Quảng Ninh: Kỳ nghỉ hè và nghề tay trái của giáo viên ở đảo
Thay vì giành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi sau một năm miệt mài đèn sách cùng học trò, các giáo viên ở các xã đảo thuộc Vân Đồn, Quảng Ninh cứ đến hè là lại tất bật với nghề tay trái.
Người trở thành hướng dẫn viên với mong muốn chuyển tải tất cả những hiểu biết của mình về quê hương tới du khách, người thì lựa chọn làm nghề truyền thống của gia đình, người thì bắt tay vào làm nông dân…
Theo chia sẻ của các giáo viên, nghề tay trái vừa hỗ trợ quê hương mình, nhất là quảng bá, kích cầu du lịch, đồng thời cũng là có thêm thu nhập cho cá nhân.
Như những kỳ nghỉ hè trước, năm nay ngay khi kết thúc các công việc chuyên môn tại trường, giáo viên Phạm Thành Luân (trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bắt tay vào công việc của một hướng dẫn viên du lịch kiêm tổ chức sự kiện.
Cơ duyên chọn nghề tay trái như trên được thầy giáo Luân chia sẻ, trước đây vốn phụ trách công tác Đoàn của nhà trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động cho giáo viên và học sinh nên có kinh nghiệm. Cùng với đó, Quan Lạn là xã đảo vốn có tiềm năng du lịch cần được du khách biết đến nhiều hơn nữa. Chính vì vậy Phạm Thành Luân muốn được trực tiếp giới thiệu với du khách về cảnh quan tuyệt đẹp, các hoạt động gắn với văn hóa, lịch sử và con người trên đảo.
Du lịch tại đảo Quan Lạn mấy năm gần đây khởi sắc, du khách, đặc biệt là khách theo đoàn đến đông hơn, có nhu cầu vui chơi theo hình thức như hoạt động như lửa trại, team bbuilding bãi biển... Do đó, một số người dân địa phương kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ đã ngỏ ý mời thầy giáo Luân tham gia tổ chức.
Cũng nhờ nghề tay trái này, Phạm Thành Luân có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người, học hỏi được nhiều hơn. Nhất là với các đoàn giáo viên tự địa phương khác, quá trình gặp gỡ, hướng dẫn cũng là cơ hội trao đổi chuyên môn, phục vụ công tác giảng dạy.
Dù là nghề tay trái nhưng với tâm huyết của bản thân, thầy giáo Phạm Thành Luân vẫn tìm tòi, học hỏi thêm những người đã có kinh nghiệm, cách thức tổ chức các hoạt động qua mạng xã hội và gắn bó từ năm 2018. Nghề tay trái cũng mang lại thu nhập không nhỏ cho giáo viên này mỗi mùa nghỉ hè.
Thầy giáo Luân cũng khẳng định, bản thân vốn là giáo viên giảng dạy môn Địa lý nên công việc chính và nghề tay trái có sự bổ trợ cho nhau; giúp bản thân ngày càng hoàn thiện, đóng góp sức lực nhỏ bé xây dựng địa phương. Với kiến thức về Địa lý, am hiểu về lịch sử địa phương thầy giáo hoàn toàn vừa có thể truyền thụ cho học sinh, vừa làm tốt vai trò của một hướng dẫn viên du lịch dù là nghiệp dư.
Nghề tay trái của các giáo viên không chỉ mang lại thu nhập cho họ, mà chính họ đang là những người khiến du khách hiểu thêm về mảnh đất và con người biển đảo Quảng Ninh.
Còn đối với cô Lê Thị Loan (Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Ngọc Vừng, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) kỳ nghỉ hè bắt đầu bằng công việc chế biến hải sản bán để có thêm thu nhập. Công việc khá vất vả nhưng để cải thiện đời sống, giáo viên này đã duy trì khoảng 6 năm nay.
Là cán bộ luân chuyển ra công tác tại đảo Ngọc Vừng nhưng Loan luôn coi xã đảo như quê hương thứ hai của mình. Vì vậy, không chỉ là làm thêm để tăng thu nhập, Loan cho rằng kinh doanh cũng là cách quảng bá các mặt hàng của địa phương rộng rãi hơn.
Riêng cô giáo Hoàng Thị Thuý (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngọc Vừng, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), để có thêm thu nhập nuôi 2 con nhỏ cùng 1 cháu mồ côi và mẹ già cô đã chọn nghề nông. Sự lựa chọn này theo cô Thúy xuất phát từ việc gia đình cô vốn làm nông nghiệp.
Cứ như thế, kỳ nghỉ hè của Hoàng Thị Thúy bắt đầu bằng việc cấy hái, trồng khoai lang tím, củ kiệu... Một ngày làm việc của Thúy cùng người thân bắt đầu từ sáng sớm đến chiều muộn. Trong thời gian chờ trồng trọt cho vụ tới, Thúy tranh thủ biển bắt ốc, đánh hà bán cho các nhà hàng để có thêm thu nhập.
Mặc dù thu nhập làm nông nghiệp không cao bằng dịch vụ nhưng mỗi tháng trong dịp hè cô giáo Hoàng Thị Thuý có thêm khoảng 10 triệu đồng để chăm lo cho gia đình.
Lãnh đạo xã đảo Ngọc Vừng cho biết, có nhiều giáo viên vào dịp nghỉ hè đều có công việc làm thêm, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google