Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ"

img
Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ" - Ảnh 1.

Là anh cả trong một gia đình dân tộc Mông rất nghèo gồm 3 anh em, Trần Văn Hồng (sinh năm 1991), ở xóm Mỏ Ba (Tân Long, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có một tuổi thơ khá vất vả nơi núi cao, rừng sâu. Ngày ngày bố mẹ lên nương, Hồng vác gùi kiếm măng, hái rau, lượm quả để có cái ăn cho cả nhà ấm bụng.

Trong một lần có người bác họ đến chơi nhà, thấy Hồng có khuôn mặt khôi ngô sáng sủa, người bác nói với bố mẹ Hồng "cố gắng cho đứa bé này đi học, sau nó sẽ làm nên việc lớn". Bố Hồng vui lắm, nghe theo lời khuyên của bác. Vậy là Hồng được đến trường. Năm đó Hồng 6 tuổi, còn chưa biết nói tiếng phổ thông.

Nhà Hồng ở trong khe núi heo hút, hồi đó chưa có đường sá, phải đi bộ xuyên qua đồi núi cây cối rậm rì, tới trường mất gần một tiếng. Nhưng được đi học, được biết cái chữ Hồng vui lắm, cứ băng rừng lội suối mà đi. Ở rừng có nhiều con vắt, chúng bám vào bất cứ chỗ nào hở da thịt mà hút máu người, Hồng cứ tung tăng đi, chẳng buồn dừng chân, kệ cho vắt hút máu căng lúc lỉu rồi tự rơi xuống. Đôi chân nhỏ của cậu bé Mông cứ thoăn thoắt ngày tháng để tới nơi cái chữ đang đợi em. Những hôm mưa to, Hồng không qua suối được, phải chờ bố mẹ đón cõng qua suối để về nhà. Cậu bé 6 tuổi ngày đó vì ham cái chữ, nên dù một mình trên đường đến trường, vẫn cứ nén cái sợ để bước chân, dọc đường vẫn còn tranh thủ hái quả nhặt rau rừng phụ giúp bố mẹ.

Ở Mỏ Ba - nơi có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển thì việc trèo đèo lội suối để đi học cái chữ của bà con là cả một hành trình gian nan. Có những hôm đi học đường mưa, dốc trơn, Hồng bị ngã chảy máu chân, đói tóp cái bụng, nhưng cậu bé vẫn hăm hở đến trường, không sợ đau, không sợ đói cái bụng, chỉ sợ đói cái chữ.

Được đến trường, Hồng được trò chuyện cùng các thầy cô giáo từ xuôi lên miền núi, bao nhiêu câu chuyện hay ho, mới lạ đối với cậu bé sinh ra trên đỉnh núi cao. Cậu bé ham học ấy dần hiểu ra, nếu có cái chữ, thì bà con Mỏ Ba của cậu sẽ có nhiều thứ tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mình.

Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ" - Ảnh 2.

Chính vì thế, ngay từ nhỏ, Hồng đã tự hứa với bản thân sẽ mang cái chữ đến cho bà con, để bà con hiểu biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài những ngọn núi cao và cánh rừng sâu của mình.

Chăm chỉ học hỏi, Hồng luôn đạt học lực giỏi, được thầy cô ghi nhận, yêu thương, động viên, khuyến khích. Trong khi các bạn cùng trang lứa cứ bỏ học dần vì đường xa, vì đi lại vất vả, vì cái chữ khó quá… thì cậu bé Hồng mỗi ngày thêm yêu thích những điều thú vị mà cái chữ mang đến cho mình và quyết tâm kiên trì đeo đuổi ước mơ chinh phục cái chữ, mang tri thức về cho bà con quê hương.

Hết cấp một, Hồng đạt lực giỏi, Hồng xin bố cho học tiếp lên cấp hai. Nhưng lúc này bố nói gia đình đông miệng ăn, kinh tế rất khó khăn, trường thì xa, bố cũng không có xe để đưa Hồng đi học.

Trường cấp hai cách nhà 12-13 cây số đường rừng, đèo, dốc, đi bộ phải mất 3-4 giờ đồng hồ. Nhưng Hồng tha thiết xin bố để Hồng tự đi bộ bằng đôi chân. Thấy bố xuôi xuôi, Hồng gói nắm cơm rồi mất nửa ngày đường tìm đến trường cấp hai đăng ký dự thi.

