Cách khuyến học đặc biệt dưới dãy núi Sí Dì

Vũ Toàn
10:18 - 06/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bắt đầu từ câu lạc bộ dân ca dân tộc Mông, các giáo viên và nhà trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã có biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học rõ rệt.

"Một thời, giáo viên vùng cao phải về tận bản vùng sâu, vùng xa vận động con em đồng bào đi học. Bây giờ, thay vì đi vận động, giáo viên tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Nhưng muốn công việc này hiệu quả thì nhà trường cần biết cách khuyến học thiết thực, hữu ích". Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Sơn tâm đắc hướng đi đang diễn ra ngay trong ngôi trường của mình dưới dãy núi Sí Dì, bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Mở đầu câu chuyện, cô Huyền không giấu giếm: "Từ năm học 2020 trở về trước, chất lượng học tập của 300 học sinh người Mông lớp 1 đến lớp 9 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn đạt thấp, đứng 'top cuối' của huyện". Lí do các hoạt động giáo dục chưa rõ rệt, vì thế chưa khuyến khích được tâm trí ham học của học sinh. Tình trạng "dậm chân tại chỗ" này thực sự được biến đổi kể từ năm học 2020 nhờ cách khuyến học đặc biệt.

Cách khuyến học đặc biệt dưới dãy núi Sí Dì - Ảnh 1.

Tại cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc do Uỷ ban nhân dân huyện Kỳ Sơn tổ chức trong dịp lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tiết mục văn nghệ "Bản sắc dân tộc Mông" được Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn tham gia, đoạt giải Nhì. Ảnh: Vũ Toàn

Từ thành lập Câu lạc bộ dân ca Mông

Thực tế "dậm chân tại chỗ" nêu trên khiến Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên trăn trở, buộc phải nghĩ ra cách tổ chức lại các chương trình giáo dục ngoại khoá theo định hướng rõ rệt. Nghĩa là phải có hoạt động thực chất để giáo viên "rút ruột, nhả tơ" trong từng giờ dạy, còn học sinh "học như nuốt chữ vào bụng" vậy.

Rốt cuộc, cách làm này cũng chưa ăn nhằm gì khi học sinh Mông có tiếng nói, ngôn ngữ riêng của họ lại tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông bằng 100% tiếng Việt, ngôn ngữ Việt. Ban giám hiệu lại xoay trở với thực tế nan giải này. Xoay trở mãi rồi nghĩ ra một sáng kiến được cho là mới lạ. Đó là, "bên cạnh chương trình giáo dục ngoại khoá, nhà trường hướng học sinh vào những nội dung văn hoá mang nét đặc trưng của người Mông để gắn kết học sinh Mông với trường, với lớp. Đây là cơ sở để học sinh có thể "thức, ngủ" với từng con chữ, ngôn ngữ Việt. Chỉ có cách này chương trình giáo dục mới có chất lượng", cô Huyền nhớ lại một nhận định.

Chúng tôi hỏi về những nét đặc trưng văn hoá người Mông cụ thể là gì. Cô Huyền giải thích: "Đó là lời dân ca cự xia bao đời nay được thể hiện bằng điệu múa khèn truyền thống - một sinh hoạt văn hoá dân ca đặc sắc của người Mông".

Cách khuyến học đặc biệt dưới dãy núi Sí Dì - Ảnh 2.

Tiết mục thi trình diễn trang phục của câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông, đoạt giải Nhì trong lễ hội Đền Phu Nhạ Thầu 2023. Ảnh: Vũ Toàn

Khi sáng kiến có sức khơi gợi, Ban giám hiệu phân công giáo viên chọn và hướng dẫn học sinh học tập, nghiên cứu làm đề tài bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa khèn của người Mông. Cô Huyền cho hay: "Chúng tôi chọn một học sinh nam có năng khiếu múa khèn và hiểu sâu về nghệ thuật múa khèn. Một học sinh nữ có năng lực làm nghiên cứu khoa học về nghệ thuật múa khèn được chọn viết công trình. Tôi là giáo viên hướng dẫn".

