Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế

PV
17:07 - 06/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 5/8/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BYT về việc thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mục tiêu của việc thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này, theo Bộ Y tế, là nhằm khảo sát, ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện.

Bên cạnh đó, khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.

Thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các tuyến. Ảnh minh họa

Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra bao gồm:

Đoàn 1: Kiểm tra vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc (25 tỉnh, thành phố), do ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 2: Kiểm tra vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), do ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 3: Kiểm tra vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (11 tỉnh, thành phố), do ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 4: Kiểm tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố), do ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Mỗi đoàn sẽ kiểm tra ít nhất 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và 1 bệnh viện/trung tâm y tế huyện.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thông báo nêu rõ, căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022, trên cơ sở kết quả thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động, khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thống nhất phương án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm tháo gỡ nhanh vướng mắc và tập trung vào những vấn đề cấp bách nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị và thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn và đúng quy định; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2022.

Các Bộ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích cực phối hợp với Bộ Y tế hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra ở hầu hết các tuyến

Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho hay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Ngoài ra, còn có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...

Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động. Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.

Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.

Đặc biệt tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Có những doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.

Các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.

Nguồn: tổng hợp