Hồng trúng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Long.

Với tình yêu và quyết tâm đeo đuổi cái chữ, Hồng là một trong số hai bạn học hết THPT ở xóm núi Mỏ Ba.


Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ" - Ảnh 3.

Học xong cấp ba với lực học giỏi, nhưng con đường chinh phục cái chữ của Hồng lại thêm trắc trở khi hai đứa em khôn lớn cũng cần được đến trường. Hồng mong mỏi hai em cũng được học như mình, sau này thành đạt ấm cái thân.

Nhưng nếu cả mấy anh em cùng đi học thì bố mẹ không thể lo được, gia đình quá khó khăn, cái ăn còn lo từng bữa. Hồng thức trắng nhiều đêm và quyết định nghỉ học để cùng bố kiếm tiền chăm lo cho cả nhà.

Hồng nghỉ học được một năm.

Trong một lần xuống thành phố mua sách cho em, Hồng gặp người bạn hồi học cấp ba, bạn động viên Hồng "học giỏi mà bỏ thì tiếc quá". Bạn khuyên Hồng nên chọn học ngành sư phạm với nhiều ưu đãi về học phí, học bổng. Về nhà, lại suy nghĩ đau đáu, cái chữ vẫn réo gọi không ngừng trong Hồng, vậy là chàng thanh niên quyết định ôn tập để thi Đại học.

Năm 2012, Hồng thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Năm đó điểm đầu vào là 16,5 điểm, Hồng đạt 19,5 điểm.

Những ngày đầu học Đại học, Hồng trăn trở về gánh nặng cơm áo gạo tiền đè trên vai bố mẹ, nên ngoài giờ học, chàng sinh viên trẻ tranh thủ đi làm thêm, từ việc phụ hồ, dọn dẹp vệ sinh, học lỏm nghề thợ điện của một anh sinh viên khóa trên để đi sửa điện thuê… Sau khi tích lũy được số tiền nhỏ, Hồng mua một chiếc xe máy cũ, đi thi bằng lái xe rồi làm xe ôm vào các buổi chiều sau giờ tan học.

Có tiền, Hồng mua gạo gửi về cho bố mẹ và gửi tiền để phụ giúp các em học hành.

Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ" - Ảnh 4.

Năm 2016, Hồng tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi.

Hồng xin về dạy học ở ngôi trường mình đã từng học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ban đầu làm giáo viên hợp đồng trong ngân sách, rồi hợp đồng khoán, đến tận năm 2021 mới có chương trình tuyển viên chức, Hồng thi đỗ vào biên chế.

Ngôi trường của Hồng đủ các học sinh con em các dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Mông… thuộc 5 xóm: Lân Quan, Hồng Phong, Làng Giềng, Đồng Mây, Đồng Luông. Là người con dân tộc Mông nên Hồng có lợi thế rất hiểu con em dân tộc mình, qua đó, có cách truyền thụ kiến thức gần gụi, sinh động, dễ hiểu, có lúc phải dùng cả tiếng dân tộc để diễn giải thêm cho học sinh.

Bà con ở quê hương Mỏ Ba rất tự hào và quý trọng thầy Hồng vì sự chân tình, hết lòng vì học sinh của thầy. Nhớ lại thuở nhỏ, nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng vì cuộc sống khó khăn ăn còn không đủ no huống chi đi học, rồi trình độ văn hóa, nhận thức xã hội của bà con còn thấp, cùng với ảnh hưởng của các tập tục, hủ tục… mà nhiều em đã bỏ học. Nên Hồng ra sức động viên, khích lệ đồng bào cho con em đến trường.

Cũng có những em học sinh nhà ở khu vực hẻo lánh, sâu xa đã bỏ học. Nhưng thầy Hồng cùng các thầy cô trong trường vẫn đến tận nhà để động viên bố mẹ cho các em đến trường. Hồng mang câu chuyện của mình ra để trò chuyện với các phụ huynh, như một minh chứng về sự kiên trì, kiên nhẫn theo đuổi cái chữ, để được làm người thầy, để có ích với đồng bào quê mình, với xã hội. Vì thế, rất nhiều học sinh đã được bố mẹ cho trở lại trường học, với mong muốn sau này được thành tài như thầy Hồng.

