Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế

Hồng Ngọc
21:45 - 30/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quy định, thông tư (trong đó có Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế.

Khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã được tháo gỡ - Ảnh 1.

Những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế dần được tháo gỡ. ẢNh: Bộ Y tế

Gỡ "nút thắt" trong mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế

Ngày 24/10, phát biểu thảo luận tại Tổ 13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quy định, thông tư nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Từ đó giúp các địa phương bảo đảm nguồn thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. "Điều này phần nào phản ánh việc Chính phủ đã kịp thời nắm tình hình cử tri phản ánh", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh.

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết này "cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023".

Sau khi Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đến các đơn vị, địa phương và trên thực tế đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.

Để thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, khắc phục triệt để các khó khăn nêu trên, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trong Quý II năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn, bao gồm:

- Mua sắm trang thiết bị y tế.

- Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế.

- Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập.

Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo 1 trong 3 phương pháp sau đây: Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp; Khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

Bộ Y tế cho biết, Thông tư này tạo hành lang pháp lý, khắc phục được các khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong từng nội dung thực hiện nên các đơn vị yên tâm, chủ động, tích cực triển khai thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập mua sắm được trang thiết bị y tế, linh kiện, vật tư thay thế cũng như dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế như sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn phù hợp với yêu cầu chuyên môn, bảo đảm vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị y tế của cơ sở y tế. Thông tư 14/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023.

Bộ Y tế khẳng định không thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia

Gần đây có phản ánh nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân, một phần do nguyên nhân Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá.

Ngày 26/10/2023, trả lời về vấn đề này, ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia cho biết, các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã có kết quả trúng thầu, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Việc thiếu thuốc hiện nay phần lớn là thuốc được đấu thầu từ đơn vị mua sắm cấp địa phương hoặc cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Cụ thể, đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ tháng 8/2022 và có hiệu lực thực hiện từ tháng 9/2022 đến hết ngày 31/8/2024. Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm.

Khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã được tháo gỡ - Ảnh 3.

Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế. Ảnh: Bộ Y tế

Mặt khác, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.

Phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện từ đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Đối với các thuốc đàm phán giá, đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2024, đợt 4 từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2025.

Đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả. Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn, gồm 701 thuốc nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng Đàm phán giá và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá.

Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.

"Trung tâm luôn có văn bản thông báo tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh", ông Lê Thanh Dũng cho biết.

Theo lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia, các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng tới các cơ sở y tế trên cả nước.

Một số trường hợp nhà thầu không cung ứng thuốc do cơ sở y tế chưa thực hiện việc thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết. Trung tâm đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Đối với một số thuốc nhập khẩu cung ứng chậm do thiếu nguyên liệu của giai đoạn đầu khi thực hiện hợp đồng.

Việc thiếu nguyên liệu này xảy ra trên toàn cầu từ ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 hoặc chưa được Cục Quản lý Dược xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt.

Liên quan vấn đề này, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã yêu cầu nhà thầu tài trợ thuốc có tiêu chí kỹ thuật tương đương cho các cơ sở y tế trong thời gian chưa cung ứng được thuốc trúng thầu.

"Do vậy, đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: Bộ Y tế, Báo Chính phủ