữ kín thông tin cá nhân nhạy cảm và hạn chế truy cập vào các liên kết không rõ nguồn gốc.
Cảnh giác với các lời mời "làm nhiệm vụ trực tuyến"
Lừa đảo việc làm, céo gợi ý trả phí cho những người 'làm nhiệm vụ online', không phải là hình thức mới, nhưng vẫn là một trong những 'điểm nóng' lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.
Gần đây, Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn của ông C.X.H, trú ở phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, phản ánh việc ông bị lừa đảo và chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng sau khi tải ứng dụng Telegram để xem và bình chọn phim online.
Các đối tượng lừa đảo thường tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự nhận là nhân viên hỗ trợ và mạo danh các công ty uy tín. Những đối tượng này sử dụng Facebook, Zalo hoặc Telegram để dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các "dự án" hoặc nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng không có thật.
Khi nạn nhân đã chuyển một số tiền lớn, các đối tượng sẽ đưa ra lý do để ngăn cản việc rút tiền và chặn mọi liên lạc.
Để tránh bị lừa, Cục An toàn thông tin khuyên người dân cảnh giác với lời hứa hẹn thu nhập cao, công việc dễ dàng không cần bằng cấp; xác minh thông tin từ nguồn chính thức; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai.
Người dân nên thiết lập xác thực 2 yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ và ngăn chặn kịp thời.
Trên đây là 3 "bẫy" về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian gần đây, khuyến cáo người dân cảnh giác trước các hình thức như lừa đảo game online, việc làm và lừa đảo mạo danh. Các chuyên gia cho biết tội phạm mạng thường sao chép hình ảnh và nội dung từ thương hiệu giả mạo, sau đó chèn mã độc để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài khoản, thiết bị của người dùng. Hãy cùng nhau bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước những "bẫy" online!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google