Cách đo vòng bụng để xác định bạn có đang bị béo phì hay không?

Lan Dương
17:46 - 24/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Để xác định một người có bị bệnh béo phì hay không, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn cách tính chỉ số khối cơ thể và cách đo vòng bụng.

Cách đo vòng bụng để xác định bạn có đang bị béo phì hay không? - Ảnh 1.

Béo phì dạng nam khi vòng bụng ≥ 90cm ở nam. Ảnh: Dreamstime.com

Ngày 22/10/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2892/QĐ-BYT 2022 Tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì". 

Để xác định một người có bị bệnh béo phì hay không, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn cách tính chỉ số khối cơ thể và cách đo vòng bụng như sau: 

Chỉ số khối cơ thể (BMI- Body mass index)

Chiều cao đứng: Được đo bằng thước. Người được đo đứng thẳng trong tư thế thoải mái, mắt nhìn về phía trước, hai gót chân sát nhau chụm lại thành hình chữ V, đo một đường thẳng từ đỉnh đầu đến gót chân. Kết quả tính bằng đơn vị mét và sai số không quá 0,1 cm. 

Trọng lượng cơ thể: Cân nặng: Người được đo mặc quần áo mỏng nhẹ, bỏ guốc dép và đứng lên cân theo đúng vị trí, chỉ số trên màn hình sẽ báo trọng lượng cơ thể. Đo trọng lượng cơ thể chính xác đến 0,1 kg. Đơn vị biểu thị trọng lượng: kg. 

Công thức tính Chỉ số khối cơ thể BMI (kg/m2) = Cân nặng (kg)/Chiều cao (m2

Bảng 4.1. Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á 

BMI (kg/m2)

Phân loại 

< 18,5

Thiếu cân

18,5 - 22,9

Bình thường

23-24,9

Thừa cân

25 - 29,9

Béo phì độ I

≥ 30

Béo phì độ II

Vòng bụng 

Để đo vòng bụng, nên sử dụng thước dây chia vạch do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn của Cục đo lường Việt Nam. 

Cách đo: Bệnh nhân đứng thẳng hai chân, hai bàn chân cách nhau 10cm, trọng lượng cơ thể đều trên hai chân, bộc lộ vùng đo, cho bệnh nhân thở đều đặn, đo lúc thở ra nhẹ, tránh co cơ.

Vòng bụng: Được đo ngang qua đường giữa bờ trên xương chậu và bờ dưới xương sườn cuối cùng. Sai số không quá 0,1 cm. Kết quả tính bằng cm. 

Đánh giá kết quả: Béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90cm ở nam và ≥80cm ở nữ. (Theo Bộ Y tế và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam). 

Những điều cần biết về bệnh béo phì 

Bệnh béo phì là gì? 

Theo Tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì" của Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Béo phì là một bệnh mạn tính. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại và để theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch… 

Gia tăng tình trạng béo phì hiện nay

 Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam trong thời gian từ 1975 - 2015 cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%). 

Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều mì ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản. 

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. 

Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra vào ngày 4/3/2022, trên thế giới hiện đang có hớn 1 tỉ người mắc bệnh béo phì, bao gồm: 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên, 39 triệu trẻ em. Những con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Tỷ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975 và đã tăng gần 5 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Béo phì ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi từ mọi nhóm xã hội, ở cả các nước đang phát triển và phát triển.

Ước tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 167 triệu người trên toàn cầu, bao gồm cả người lớn và trẻ em sẽ trở nên kém khỏe mạnh hơn vì bị thừa cân hoặc béo phì.
Tổ chức Y tế thế giới

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống... 

Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh. 

Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quị, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa... Tình trạng tự chữa béo phì không có hiệu quả, nhiều biến cố nặng và tốn kém. 

Cách đo vòng bụng để xác định bạn có đang bị béo phì hay không? - Ảnh 5.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều

bệnh lý mạn tính. Ảnh: CNN

Nguyên nhân gây bệnh béo phì 

Theo Tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì" của Bộ Y tế, có 5 nguyên nhân gây bệnh béo phì như sau: 

Nguyên nhân về dinh dưỡng 

Nguyên nhân dinh dưỡng của béo phì rất đa dạng, chủ yếu do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Người ăn quá mức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thói quen của gia đình; Sự chủ quan của người ăn nhiều; Chế độ ăn "giàu" chất béo. 

Đặc biệt, ở trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường. 

Nguyên nhân di truyền

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Tế bào mỡ dễ dàng phân chia theo một trong hai cách: Quá sản: vừa tăng thể tích, vừa tăng số lượng tế bào mỡ (tăng gấp 3 - 4 lần), xảy ra cho trẻ em hoặc tuổi dậy thì, khó điều trị. Phì đại: tế bào mỡ to ra do gia tăng sự tích tụ mỡ nhưng không tăng số lượng hay gặp ở người lớn, tiên lượng tốt hơn. 

Nguyên nhân nội tiết 

Tổn thương hạ đồi do chấn thương, bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, giảm gonadotropin; Hội chứng béo phì - sinh dục; Suy giáp; Cường thượng thận; U tụy tiết insulin; Hội chứng buồng trứng đa nang cũng là những nguyên nhân gây béo phì. 

Nguyên nhân mô bệnh học

Tăng sản quá mức số lượng tế bào mỡ mà kích thước tế bào mỡ có thể bình thường; Phì đại tế bào mỡ mà số lượng tế bào mỡ không tăng hoặc chỉ tăng khi các tế bào mỡ phì to hết cỡ. 

Nguyên nhân do sử dụng thuốc

Việc sử dụng một số loại thuốc cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh bép phì như Hormon steroide; Kháng trầm cảm cổ điển (3 vòng, 4 vòng, IMAO); Benzodiazepine; Lithium; Thuốc chống loạn thần… 

Bên cạnh đó, lối sống tĩnh tại, lười hoạt động thể lực, việc bỏ hút thuốc lá, hút thuốc khi mang thai (con cái của các bà mẹ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ gia tăng trọng lượng đáng kể về sau này) đều có thể gây ra bệnh béo phì. Tuy nhiên, bệnh nhân béo phì có thể do có nhiều nguyên nhân phối hợp. 

Các dạng béo phì 

Béo phì có 3 dạng gồm: Béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) và Béo phì dạng nữ (béo phì phần dưới cơ thể, béo phì hình quả lê) và béo phì hỗn hợp (mỡ phân bố khá đồng đều trên cơ thể).

Béo phì dạng nam thường dễ dẫn đến các biến chứng về chuyển hóa như hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường, đái tháo đường tuýp 2, bệnh gút, bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh túi mật, ung thư vú... 

Trong khi đó, béo phì dạng nữ làm cơ ít phát triển, thường bị suy nhược, kèm suy tĩnh mạch, rối loạn kinh nguyệt ở nữ… 

Các trường hợp quá béo phì thường là béo phì hỗn hợp.