Ở trường, thầy Hồng là giáo viên dạy bộ môn Địa lý, vì quá hiểu địa hình quê hương mình, nên thầy lồng kiến thức trong sách với thực tế ngoài đời sống để truyền thụ cho các em hiểu hơn về thiên nhiên, về địa hình núi cao, về điều kiện thổ nhưỡng, về những thuận lợi cần phát huy, những khó khăn cần khắc phục. Bài giảng của thầy Hồng luôn gần gũi, mộc mạc, dễ hiểu, nên giờ học của thầy luôn tràn ngập tiếng cười, các học sinh rất háo hức đón nhận thông tin thú vị mà thầy truyền giảng.

Không chỉ truyền thụ kiến thức, thầy Hồng tự xung phong và trúng vị trí Bí thư Đoàn xã, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể ở địa phương, giác ngộ được nhiều bạn trẻ tham gia cảm tình đoàn, trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Trần Văn Hồng rất tích cực trong việc tổ chức, xây dựng nhiều hoạt động gắn kết thanh niên địa phương như dọn vệ sinh đường liên xóm, trồng cây xanh, bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, giao lưu văn hóa thể thao… Thầy cùng các đoàn viên đưa phong trào thanh niên cơ sở ngày càng tiến bộ, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.

Thầy Hồng còn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều bà con ở Mỏ Ba. Thầy tích cực giúp đỡ bà con hòa nhập với cộng đồng, có những người bị ốm đau bệnh tật đều được thầy Hồng chỉ dẫn cụ thể cách đi khám, thậm chí có nhiều lần thầy cũng thu xếp cùng bà con đi tới các bệnh viện để lo "khâu thủ tục, bởi bà con không sõi tiếng phổ thông, cũng không am hiểu nhiều về các quy định, chỉ dẫn".

Thầy Hồng cũng tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, từ chiếc điện thoại smartphone hay chiếc máy tính có kết nối mạng internet, thầy dẫn dắt học sinh và người bà con dân bản đến với những kiến thức sinh động, giúp bà con biết thêm về cuộc sống đa dạng ở muôn nơi, truyền đạt những định hướng của Đảng và Nhà nước về chương trình phát triển nông thôn, làm kinh tế, góp ý bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, tìm hiểu về trồng cây gì là phù hợp, sử dụng thuốc trừ bệnh thế nào cho an toàn, chăn nuôi con gì là kinh tế cao, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu… Những thông tin bà con chưa hiểu rõ, thầy Hồng dùng ngôn ngữ dân tộc mình để diễn giải, hướng dẫn bà con.

Thầy giáo người Mông với quyết tâm "thà chịu đói cái bụng để được no cái chữ" - Ảnh 5.

Sự tâm huyết, nhiệt huyết của thầy Hồng đã được ghi nhận qua những tấm bằng khen, những danh hiệu cao quý như: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2018-2019, 2022-2023; danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2019-2020; liên tục nhận được Giấy khen của Chủ tịch UBND xã vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở cơ sở…

Với bà con người Mông ở Mỏ Ba, thầy Hồng là tấm gương điển hình của người con sẵn sàng "đánh đổi cái bụng đói để được no cái chữ", góp tâm sức của mình xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, ấm no, an ổn hơn.

Khi được hỏi về thành công hôm nay, thầy Hồng vẫn bày tỏ niềm trăn trở: "Những gì em đạt được hiện tại vẫn là nhỏ bé, mới giúp các em học sinh và bà con được phần nào thôi. Em vẫn còn nhiều trăn trở, cuộc sống của bà con vẫn còn quá nhiều khó khăn, em vẫn còn nhiều việc cần làm để có thể giúp bà con tiến bộ hơn nữa, cải thiện khó khăn hiện tại. Hiện vẫn còn rất nhiều em học sinh dân tộc cần được động viên, tiếp sức để được đến trường, đến trường rồi thì cần ham học, không bỏ học, tiếp thu tri thức để được thành đạt sau này. Quê em cũng có rất nhiều người dân, nhất là người cao tuổi chưa biết gì về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng của nhà nước, các dịch khám chữa bệnh miễn phí của các đoàn thiện nguyện… Em sẽ nỗ lực hơn nữa để tuyên truyền cho bà con hiểu, tham gia các chương trình ý nghĩa này nhằm đảm bảo sức khỏe để tăng gia sản xuất. Trong tương lai, em sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, dù chỉ ở vai trò kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ bà con".