Cả giáo viên và học sinh đều "ngán" ôn tập, kiểm tra lại dịp hè

Ngọc Trân
09:10 - 26/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc học sinh học yếu phải ôn tập kiểm tra lại trong dịp hè nhằm quyết định việc lên lớp hay không là quy định chung theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, học và dạy hè là điều mà cả thày và trò đều không hứng thú.

Cả giáo viên và học sinh đều "ngán" ôn tập, kiểm tra lại dịp hè

Thanh thiếu niên xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đá bóng trên sân bóng của xã vào dịp nghỉ hè. Ảnh: TTH

Kết thúc năm học, những học sinh học chương trình 2006 có kết quả xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ Trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại Yếu; học sinh học chương trình 2018 có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì nhà trường sẽ thông báo cho học sinh phải kiểm tra lại trong hè.

Những giáo viên có học sinh phải kiểm tra lại dịp hè sẽ được nhà trường phân công ôn tập, tham gia gác, chấm kiểm tra đối với những em phải kiểm tra lại. Thông thường, những học sinh phải kiểm tra lại trong hè, sau khi thực hiện ôn tập, kiểm tra sẽ đủ điểm để lên lớp.

Bởi thực tế, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân ràng buộc khác nhau nên một khi học sinh đã kiểm tra lại thì các em sẽ đủ điểm, đủ điều kiện để lên lớp. Cũng vì thế, đa phần giáo viên bây giờ sẽ chủ động tổng kết cho học sinh đủ điểm để không phải ôn tập trong dịp hè. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, ngoài dự kiến của giáo viên bộ môn.

Những học sinh nào sẽ phải tham gia ôn tập, kiểm tra lại dịp hè?

Hiện nay, học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang học theo 2 chương trình giáo dục phổ thông khác nhau. Năm học 2022-2023 vừa qua, những học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 10 học chương trình 2018 và được nhà trường, giáo viên đánh giá, xếp loại học lực, rèn luyện qua hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Học sinh các lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12 học chương trình 2006 và được thực hiện đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, học lực theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/ 12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, học sinh lớp 9 và lớp 12 là học sinh cuối cấp nên các em đã hoàn thành chương trình học và tham gia thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên những em phải kiểm tra lại trong hè chỉ còn học sinh lớp 8 và lớp 11 mà thôi.

Việc kiểm tra lại trong hè đối với học sinh lớp 8 và lớp 11 theo hướng dẫn của tại Điều 16 trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 đã quy định như sau: "Học sinh xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ Trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại Yếu, được chọn một số môn học trong các môn học có điểm trung bình cả năm học dưới 5,0 hoặc có kết quả xếp loại chưa đạt để kiểm tra lại. Kết quả kiểm tra lại được lấy thay thế cho kết quả xếp loại cả năm học của môn học đó để tính lại điểm trung bình các môn cả năm học và xếp loại lại về học lực; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp".

Vì thế, những học sinh lớp 8 và lớp 11 nếu có học lực Yếu, nhà trường sẽ lựa chọn 1 trong số các môn dưới điểm trung bình (5,0 điểm) để học sinh ôn tập và kiểm tra lại.

Những học sinh học chương trình 2018 (lớp 6, lớp 7, lớp 10) thuộc diện phải ôn tập và kiểm tra được hướng dẫn tại Điều 14, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT như sau: "Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có điểm trung bình môn cả năm dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số).

Như vậy, học sinh học chương trình 2018 mà có kết quả học lực Chưa đạt thì sẽ tham gia ôn tập và kiểm tra lại tất cả các môn được xếp loại ở mức Chưa đạt.

Giáo viên ngại ôn lại cho học trò vì đã ôn, kiểm tra lại là sẽ cho qua

Mỗi năm, dù không nhiều nhưng đa số các trường học trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có một số học sinh phải ôn tập, kiểm tra lại trong dịp hè. Một khi học sinh tham gia ôn tập thì cũng đồng nghĩa giáo viên sẽ được phân công đứng ra ôn tập cho học trò, ra đề, gác, chấm kiểm tra cho học sinh.

Mỗi giáo viên chỉ ôn vài học sinh trong quãng thời gian khoảng 1-2 tuần lễ nên về cơ bản giáo viên sẽ ôn "trọng tâm" vào nội dung đề kiểm tra bởi thông thường những học sinh phải kiểm tra lại là những em có học lực rất yếu. Hơn nữa, tâm lí của giáo viên vẫn luôn thương học trò, chẳng lẽ học sinh ôn với mình 1-2 tuần mà lại để các em rớt. Học sinh rớt, phải ở lại lớp tất nhiên là tội học trò mà giáo viên cũng khó giải trình với Ban giám hiệu. Vì thế, dù học sinh học yếu nhưng khi kiểm tra giáo viên cũng ráng giúp đỡ và chấm vớt để các em đạt 5,0 điểm để lên lớp.

Hơn nữa, đối với những học sinh lớp 8 và lớp 11 đang học chương trình 2006 mà không đủ điều kiện lên lớp thì các em học ở đâu? Ở lại lớp cũng đồng nghĩa phải học lại với những học sinh học chương trình 2018 có nhiều môn học mới ở cấp trung học cơ sở và tổ hợp ở cấp trung học phổ thông - khác xa hoàn toàn với chương trình 2006. Vì vậy, dù thế nào đi chăng nữa thì giáo viên cũng phải cho học sinh đủ điểm để lên lớp.

Với tâm lý và những ràng buộc như vậy nên giáo viên hiện nay thường chủ động cho học sinh qua môn để không phải ôn tập, kiểm tra lại trong hè. Sự việc này không phải giáo viên ngại khó, ngại khổ mà thực tế ở các nhà trường có mấy khi học sinh kiểm tra lại mà không đủ điểm lên lớp đâu.

Hiện nay, các trường đều thực hiện điểm điện tử nên giáo viên thường nhìn điểm môn mình, môn của các giáo viên khác để có những điều chỉnh khi thấy cần thiết. Hơn nữa, các hướng dẫn hiện nay cho phép học sinh kiểm tra thường xuyên nhiều lần và giáo viên bộ môn sẽ lấy điểm cao nhất cho học sinh nên giáo viên cũng chủ động trong việc đánh giá điểm số cho học trò.

Vì thế, nếu điểm lần kiểm tra trước mà thấp thì giáo viên họ chưa nhập vào phần mềm điểm điện tử bởi nhập vào thì có lịch sử nhập điểm, sửa điểm, khi bị kiểm tra, thanh tra giáo viên khó giải trình. Nên những em "có vấn đề" về điểm số thì giáo viên chỉ nhập điểm định kỳ, còn điểm thường xuyên mà quá thấp thì thầy cô sẽ để lại và "tính toán" khi tổng kết điểm vào cuối học kỳ.

Việc ôn, kiểm tra lại trong hè không chỉ phải vào trường thêm 1-2 tuần ôn cho học trò mà thực chất hiệu quả của việc ôn tập lại cũng không cải thiện được. Học sinh trước sau gì cũng phải cho các em đủ điểm để lên lớp nên giáo viên họ cũng phải chủ động trước các tình huống phát sinh.

Thực tế vẫn có những em phải kiểm tra lại dịp hè vì điểm định kỳ của các em quá thấp, giáo viên "cứu" không nổi mà điểm định kỳ thì được bao nhiêu phải nhập bấy nhiêu vì đây là kỳ kiểm tra mà nhà trường tổ chức tập trung, bài kiểm tra phải nộp cho nhà trường và giáo viên bắt buộc phải nhập điểm sau khi kiểm tra vài ngày theo quy định.