Bộ Y tế sẽ có quy định về bán thuốc qua livestream và mạng xã hội

Trang Linh
15:44 - 09/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Y tế đề xuất cơ sở kinh doanh dược phẩm chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website, không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream.

Bộ Y tế sẽ có quy định về bán thuốc qua livestream và mạng xã hội- Ảnh 1.

Luật Dược hiện hành chưa quy định cụ thể về bán thuốc qua hình thức livestream. Ảnh: Pexels

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm có thể đăng một số thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý gồm: bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt và một số nội dung quảng cáo khác khi bán hàng trên trang thương mại điện tử. Đồng thời, Bộ Y tế cũng xem xét các quy định về bán thuốc qua livestream, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.

Chưa có quy định cụ thể về bán thuốc qua livestream và mạng xã hội

Hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Một số công ty dược phẩm thu hút hàng triệu lượt xem, bán được hàng nghìn sản phẩm trong một buổi phát sóng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối với hình thức bán thuốc qua livestream.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet quy định chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream và hoạt động có phát sinh doanh thu. Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm...

Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược.

Cần xây dựng quy định, tránh khoảng trống trong mua bán thuốc trên trang thương mại điện tử

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của tình hình đại dịch COVID-19, thời gian qua việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. 

Bộ Y tế sẽ có quy định về bán thuốc qua livestream và mạng xã hội- Ảnh 2.

Bộ Y tế cho rằng việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Ảnh Pexels

Một số doanh nghiệp nước ngoài đã đề xuất Chính phủ Việt Nam khuyến khích thương mại điện tử cho dược phẩm đi kèm các biện pháp kiểm soát chất lượng.

Bộ Y tế cho rằng việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu; cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ mở thêm kênh bán hàng. Đồng thời quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo khoản 2, Điều 32 quy định về cơ sở kinh doanh dược, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và điểm đ, khoản 2, Điều 32 Luật Dược năm 2016 quy định về cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm 4 hình thức: nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Luật Dược hiện hành và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay kinh doanh thuốc qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng quy định để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.