Cảnh báo giả mạo nhân viên EVN, lừa chuyển tiền điện qua tài khoản ngân hàng
EVNNPC đề nghị khách hàng sử dụng điện nêu cao tinh thần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng khi chưa được xác minh.
Hành vi giả mạo nhân viên EVN, lừa chuyển tiền điện qua tài khoản ngân hàng
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết gần đây tại khu vực thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện một số đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên điện lực, giả mạo nhân viên EVN, sử dụng số điện thoại cá nhân gọi điện và yêu cầu khách hàng thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của các đối tượng này.
Khi khách hàng từ chối, những đối tượng này ngay lập tức có thái độ khiếm nhã, sử dụng lời nói bất lịch sự với khách hàng, đe dọa cắt điện của khách hàng.
EVNNPC khẳng định ngành điện tuyệt đối không sử dụng tài khoản cá nhân để thu tiền điện. Đồng thời, nhân viên điện lực khi giao tiếp với khách hàng đều tuân thủ nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, tuyệt đối không có thái độ khiếm nhã, không được phép sử dụng lời nói bất lịch sự.
Do đó, nhằm ngăn ngừa hiện tượng mạo danh, thực hiện hành vi lừa đảo, xúc phạm khách hàng gây ảnh hưởng đến uy tín ngành điện, EVNNPC đề nghị khách hàng sử dụng điện nêu cao tinh thần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng khi chưa được xác minh.
Cùng với đó, khuyến cáo khách hàng khi nhận được cuộc gọi, nghi ngờ mạo danh nhân viên ngành điện, khách hàng sử dụng điện cần thông báo đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng theo số điện thoại 19006769 để được tư vấn, hỗ trợ.
Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) gần đây cũng thường xuyên cảnh báo người dân cảnh giác với các hình thức lừa đảo tương tự như mạo danh cơ quan công an yêu cầu người dân cài đặt các phần mềm giả mạo, đầu tư tiền ảo trong các hội nhóm mạng xã hội, du lịch miễn thị thực, đóng giả các bên dịch vụ vận chuyển, quà tặng, thông báo người bị hại trúng thưởng, cần thanh toán phí để nhận quà, thông báo trúng thưởng và yêu cầu chuyển tiền để nhận giải...
Các bước thực hiện tố cáo đối tượng lừa đảo đến cơ quan chức năng như sau:
Bước 1: Tố giác tội phạm đến cơ quan công an để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Bước 2: Cung cấp đầy đủ bằng chứng, tài liệu, tang vật, tang chứng liên quan đến vụ việc.
Bước 3: Cơ quan chức năng tiếp nhận đơn tố giác, đánh giá và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Bước 4: Cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ án lừa đảo.
Bước 5: Cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục xét xử và truy tố.
Bước 6: Tòa án ra quyết định buộc tội kẻ lừa đảo, trả tiền cho người bị hại.
Khung hình phạt theo quy định của Nhà nước về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tùy theo mức độ nghiêm trọng và số tiền, tòa có thể tuyên án phạt cải tạo hoặc phạt tù theo điều 174 Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các trường hợp gian dối chiếm đoạt tài sản người khác có giá trị từ 2.000.000 đến dưới 5.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã từng bị kết án về tội này hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
Phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm giữ các chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google