Các trường học Đức chứng kiến bạo lực học đường gia tăng
Tình trạng bạo lực học đường gia tăng ở Đức đã gây ra sự thất vọng lớn đối với các giáo viên - những người ngày càng thấy mình đến trường chỉ để hòa giải các xung đột thay vì giảng dạy.
Các trường học ở Đức đón nhận nhiều tin xấu trong những tháng gần đây
Vào tháng 12, bảng xếp hạng giáo dục PISA cho thấy kết quả học tập môn Toán và Đọc của học sinh Đức bị tụt hạng. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, các trường học Đức đang thiếu hụt số hóa và sinh viên thì nói rằng, họ không cảm thấy sẵn sàng để tìm việc làm và giải quyết những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm một lần để đánh giá về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới thông qua việc kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi.
Và một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4, được gọi là "Schulbarometer", cho thấy cứ 2 giáo viên Đức thì có 1 người báo cáo rằng, họ đã chứng kiến bạo lực tâm lý hoặc thể chất từ học sinh.
Dagmar Wolf, cựu giáo viên và là trưởng phòng nghiên cứu giáo dục tại Quỹ Robert Bosch, người đã liên hệ với hơn 1.600 giáo viên để khảo sát, cho biết: "Bức tranh chung của các trường học hiện nay là bạo lực học đường. Số vụ ẩu đả đã tăng lên với những hành vi phá hoại, một trong số đó có cả những vụ vượt ra ngoài trường học. Chúng tôi thậm chí còn nhận được báo cáo về việc phụ huynh tham gia vào những vụ việc này".
Bạo lực ở trường tiểu học
Các cuộc khủng hoảng địa chính trị và chiến tranh cũng đang có tác động đến các trường học ở Đức. Theo đó, các ban giám hiệu trường học đã chứng kiến bạo lực giữa các học sinh có liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas.
Đây không chỉ là vấn đề ở các trường trung học mà ngay cả các trường tiểu học, với học sinh từ 6-10 tuổi, cũng xảy ra tình trạng bắt nạt và xô xát.
Cựu giáo viên Wolf cho biết Đức là một quốc gia bị chia rẽ về giáo dục. Trong đó, 3.000 trường trung học hàng đầu không phải đối mặt với những vấn đề tương tự như các trường học chủ yếu dành cho trẻ em và thanh niên có nguồn gốc nhập cư hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Hòa nhập với người tị nạn đã trở thành một nhiệm vụ nặng nề đối với tất cả các trường học ở Đức. "Trong 2 năm qua, 200.000 trẻ em chạy trốn khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã được đưa vào hệ thống giáo dục của chúng tôi. Hầu hết đó là những trẻ em đến từ các quốc gia khác có nền kinh tế khó khăn lớn hoặc có chiến tranh hoặc nội chiến. Điều đó khiến tình hình ngay cả ở các trường tiểu học trở nên khó khăn hơn nhiều so với 10 năm trước", Wolf nói.
Điện thoại thông minh, COVID-19 gây ra sự thay đổi mạnh mẽ
Torsten Muller (người không muốn chia sẻ tên thật của mình) là nhân viên xã hội tại một trường học ở bang North Rhine-Westphalia - bang đông dân nhất nước Đức.
Ông cho biết tình hình đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua và cho rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng, kiệt sức, nghi ngờ bản thân và mệt mỏi.
"Điều này đã làm thay đổi cách giao tiếp. Những người trẻ tuổi nói chuyện về nhau nhiều hơn và nảy sinh những hiểu lầm. Và sau đó chúng tôi vẫn đang phải giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19, khiến tỷ lệ mắc bệnh tâm thần gia tăng đáng kể", ông Muller nói.
Việc đóng cửa trường học kéo dài hàng tháng đôi khi được coi là sai lầm lớn nhất trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Học sinh Đức phải ở nhà hơn 180 ngày, lâu hơn nhiều so với nhiều nước châu Âu.
Muller cũng cho biết nhiều người trẻ ngày nay có xu hướng sử dụng bạo lực thay vì chỉ tranh cãi. Ngôi trường mà Muller làm việc đã triển khai chương trình đào tạo giảm leo thang để hạn chế vấn đề này.
Ông nói: "Chúng tôi cho học sinh thấy ngay từ đầu các tranh luận nảy sinh như thế nào và hướng dẫn các em có thể làm gì với tư cách nhóm hoặc cá nhân để tránh rơi vào tình huống này. Đồng thời, chúng tôi cũng cho thấy hành vi bắt nạt diễn ra như thế nào và nhận thấy rằng, hầu như mọi học sinh đều đã trực tiếp trải qua điều này. Sau đó, chúng tôi sử dụng các bài tập để phát triển một chiến lược chung nhằm chống lại vấn nạn bạo lực học đường".
Cần thêm nhà tâm lý học, nhân viên xã hội
Lớp học nhỏ hơn, nhiều giáo viên hơn, hệ thống hỗ trợ tốt với các nhân viên xã hội và nhà tâm lý học - đó là những gì Muller đề xuất để đưa các trường học ở Đức trở lại đúng hướng.
Nhưng Stefan Dull, chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức, thậm chí còn kêu gọi nhiều hơn thế. "Chúng tôi cần rất nhiều người có thể dạy tiếng Đức, ngoài các nhà tâm lý học, trợ lý hành chính và nhân viên trẻ. Nhưng chúng tôi không còn có thể tuyển dụng dễ dàng như vậy nữa. Nhu cầu ngày càng lớn nhưng lực lượng lao động lại ngày càng thu hẹp", ông Dull nói.
Điều đó đã gây ra sự thất vọng lớn đối với các giáo viên - những người ngày càng thấy mình chỉ đến trường để hòa giải các xung đột thay vì giảng dạy. Theo khảo sát, cứ 3 giáo viên thì có 1 giáo viên thường cảm thấy kiệt sức về mặt cảm xúc và 27% cho biết họ đã từng nghĩ đến việc nghỉ việc. Họ đều cho biết thách thức lớn nhất của họ là hành vi của học sinh.
Hiệu trưởng một trường trung học ở bang Bavaria nói rằng, ông ủng hộ chính sách không khoan nhượng. Ông nói: "Chúng tôi cũng cần báo cảnh sát như một biện pháp ngăn chặn. Trong trường hợp bắt nạt qua mạng cũng vậy, nhiều hiệu trưởng đã giao vụ việc cho cảnh sát. Do đó, tại một thời điểm nhất định, có những vụ bắt nạt cần bị xử lý hình sự".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google