Theo cô Huyền, hướng dẫn cho học sinh hiểu và viết ra được công trình nghệ thuật múa khèn với nét đẹp văn hoá của người Mông thật không dễ dàng gì. Đây là quá trình giúp các em hiểu nét đẹp văn hoá đang bị mai một, và chính các em là những người duy trì, bảo tồn nó. "Phải mất cả năm trời, cô và trò mới hoàn thành công trình", cô Huyền vui nói. Kết quả, công trình của hai học sinh được cử tham gia kì thi Khoa học - Kỹ thuật cấp huyện, đoạt giải 3. Tại kì thi này của cấp tỉnh, hai em cũng đoạt giải 3. 

Từ đây, câu lạc bộ đầu tiên của nhà trường được thành lập với tên gọi "Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông". Cô Huyền làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Thành viên là 30 học sinh các lớp 7,8,9.

Tiếng thơm bay xa, các cơ quan xã, huyện, đặc biệt Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An biết việc này nên cử cán bộ đến tìm hiểu rồi hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Năm học 2022-2023 Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An chu cấp toàn bộ dụng cụ (khèn, sáo, loa và trang phục biểu diễn của dân tộc Mông). Người giảng dạy các em học hát, học múa, thổi khèn là giáo viên nhà trường và một số nghệ nhân dân gian trong tỉnh. 

Mới đây, tại cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc do Uỷ ban nhân dân huyện Kỳ Sơn tổ chức trong dịp lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tiết mục văn nghệ "Bản sắc dân tộc Mông" được Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông tham gia, đoạt giải Nhì.

...đến xây dựng tài liệu song ngữ tiếng Việt - tiếng Mông

Câu lạc bộ mới trình trường, trình bản nhưng đã "mang" về một số giải thưởng đáng khích lệ cho giáo viên và học trò. Thực tế này chứng tỏ học sinh người Mông rất hứng thú khi tham gia câu lạc bộ. Hiện số học sinh tham gia đã tăng lên 40 em. Khi thấu hiểu nét đẹp văn hoá của đồng bào mình, các em thích đến trường, đến lớp và say mê học tập hơn trước. 

Trao đổi về sự biến chuyển này, ông Phạm Viết Phúc, quyền trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, nhận xét: "Câu lạc bộ càng sôi động với đủ lứa tuổi thì học sinh cả hai cấp càng nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Từ giao tiếp bằng tiếng Việt chuyển sang học bằng tiếng Việt là một bước đi không xa xôi như trước. Năm học 2021 và 2022 chất lượng giáo dục của học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn đã vượt lên rõ rệt. Tỉ lệ bỏ học giảm hẳn, từ vị trí tốp cuối 18/19 nay xếp thứ 13/19 của huyện".

Nhưng câu chuyện khuyến học dưới mái trường này sẽ còn đặc biệt hơn khi chúng tôi biết cô giáo Huyền đang tập trung thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về "Biên soạn tài liệu bổ trợ song ngữ tiếng Việt - tiếng Mông theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An". 

Theo cô Huyền, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đề tài này (trước đó, năm 2019 cô Huyền bảo vệ thành công với kết quả "xuất sắc" luận án Tiến sĩ "Dạy-học-đọc-hiểu văn bản thông tin trong môn Ngữ Văn cho học sinh dân tộc thiểu số Mông ở trường Trung học cơ sở", tại Hà Nội).

Tìm hiểu kỹ đề tài cô Huyền đang thực hiện, chúng tôi hiểu thêm về sự gian nan trong việc dạy học cho học sinh Mông. Gian nan nhất ở chỗ, học sinh Mông có ngôn ngữ, chữ viết riêng của người Mông nhưng khi học phổ thông thì phải học bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Đây là một việc khó để tiếp nhận tri thức của học sinh Mông, bắt đầu từ mẫu giáo. Chất lượng học tập của học sinh Mông nhiều năm đạt thấp và kéo dài từ lớp này sang lớp khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác xuất phát từ sự khó này. Đây cũng là lí do khiến cô giáo Huyền bắt tay vào viết đề tài nêu trên để mong "gỡ" được sự khó. 

Từ đề tài song ngữ tiếng Việt - tiếng Mông, những người làm công tác giáo dục có trách nhiệm sẽ mở rộng các loại song ngữ cho phù hợp với đối tượng là học sinh người các dân tộc thiểu số.